Người trợ giúp pháp lý không phải là Luật sư công

Hôm nay, Quốc hội đưa ra thảo luận công khai tại Hội trường về Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Góp ý cho Dự thảo, một số đại biểu trước đó đã cho rằng hoạt động trợ giúp pháp lý là hoạt động của luật sư công, do đó dự thảo Luật nên điều chỉnh thành hình thức luật sư công cho phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề này đã không được UBTVQH chấp nhận.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Theo quan điểm của UBTVQH, mặc dù tiêu chuẩn, hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý tương tự như luật sư; tuy nhiên, nếu thay đổi tên gọi từ “trợ giúp pháp lý” sang thành “luật sư công” sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, không đồng bộ với Luật Luật sư, Luật Viên chức và các luật về tố tụng.

Bởi vì, theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì Trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước; nhưng theo quy định của Luật Luật sư (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2012) thì viên chức lại không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư nên không được hành nghề luật sư.

Hơn nữa, Trợ giúp viên pháp lý cũng đã được quy định trong các đạo luật về tố tụng. Luật sư công theo pháp luật một số nước, hiểu là luật sư của Nhà nước, thực hiện những công việc do Nhà nước giao, trong đó có thể có hoạt động trợ giúp pháp lý. Vì vậy, trong Luật này chưa nên thay đổi phạm vi điều chỉnh thành “luật sư công” thay cho “Trợ giúp viên pháp lý”.

Về tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý (Điều 20), các quy định trong dự thảo Luật là luật hóa các quy định của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006. Việc chuẩn hóa, nâng cao tiêu chuẩn đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tiến tới ngang bằng với chất lượng hoạt động của luật sư.

Tính đến hết năm 2016, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý của 63/63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cơ bản đã bảo đảm tiêu chuẩn tương đương luật sư, hiện chỉ còn 73 Trợ giúp viên pháp lý đa phần là lãnh đạo của Trung tâm trợ giúp pháp lý luân chuyển từ các cơ quan khác, một số cũng đã sắp đến tuổi nghỉ hưu chưa bảo đảm theo tiêu chuẩn này.

Để chuẩn hóa tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng số Trợ giúp viên pháp lý này, nhất là các kỹ năng thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng, dự thảo Luật cần quy định những người này trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành và phải có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư, nếu không sẽ bị thu hồi Thẻ Trợ giúp viên pháp lý (khoản 1 Điều 51).

Về cộng tác viên trợ giúp pháp lý: Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và qua tổng kết 8 năm thực hiện Luật cho thấy có 2 nhóm cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý, đó là:

Nhóm thứ nhất gồm những người là luật sư, tư vấn viên pháp luật tham gia và có đóng góp rất có hiệu quả cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Nhóm này đã được kế thừa và quy định trong dự thảo Luật, tiếp tục tham gia trợ giúp pháp lý theo hợp đồng hoặc đăng ký thực hiện tự nguyện.

Nhóm thứ hai gồm rất nhiều người tại các lĩnh vực khác, mặc dù đăng ký tham gia làm cộng tác viên nhưng rất ít tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý và hiệu quả hoạt động mang lại không cao.

Để nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý thu hút được những người có trình độ pháp luật, thực sự có mong muốn tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý để giúp đỡ, hỗ trợ người dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu bổ sung vào dự thảo Luật quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo hướng chặt chẽ. Cộng tác viên trợ giúp pháp lý chỉ thực hiện tư vấn pháp luật. Trường hợp cộng tác viên đăng ký nhưng không tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời gian 02 năm thì sẽ bị thu hồi Thẻ cộng tác viên (Điều 25).

Liên quan đến vấn đề xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm thu hút sự tham gia của xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý, đồng thời giảm gánh nặng đối với Nhà nước.

Việc thu hút các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý là cần thiết, nhưng trợ giúp pháp lý đòi hỏi phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

Do đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý phải bảo đảm một số tiêu chí nhất định. Với tinh thần đó dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cộng tác viên trợ giúp pháp lý để huy động những người có kiến thức thực tiễn, đã có kinh nghiệm pháp luật và có điều kiện tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý ở những vùng khó khăn, không có đội ngũ làm trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp.

Đồng thời, quy định giảm số năm kinh nghiệm về tư vấn pháp luật của Tư vấn viên pháp luật là thành viên tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý từ 05 năm còn 02 năm (điểm c, khoản 1 Điều 19); quy định cụ thể các loại công việc, hình thức trợ giúp pháp lý mà mỗi chủ thể tham gia trợ giúp pháp lý được thực hiện (cụ thể: luật sư được thực hiện trợ giúp pháp lý bằng tất cả các hình thức; tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên trợ giúp pháp lý chỉ được thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng khuyến khích các tổ chức, luật sư, cá nhân khác thực hiện tự nguyện hỗ trợ pháp lý cho người dân.

Nhật Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/nguoi-tro-giup-phap-ly-khong-phai-la-luat-su-cong-337520.html