Đổ xô mua đá phong thủy để 'không làm vẫn có ăn'

'Đeo đá gì để tình cũ quay lại?', 'Charm nào giúp không học vẫn đỗ đạt?' nằm trong số những câu hỏi mà Hương Đoàn, chủ cửa hàng trang sức phong thủy ở TP.HCM, thường nhận được.

Đó thường là những thắc mắc của khách hàng 18-22 tuổi khi tìm mua trang sức phong thủy trong khoảng một năm trở lại đây. Sau 3 năm kinh doanh mặt hàng này, Hương Đoàn nhận thấy người tiêu dùng phụ kiện tâm linh ngày càng trẻ tuổi.

Dù cơ sở kinh doanh của cô tập trung vào phân khúc trung và cao cấp, tỷ lệ khách hàng dưới 25 tuổi vẫn đạt 36%.

“Nội dung liên quan đến tâm linh ngày càng phổ biến trên mạng xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhu cầu sử dụng phụ kiện phong thủy của người tiêu dùng trẻ”, Hương Đoàn chia sẻ với Tri Thức - Znews.

 Nhu cầu tìm hiểu trang sức phong thủy gia tăng, khách hàng của lĩnh vực này cũng trẻ hóa. Ảnh: NVCC.

Nhu cầu tìm hiểu trang sức phong thủy gia tăng, khách hàng của lĩnh vực này cũng trẻ hóa. Ảnh: NVCC.

Không chỉ Hương Đoàn, một số chủ sở hữu các cơ sở kinh doanh trang sức tâm linh khác cũng ghi nhận sự trẻ hóa ở khách hàng và nhu cầu sử dụng phụ kiện phong thủy tăng cao trong những năm gần đây.

Về phía khách hàng, một số người dùng mong muốn tìm kiếm điểm tựa tâm linh, tinh thần khi cuộc sống trở nên khó khăn. Khi vô tình đạt được mong ước, mục tiêu nhờ đeo thạch anh, charm hay vòng trầm, họ tiếp tục mua thêm trang sức phong thủy.

Bên cạnh Việt Nam, thị trường phụ kiện tâm linh Trung Quốc cũng ngày càng phát triển. Trong Q1/2024, doanh số trang sức vàng có hình bướm trên Taobao đã tăng 45,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt dây chuyền và vòng tay cỏ bốn lá Alhambra của Van Cleef cũng đứng đầu danh sách sản phẩm bán chạy nhất trên Tmall trong dịp 520 (ngày tỏ tình của Trung Quốc), theo Digital Luxury Group.

Nhu cầu tìm hiểu tăng, nhưng sức mua giảm

Thành lập thương hiệu trang sức tâm linh từ năm 2021, Hương Đoàn nhận thấy sự khác biệt lớn giữa các nhóm khách hàng ở độ tuổi khác nhau.

Người tiêu dùng nhỏ hơn 22 tuổi thường tìm đến phụ kiện phong thủy để cầu mong đỗ đạt, tìm kiếm đối tượng tình yêu, chỉ tậu những món có giá thành “học sinh - sinh viên” từ 300.000-800.000 đồng.

Khách hàng ở độ tuổi 25, bắt đầu tự chủ tài chính, mong muốn sở hữu các loại đá cầu tài lộc, thăng tiến, chấp nhận chi trả từ 1 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng cho một món trang sức tâm linh.

Đối với người dùng sau 35 tuổi, nhu cầu cầu an và tính thẩm mỹ lại là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, nhóm đối tượng này cũng sắm trang sức tâm linh làm quà cho gia đình, bạn bè, đối tác. Hương Đoàn cho biết 1/3 đơn hàng của cô là quà tặng.

“Trong bối cảnh kinh tế bất ổn và thị trường việc làm ảm đạm, nhiều người coi tâm linh là điểm tựa tinh thần, tìm kiếm sự bình an qua trang sức phong thủy”, Hương Đoàn chia sẻ.

 Phụ kiện tâm linh là điểm tựa tinh thần của nhiều người tiêu dùng trẻ khi cuộc sống trở nên khó khăn. Ảnh minh họa: Pexels.

Phụ kiện tâm linh là điểm tựa tinh thần của nhiều người tiêu dùng trẻ khi cuộc sống trở nên khó khăn. Ảnh minh họa: Pexels.

Tương tự, Trâm Anh, chủ sở hữu một cửa hàng kinh doanh phụ kiện phong thủy tại Hà Nội, cũng nhận thấy nhu cầu tìm hiểu về trang sức tâm linh gia tăng hậu Covid-19.

Mặc dù nhu cầu tìm hiểu tăng nhanh, sức mua của khách hàng lại sụt giảm do quyết định cắt giảm ngân sách tiêu dùng, thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn khó khăn tài chính.

