Người trẻ tìm đến Tarot: Sự an ủi giữa những chông chênh
Trong cuộc sống hiện đại đầy áp lực, nhiều bạn trẻ tìm đến Tarot như một 'liều thuốc tinh thần' giúp 'chữa lành'.
Từ phương Tây xa xôi "len lỏi" vào trái tim giới trẻ Việt
Tarot có nguồn gốc từ châu Âu, bắt đầu như một trò chơi bài từ thế kỷ 14 với mỗi lá bài tượng trưng cho một khía cạnh hoặc nguyên mẫu của con người. Khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, Tarot đã nhanh chóng len lỏi vào văn hóa giới trẻ Việt Nam, trở thành công cụ phổ biến giúp các bạn trẻ định hướng cuộc sống. Nhờ khả năng “đọc” được tâm tư và đưa ra những lời khuyên dựa trên biểu tượng, Tarot trở thành cách tiếp cận thú vị để khám phá nội tâm và giải tỏa áp lực.
Tarot thường được giới trẻ xem là một liệu pháp tinh thần vừa tiết kiệm lại có thể dễ dàng tiếp cận qua mạng xã hội. Các nhóm cộng đồng Tarot hiện diện trên khắp các nền tảng trực tuyến với nhiều chia sẻ, câu chuyện trải nghiệm khác nhau. Bằng một vài thao tác đơn giản, người tìm đến Tarot có thể dễ dàng kết nối với cộng đồng và những người thực hiện “đọc bài” chuyên nghiệp, hay còn được gọi là “Tarot Reader.”
Lan Anh (25 tuổi), hiện đang là nhân viên ngân hàng tại Hà Nội, đã bắt đầu tìm đến Tarot để đối phó với căng thẳng. “Công việc đòi hỏi mình phải ra quyết định liên tục, áp lực từ khối lượng công việc cũng như sự kỳ vọng của sếp khiến mình có lúc mất phương hướng,” Lan Anh chia sẻ. Cô nàng cho biết bản thân từng khá hoài nghi về Tarot, nhưng sau khi một người bạn giới thiệu và khuyến khích cứ thử đi "cho vui", cô nàng quyết định bước qua ranh giới của sự hoài nghi để tìm sự "giải thoát" trong tâm hồn.
Vào một buổi chiều sau giờ làm việc, Lan Anh đặt lịch hẹn với một Tarot Reader có tiếng trên mạng xã hội. Khi bộ bài được trải ra, những biểu tượng trên lá bài đã khơi gợi cho cô gái trẻ nhiều suy nghĩ, cùng lời khuyên “tạm ngừng phân tích quá mức và tập trung vào sức khỏe tinh thần.” Lan Anh chia sẻ rằng trải nghiệm này đã giúp cô nàng nhận ra áp lực không chỉ xuất phát từ công việc, mà còn từ chính cách mà bản thân nhìn nhận về cuộc sống xung quanh. "Từ lúc đó, mình dần điều chỉnh cách làm việc và học cách chấp nhận bản thân hơn," Lan Anh bày tỏ.
Không chỉ Lan Anh, rất nhiều người trẻ cũng tìm đến Tarot để chia sẻ những cảm xúc, những chông chênh trong cuộc sống. Thanh Hoàng, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chia sẻ: "Lần đầu tiên mình đến với Tarot là khi cảm thấy kiệt sức vì áp lực học hành và mối quan hệ tình cảm. Mình luôn lo lắng về tương lai và tự hỏi liệu những quyết định của mình có đúng hay không."
Thanh Hoàng cho biết, qua những buổi xem Tarot, anh chàng nhận thấy đây là một cơ hội để khám phá bản thân và đối diện với những suy nghĩ mà chàng trai trẻ này luôn cố gắng tránh né. “Thay vì chỉ chăm chăm hỏi Tarot về tương lai, mình học cách tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của những cảm xúc hiện tại,” Hoàng chia sẻ.
