Người trẻ sợ ngày cuối tuần

Thay vì tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần, hầu hết mọi người lại có cảm giác uể oải, chán nản vào ngày Chủ nhật vì hôm sau là một tuần làm việc mới.

Vì sao người trẻ sợ chủ nhật?

Hội chứng sợ chủ nhật ngày càng có xu hướng gia tăng và không phân biệt độ tuổi. Nó không chỉ xuất hiện ở nhóm những người có công việc đòi hỏi chuyên môn cao mà cả những đối tượng nhân viên trẻ mới đi làm và phổ biến nhất ở Gen Z (những người sinh từ khoảng năm 1996 - 2010).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Talker Research (Mỹ) cho thấy 74% Gen Z có cảm giác này ít nhất mỗi tháng một lần trong khi các thế hệ khác, tỷ lệ chỉ khoảng 25%. Mọi người thường có cảm giác sợ vào 15h54 nhưng Gen Z bắt đầu sợ từ 6h ngày chủ nhật.

Đây là một dạng của chứng lo âu chờ đợi (anticipatory anxiety), nghĩa là ta cảm nhận được nỗi sợ hãi ngay cả khi chưa đối mặt với vấn đề. Giống với mọi rối loạn lo âu khác, nó còn tác động đến thể chất. Cụ thể là khiến cơ thể giải phóng adrenaline và cortisol.

Đây là những hormone khiến tim đập nhanh, tăng huyết áp và tác động quá trình tiêu hóa. Chúng tiết ra càng nhiều, con người càng cảm thấy hồi hộp, sợ hãi.

Sự lo âu trong ngày chủ nhật của Gen Z có nhiều lý do. Khảo sát cho thấy 33% Gen Z căng thẳng về các công việc cần hoàn thành trong tuần, 28% cảm thấy không chắc chắn về tuần mới sắp diễn ra. Đặc biệt, 42% Gen Z áp lực hoàn thành công việc tồn đọng trước khi tuần mới bắt đầu, đây được xem là nguyên do chính.

Có 20% Gen Z thừa nhận bị kiệt sức hoặc thiếu nghỉ ngơi, 18% nói họ không sẵn sàng cho tuần mới.

Sự mệt mỏi vào thứ hai dường như tồn tại ở nhiều nền văn hóa. Một nghiên cứu ở 46 quốc gia cho thấy thứ hai là ngày mà mọi người ít có khả năng nghĩ đó là "một ngày tốt lành".

Nhà tâm lý Brooke Sprowl, người sáng lập dịch vụ tư vấn trị liệu My LA Therapy, giải thích nỗi sợ chủ nhật thường liên quan đến sự chuyển giao đột ngột của tự do của cuối tuần và việc khởi động tuần làm việc mới.

Bà cho rằng giải pháp hiệu quả nhất để chống lại cảm giác này là định hình chủ nhật như thời gian để tái tạo năng lượng chứ không phải căng thẳng.

"Đặt ra những mục tiêu nhẹ nhàng và tạo không gian cho việc suy ngẫm", bà Sprowl nói. "Chấp nhận chủ nhật như cơ hội làm mới bản thân thay vì xem đây là thời gian đáng sợ". Chuyên gia cho rằng sự chuẩn bị có thể chuyển cảm giác lo âu sang tự tin, sẵn sàng.

Khi đối mặt với nỗi sợ ngày chủ nhật, Gen Z đã có những cách ứng phó khác nhau như nghe nhạc, xem phim và chơi video game thư giãn. 55% Gen Z cho biết họ vẫn tận hưởng chủ nhật nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với thế hệ Millennials, Gen X và Baby Boomers.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Làm gì để thoát khỏi hội chứng sợ chủ nhật?

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số gợi ý hữu ích có thể khiến mọi người thoát khỏi hội chứng sợ chủ nhật và cảm thấy bớt buồn chán và uể oải vào tuần làm việc mới.

Một là duy trì ranh giới rõ ràng giữa công việc và phần còn lại của cuộc sống. Những người dành quá nhiều thời gian vào cuối tuần để kiểm tra công việc qua email hoặc suy nghĩ về công việc thường có cảm giác sợ hãi rõ rệt vào đầu tuần.

Cách thứ hai là thay đổi cách nghĩ về cuối tuần. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy khi những người tham gia được yêu cầu coi cuối tuần của họ như một kỳ nghỉ nhỏ, họ có xu hướng thực hiện nhiều hoạt động thú vị hơn và trở lại làm việc vào thứ hai với nhiều năng lượng hơn và hài lòng với công việc của họ.

Cuối cùng, mọi người có thể thiết kế lại ngày thứ hai để khiến bản thân cảm thấy thoải mái hơn vào cuối tuần. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta có thể thấy chán nản hơn vào thứ hai vì chúng ta có mức độ tự chủ thấp (cảm thấy không thể làm những việc mình thích), liên kết thấp (cảm thấy không kết nối được với những người thân), và năng lực thấp (cảm thấy mình không đủ giỏi để làm việc đó). Đưa ra những thay đổi đơn giản như bắt đầu ngày mới với thứ mà bản thân giỏi, dành ra một chút thời gian để làm những gì mình muốn hoặc sắp xếp một cuộc hẹn vào giờ ăn trưa có thể tạo nên sự khác biệt .

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-tre-so-ngay-cuoi-tuan-d202039.html