Người trẻ sống chậm để chữa lành
Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực đã gây nên không ít căn bệnh liên quan đến tâm thần trong giới trẻ. Nhiều người trẻ đã tìm cách 'chữa lành' cho chính mình bằng việc sống chậm lại, thậm chí dừng lại việc kiếm tiền, tăng kết nối với thiên nhiên.
Những áp lực vô hình
Hai tháng nay, N.T.H.K., 28 tuổi, nhân viên một ngân hàng trên địa bàn quận 1, TP HCM rơi vào trạng thái mất ngủ triền miên, thiếu tập trung, lo âu thái quá trước tất cả mọi diễn biến của cuộc sống. Những trạng thái tinh thần này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý, chất lượng sống của K. Mới đây, H.K. đã đến khám tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM và được chẩn đoán cô đang có các triệu chứng rối loạn lo âu, một trong những dạng rối loạn tâm lý phổ biến.
Dẫn đến tình trạng này là do suốt một thời gian dài K. chịu áp lực lớn trong công việc. Do đặc thù công việc phải làm nhiều, mỗi ngày trung bình thời gian dành cho công việc đến 10 tiếng đồng hồ, phải liên tục vật lộn với những con số, đòi hỏi độ chính xác cao. K. lại ít bạn bè, không muốn chia sẻ với người thân, cuối cùng tích tụ thành những rối loạn tâm lý.
Theo lời khuyên của bác sĩ, bên cạnh việc uống thuốc, K. đã sắp xếp lại công việc, tìm nhiều hơn đến những thú vui giải trí, gặp gỡ, tương tác và chia sẻ. Tuy nhiên, theo K. chia sẻ, dù đã cố gắng nhiều, nhưng tính chất công việc khiến K. khó thoát khỏi áp lực, không dễ để tìm cho mình một trạng thái tinh thần nhẹ nhàng và lạc quan hơn.
L.H.V là sinh viên năm 3 tại một trường đại học top đầu trong cả nước tại TP HCM, V. từng là học sinh xuất sắc, được cha mẹ tự hào, điểm số ở trường đại học cũng rất cao. Tuy nhiên, học kì vừa rồi V. bỗng nhiên âm thầm xin bảo lưu một học kì. Thời gian đáng ra là đi học, V. sang nhà bạn chơi, lê la ở các quán cà phê, xin làm thêm ở một vài tiệm thức ăn nhanh để kiếm thêm tiền... Khi cha mẹ V. phát hiện, cả hai đã vô cùng thất vọng và tức giận, không thể hiểu nổi vì sao con trai mình đang học hành đàng hoàng, tương lai ngời ngời lại như thế. V. thú thật với cha mẹ, trong những năm qua em rất căng thẳng, stress và đang có triệu chứng của trầm cảm. V. luôn bị đè nặng dưới áp lực là phải học tốt, học giỏi, không phụ kì vọng của cha mẹ, trong khi chàng trai trẻ vốn không yêu thích ngành mình đang theo học. Quá mệt mỏi, V. đã tự ý xin ngừng học để cho tinh thần được nghỉ ngơi.
Tại một group mang tên Hôm nay tôi buồn trên Facebook với hàng chục ngàn bạn trẻ tham gia, người ta có thể đọc được rất nhiều câu chuyện về những sang chấn tâm lý, những nỗi buồn, lo âu, hoang mang, lạc lối. Những cơn đau từ thương tổn bên trong, những triệu chứng trầm cảm kéo dài của các bạn trẻ. Có những người còn rất trẻ, mới ở ngưỡng cửa bước vào đời đáng ra đầy ắp niềm vui, ước, mơ, hy vọng, nhưng đã mang nhiều suy nghĩ tiêu cực, đen tối, muốn từ bỏ cuộc đời.
Xã hội càng phát triển, đời sống càng văn minh hơn, nhưng con người cũng đồng thời đối mặt với nhiều vấn đề hơn. Đặc biệt, trải qua đại dịch COVID-19 với quá nhiều biến động, mất mát, hàng tỉ người trên thế giới, trong đó chiếm tỉ lệ không nhỏ là thanh, thiếu niên đã bị tác động sâu sắc đến sức khỏe tâm thần. Đại dịch làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng vốn đã tồn tại trong tâm thế con người từ trước dịch. Các ước tính cho thấy sự gia tăng của cả rối loạn lo âu và trầm cảm ở mức hơn 25%, chỉ trong năm đầu tiên của đại dịch.
Tại Việt Nam, thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số (gần 15 triệu người). Trong đó tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)...
