Người trẻ tôn vinh áo dài Việt

Áo dài ngày càng được nhiều người trẻ quan tâm, chọn mặc vì vừa tôn lên vẻ đẹp thời trang vừa gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người Việt

Từ ngày 7 đến 17-3, Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 10 năm 2024 với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam" diễn ra với nhiều nội dung sinh động, hứa hẹn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và du khách.

Không ngừng lan tỏa tình yêu áo dài

Từ nhiều tháng trước, Lưu Hoàng Phúc (Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Lạc Long Quân, quận 11, TP HCM) đã nghiêm túc thiết lập chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý để chuẩn bị cho việc tham gia Lễ hội Áo dài TP HCM.

Với chiều cao 1,85 m, chàng trai 9X này là người mẫu áo dài nam được nhiều nhà thiết kế nhớ đến và chiếm thiện cảm của không ít khán giả. Phúc yêu thích, trân quý áo dài từ khi còn là học sinh tiểu học. Năm 2016, anh tham gia Lễ hội Áo dài TP HCM và đoạt giải cao, mở đầu hành trình trình diễn, chụp hình áo dài nhiều hơn. Năm 2017, anh tham gia hội thi ảnh đẹp trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài và lại "ẵm" luôn giải nhất.

Lưu Hoàng Phúc là một trong những bạn trẻ thiết thực lan tỏa tình yêu áo dài trong cộng đồng, nhất là cho các em nhỏ. Anh tích cực cùng nhà trường tổ chức hội thi "Nét đẹp học đường". Ngoài sự xinh xắn, đáng yêu khi mặc đồng phục đi học, các em còn được diện áo dài truyền thống của Việt Nam.

"Qua hội thi, nhà trường trao gửi những giá trị của tà áo dài cũng như giáo dục nét văn hóa rất riêng của Việt Nam cho học sinh" - anh Phúc nhìn nhận.

Thực tế, trong lịch sử hình thành, áo dài cho nam xuất hiện trước cả áo dài của nữ. Áo dài truyền thống là áo ngũ thân (5 thân) - vạt ngắn hơn áo nữ, kèm khăn xếp. Trang phục này vẫn thuận tiện cho nam giới đi lại và làm việc, phong thái khỏe khoắn, không thướt tha như áo nữ.

Thời gian gần đây, phái mạnh dần chuộng mặc áo dài truyền thống hơn trong các dịp lễ, Tết hay các sự kiện trang trọng. Đây cũng là điều nên cổ vũ. Nếu áo dài nam giới may đúng quy cách, chất liệu thì mặc vào vẫn vừa mạnh mẽ vừa đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc.

Nguyễn Thị Trâm Anh và Lưu Hoàng Phúc cùng nhiều bạn trẻ đang chung tay lan tỏa vẻ đẹp của áo dài truyền thống Việt Nam

Nguyễn Thị Trâm Anh và Lưu Hoàng Phúc cùng nhiều bạn trẻ đang chung tay lan tỏa vẻ đẹp của áo dài truyền thống Việt Nam

Cùng nhau "phủ sóng"

Phương Bối thường mặc áo dài trong các dịp đặc biệt. Cô gái quê Tiền Giang này hay cùng nhóm bạn thân lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ trong trang phục áo dài truyền thống tại những điểm họ đi du lịch chung. Trong đó, ấn tượng nhất là bộ ảnh chụp tại các di tích lăng, tẩm ở Thừa Thiên - Huế.

Có thể nói, áo dài và di sản cố đô dường như có sự hòa quyện độc đáo khiến những người trẻ vô cùng hào hứng. Khoác lên người bộ áo dài, rảo bước giữa cố đô Huế, Phương Bối và bạn bè cô càng thấy yêu quý nét rêu phong cổ kính nơi này, được tiếp thêm cảm hứng để học hỏi nhiều hơn về lịch sử đất nước.

Với Nguyễn Thị Trâm Anh (ngụ quận 8, TP HCM), không rõ từ khi nào mà bản thân đã luôn trân quý trang phục truyền thống. Cô thường cẩn thận lựa chọn chất liệu vải với màu sắc, hoa văn, chất liệu phù hợp... Mặc lên mình bộ áo vừa vặn dáng người, cô gái 9X này cảm thấy hài lòng vì có thể góp phần gìn giữ được một nét văn hóa trang nhã, thanh lịch của những thế hệ trước.

Theo Trâm Anh, việc cách tân hay phá cách áo dài hầu hết đều nhằm mục đích đưa trang phục này gần gũi hơn với đời sống hằng ngày, còn chuyện đẹp - xấu thì phụ thuộc vào tư duy thẩm mỹ, cảm nhận của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, cô thường ưu tiên chọn may áo dài theo kiểu truyền thống, nhẹ nhàng, nền nã; tránh cắt xẻ, sáng tạo quá nhiều. Nhìn xung quanh, thấy ngày càng nhiều bạn trẻ yêu quý và chọn mặc áo dài, cô cũng vui lây.

Những năm gần đây, áo dài truyền thống hầu như không thể thiếu trong "bộ sưu tập thời trang" của phụ nữ Việt Nam. Áo dài nam cũng ngày càng phổ biến và chúng ta dễ dàng bắt gặp hầu như mỗi ngày.

Sự độc đáo, đẹp đẽ của tà áo dài đã cuốn hút cả du khách nước ngoài mỗi khi có dịp đến Việt Nam. Nét duyên dáng của tà áo dài tự thân đã hấp dẫn mọi người. Chính điều đó đã lan tỏa một nét đẹp truyền thống của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Lễ hội Áo dài diễn ra ở nhiều địa điểm

Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 10 năm 2024 diễn ra tại các địa điểm: Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên Lam Sơn, Nhà Văn hóa Thanh Niên, Bảo tàng Áo dài, Quảng trường QT4 (Công viên Bờ sông Sài Gòn, TP Thủ Đức)... và các di tích lịch sử, di tích văn hóa, điểm đến du lịch, các công trình của thành phố…

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã tổ chức phát động Tuần lễ Áo dài năm 2024. Nhiều hoạt động tôn vinh áo dài Việt Nam đã được triển khai sôi nổi, đa dạng, rộng khắp trên phạm vi cả nước.

Bài và ảnh: Hạ Vy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-tre-ton-vinh-ao-dai-viet-196240309184721696.htm