Ranh giới monh manh giữa yêu thích và lệ thuộc
Thực tế cho thấy một bộ phận giới trẻ ngày càng thần thánh hóa Tarot. Nhiều bạn trẻ tò mò tìm đến Tarot với các câu hỏi không ai biết trước trong nhiều lĩnh vực: "Mình có đạt được vị trí mơ ước không?", "Liệu mình sẽ tìm được một mối quan hệ bền lâu?", hay thậm chí là "Mình có nên từ bỏ công việc hiện tại không?".
Chị H., một Tarot Reader tại Hà Nội đã gắn bó với Tarot gần sáu năm. Theo chị, đa số khách hàng tìm đến mình là các bạn trẻ dưới 30 tuổi, phần lớn trong số họ đang phải đối mặt với áp lực từ công việc và học tập. Chị H. chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ cảm thấy như bị mắc kẹt, không biết cách đối mặt với những khó khăn của bản thân. Vì vậy, các bạn tìm đến Tarot như một cách để tìm câu trả lời cho những trăn trở mà bản thân chưa thể chia sẻ với ai khác.”
Dưới quan điểm của mình, chị H. nhấn mạnh Tarot không phải là một công cụ giúp “tiên tri số phận” hay “mê tín dị đoan”. Chị coi Tarot như phương tiện giúp người xem hiểu rõ hơn về bản thân và các vấn đề xung quanh. “Những lá bài chỉ là gợi ý, hỗ trợ quá trình suy ngẫm của mỗi người. Cuối cùng, sự lựa chọn vẫn nằm ở họ, chứ không phải do lá bài quyết định.”
Chị H. nhận định rằng ngày nay, một số bạn trẻ có xu hướng dựa dẫm, quá lệ thuộc vào Tarot, coi đây là địa chỉ tìm kiếm quyết định cho mọi vấn đề trong cuộc sống, từ chuyện tình cảm, học hành, kinh tế đến con đường công danh, tương lai sự nghiệp: "Sự phụ thuộc này khiến nhiều bạn trẻ trở nên thiếu tự chủ, không dám đưa ra quyết định riêng vì sợ trái với 'lời phán' của lá bài".
Theo chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn, việc giới trẻ tìm đến Tarot như một cách để đối diện với những áp lực và căng thẳng trong cuộc sống không phải là điều bất thường. Chuyên gia cho biết: “Trong thời đại mà các vấn đề tâm lý và cảm xúc được xã hội nhìn nhận cởi mở hơn, việc tìm kiếm những công cụ tự giúp bản thân như Tarot là một dấu hiệu cho thấy người trẻ có mong muốn hiểu rõ và giải tỏa những căng thẳng trong tâm trí.”
Bà nhấn mạnh rằng Tarot có thể mang lại một "không gian" an toàn để người dùng đối diện với cảm xúc và tìm kiếm những gợi ý cho các khúc mắc trong cuộc sống. “Các biểu tượng và lời khuyên của Tarot phần nào đóng vai trò như một ‘chiếc gương’ để người dùng tự soi xét nội tâm, giúp họ hiểu rõ hơn về bản thân, từ đó có cách ứng phó lành mạnh với áp lực.” Tuy nhiên, bà cũng khuyến nghị rằng, người trẻ không nên tuyệt đối hóa lời phán của những lá bài Tarot.
Chuyên gia tâm lý cảnh báo rằng quá phụ thuộc vào Tarot có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc và thiếu tự chủ trong cuộc sống. “Nếu cứ chờ đợi sự ‘dẫn dắt’ của lá bài mà không tự mình đưa ra quyết định, họ có thể gặp khó khăn trong việc xác lập mục tiêu và quản lý cảm xúc, dẫn đến tâm lý bất an và giảm tự tin trong các quyết định cá nhân.”
Chuyên gia lưu ý thêm, với những trường hợp áp lực và căng thẳng kéo dài, việc tìm đến các chuyên gia tâm lý để có hướng điều trị phù hợp là điều cần thiết. “Tarot có thể hỗ trợ quá trình tự nhận thức, nhưng không thể thay thế liệu pháp tâm lý. Khi sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng nặng nề, việc tìm đến chuyên gia là lựa chọn an toàn và hiệu quả hơn cho người trẻ,” bà kết luận.