Trả lời báo chí, TS.BS Vũ Thy Cầm - Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã chia sẻ, thực trạng gia tăng các rối loạn tâm thần của con người trong những năm qua xuất phát từ 3 nhóm nguyên nhân. Thứ nhất, là do xu hướng phát triển của xã hội hiện đại - con người chịu nhiều áp lực của cuộc sống, vì vậy các rối loạn liên quan căng thẳng ngày càng gia tăng, giới trẻ bị ảnh hưởng nhiều. Thứ hai, là thói quen sử dụng rượu, bia và chất gây nghiện ở một nhóm bệnh nhân trẻ có xu hướng ngày càng gia tăng. Thứ ba, là nhóm các rối loạn tâm thần ở trẻ em ngày càng được gia đình quan tâm, đến khám nhiều hơn. Ngoài ra, COVID-19 cũng là một trong những nguyên nhân tác động lớn tới sức khỏe tâm thần của người dân
Sống chậm lại, rời bỏ áp lực
32 tuổi, từng là quản lý tại một công ty nước ngoài ở TP HCM với mức lương 2.000 USD, nhưng giờ đây, Phan Thanh Trúc lại đang làm một công việc rất giản dị: Tình nguyện viên nông nghiệp cho một trang trại tại Đơn Dương, Lâm Đồng. Thay vì chiếc máy tính và các con số, công việc mà Trúc làm hằng ngày hiện nay là bón phân cho cây, trồng cây, trồng hoa, tưới cây, hái rau, nhặt sâu, chế biến những chế phẩm sinh học để bón cho cây và trừ sâu. Thay vì những khách hàng, đối tác với các buổi họp triền miên để trình bày ý tưởng, thuyết trình dự án, giờ đây Trúc thường tương tác nhiều nhất với những tình nguyện viên trong nhóm, những nông dân trong vùng, chó, mèo và các động vật trong trang trại.
Trúc kể rằng, trước đó, mặc dù mức lương rất cao, đời sống vật chất rất đủ đầy, nhưng Trúc hiếm khi nào thấy đủ. Tiền làm bao nhiêu, cô chi tiêu cho sở thích hàng hiệu, cho những bữa ăn ngon tại các nhà hàng, quán xá nổi tiếng trong thành phố, những bữa vui chơi, “quậy hết mình” với bạn bè.
Thế nhưng, Trúc cho biết, mặc dù đời sống rất sôi động nhưng sâu bên trong Trúc luôn cảm thấy mình không vui. Cô bị thừa cân do những bữa tiệc, cuộc vui triền miên. Cô còn bị men gan cao, khó tiêu hóa do uống nhiều bia, rượu và đặc biệt là những cơn đau đầu, mỏi mệt, trạng thái tinh thần ức chế, chán chường kéo dài. Đến một ngày, Trúc đã quyết định rời bỏ công việc mà bao người mơ ước, rời bỏ những dự án, chiến lược tiền tỉ để đi đến một vùng đất xa lạ, kết nối nhiều hơn với cây cỏ, thiên nhiên. Trúc kể, bây giờ cô có cả một bầu không khí trong lành, có những tối trời đầy trăng và đầy sao, có những bữa ăn giản dị mà sạch lành. Tất cả những điều đó dường như đang giúp cả thể chất và tinh thần, cả tâm lý và tâm trí cô gái trẻ trở nên khỏe khoắn, bình yên trở lại.
Giờ đây, ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn cách “rời bỏ” những áp lực của cuộc sống cũ, bước chân lên cuộc hành trình chữa lành cho chính mình. Có bạn tìm về vùng biển, đảo sinh sống một thời gian cùng người ngư dân chân chất. Có những bạn làm tình nguyện viên hay tìm công việc giản dị trong những nông trại nhỏ, học các làm du lịch hoặc làm một nông dân đích thực. Không ít người trẻ dành cho mình thời gian 3 tháng, nửa năm, 1 năm để “làm mới” mình thông qua những chuyến phượt khắp nơi.
Hiện nay, rất nhiều sinh viên sau 4 năm đại học cũng không chọn cách đi làm ngay mà cho mình một khoảng thời gian để “gap year”, nghĩa là xả bỏ áp lực, sống như mình mong muốn, trước khi bước vào “cuộc chiến” mới của một người trưởng thành.
Tất nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện để “gap year”, để rời đi, tìm một lựa chọn khác, tạm thời tránh xa áp lực. Nhiều người trẻ vẫn phải ở lại, tiếp tục hành trình mưu sinh nhiều vất vả. Nhưng một cách tích cực, họ vẫn tìm cho mình những cách để sống chậm, tạo ra nhiều năng lượng bình yên cho tâm hồn.
Đơn giản là họ biết cách kết nối nhiều hơn với chính bản thân và với những người thân yêu. Họ chọn cho mình những thú vui tinh thần giản dị mà hữu ích như nghe những bản nhạc hay, xem những bộ phim tích cực, như đọc sách hay tập uống trà, ngồi thiền, yoga hay chạy bộ hoặc bất kì bộ môn thể thao tích cực nào khác. Họ sắp xếp thời gian hợp lý để cân bằng giữa công việc và các thú vui lành mạnh trong cuộc sống, biết cách xem đồng tiền là phương tiện để sống tốt hơn chứ không phải là mục tiêu của đời mình.
Giới trẻ giờ đây nhiều áp lực nhưng cũng có không ít chất liệu để sống vui hơn, hạnh phúc hơn. Quan trọng là ở sự nhận ra và lựa chọn của mỗi người.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguoi-tre-song-cham-de-chua-lanh-post487431.html