Theo Trâm Anh, nhiều người nhắn tin hỏi thông tin sản phẩm, nhưng lại im lặng khi nghe báo giá. Do đó, cô quyết định thay đổi mẫu mã, dùng đá nhỏ hơn, cắt giảm số lượng charm trên dây chuyền, vòng tay và nhẫn để hạ giá thành, đem đến những mặt hàng vừa túi tiền số đông hơn.

“Tôi thường hỏi khách hàng về nhu cầu, ngân sách trước rồi mới tư vấn sản phẩm phù hợp, thậm chí có thể điều chỉnh số lượng đá theo yêu cầu. Phương pháp tư vấn này gia tăng khả năng ‘chốt đơn’ hơn”, Trâm Anh nói.

Một trong những khó khăn lớn nhất của những chủ cửa hàng trang sức phong thủy như Trâm Anh hay Hương Đoàn là hoạt động marketing.

Tài khoản của thương hiệu Trâm Anh từng lọt vào danh sách hạn chế do đăng tải bài viết truyền đạt nội dung liên quan đến tâm linh. Sau sự cố đó, cô rút kinh nghiệm, lựa chọn từ ngữ cẩn thận hơn, tránh nhắc đến những vấn đề nhạy cảm.

“Quy định của các nền tảng thay đổi hàng ngày. Khi đưa ra quy định mới, các nền tảng quét cả bài đăng cũ, khiến tôi phải đau đầu ứng phó”, Trâm Anh chia sẻ.

Cầu tình duyên, tài lộc với trang sức tâm linh

Phương Đặng (23 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) lần đầu biết đến trang sức tâm linh qua những video về chiêm tinh, tarot trên mạng xã hội.

Sau khi nghe những tarot reader (người trải/đọc bài tarot) nói về khả năng thu hút vận may, bồi đắp năng lượng của một số loại đá, thạch anh, cô quyết định sắm món phụ kiện phong thủy đầu tiên.

 Phương Đặng sử dụng vòng, dây chuyền thạch anh để thu hút năng lượng tích cực.

Phương Đặng sử dụng vòng, dây chuyền thạch anh để thu hút năng lượng tích cực.

“Năm ngoái, tôi thất tình, mong muốn đón nhận năng lượng tích cực trong chuyện tình cảm nên đã ‘xuống tiền’ cho một chiếc lắc tay đính thạch anh hồng”, Phương chia sẻ.

Trải qua biến cố trong chuyện tình duyên, Phương Đặng bắt đầu đối mặt với những căng thẳng do công việc mang đến khi “chân ướt chân ráo” gia nhập thị trường lao động.

Cô tiếp tục tìm đến cửa hàng trang sức tâm linh trước, nghe tư vấn của chủ shop, rồi tậu thêm một chiếc dây chuyền gắn thạch anh tóc vàng. Với món phụ kiện này, Phương hy vọng có thể giảm căng thẳng, gia tăng sự thư thái, minh mẫn khi làm việc.

“Dù không chắc về công dụng của những món trang sức tâm linh này, tôi cảm thấy an tâm hơn khi đeo chúng trên người”, cô gái 23 tuổi chia sẻ.

Khác với Phương Đặng, Đoan Trang (32 tuổi, quận 8, TP.HCM) không trực tiếp cầu mong tình duyên hay giải tỏa áp lực công việc qua phụ kiện phong thủy. Cô thường xuyên tìm hiểu về ngũ hành, mua nhiều món trang sức bổ trợ năng lượng cho bản thân.

Bên cạnh nhẫn thạch anh, xà cừ, Trang cũng sở hữu nhiều mẫu vòng trầm với số hạt, kích thước hạt khác nhau.

Ban đầu, cô chỉ đeo 1-2 món trang sức tâm linh hợp mệnh, hợp tuổi. Song, số lượng phụ kiện phong thủy của Đoan Trang tăng đều theo thời gian.

“Tôi tự nhận thấy bản thân ‘nghiện’ những món đồ này, coi đây là thú chơi, thú sưu tầm. Thời gian theo đuổi thú chơi này của tôi là gần một thập kỷ”, Trang chia sẻ.

Món trang sức đắt nhất trong bộ sưu tập của cô có mức giá lên đến 25 triệu đồng. Đó là chiếc vòng đính đá phong thủy khắc hình hoa sen, được Đoan Trang đặt thiết kế riêng.

Không chỉ mua phụ kiện mới, Trang còn “độ” thêm charm cho những chiếc vòng tay, dây chuyền cũ. Giá thành của một mẫu charm mà cô thường sắm thêm nằm trong khoảng từ 1-3 triệu đồng.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-tre-mua-da-phong-thuy-de-thu-hut-nguoi-yeu-cu-khong-lam-van-co-an-post1480512.html