'Người' trợ lý tin cậy

Là trung tâm, đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin và trực tiếp tham mưu Ban giám đốc trên các lĩnh vực công tác công an, hằng năm Phòng Tham mưu, Công an tỉnh tham mưu, theo dõi, quản lý hàng ngàn văn bản và ý kiến chỉ đạo. Khối lượng công việc nhiều, để có cơ sở tham mưu nhanh, chính xác và khoa học, phần mềm Quản lý vụ việc, đơn thư và văn bản đã ra đời. Hệ thống phần mềm này vừa được Công an tỉnh công nhận là mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến, xuất sắc năm 2021.

Từ ý tưởng đến phần mềm

Công việc đầu giờ mỗi ngày của Trung úy Dương Văn Đức, cán bộ Đội Tham mưu cảnh sát, Phòng Tham mưu, Công an tỉnh là truy cập vào phần mềm Quản lý vụ việc, đơn thư và văn bản để theo dõi ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc và nhắc nhở các đơn vị thực hiện đúng tiến độ. Chỉ cần vài thao tác nhấp chuột, công việc này đã được thực hiện xong, thay vì phải rà sổ theo dõi rồi soạn văn bản hoặc điện thoại nhắc việc như thực hiện thủ công trước đây.

Thượng tá Nông Thị Bích Ngọc, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an tỉnh cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác công an, góp phần cải cách hành chính, ban lãnh đạo Phòng Tham mưu đã chỉ đạo Đội tham mưu cảnh sát chủ công, phối hợp các đội nghiệp vụ nghiên cứu, xây dựng một hệ thống tích hợp, gồm nhiều chức năng để sử dụng đồng bộ trong Công an tỉnh, đáp ứng yêu cầu đề ra với tên gọi: “Phần mềm Quản lý vụ việc, đơn thư và văn bản”.

Trung úy Dương Văn Đức (ngồi, đeo kính đen) cùng đồng đội hội ý để hoàn thiện phần mềm

Trung úy Dương Văn Đức (ngồi, đeo kính đen) cùng đồng đội hội ý để hoàn thiện phần mềm

Trung úy Dương Văn Đức cho biết thêm: Trước đây khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nhất là công tác theo dõi các vụ án, vụ việc, việc gửi nhận văn bản và theo dõi ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc tốn rất nhiều thời gian, công sức và không đảm bảo chính xác. Trong khi đó, khối lượng công việc của cán bộ, chiến sĩ rất lớn. Do đó, tôi đã cùng các đồng chí trong đội, trong đơn vị nghiên cứu, triển khai một hệ thống quản lý tích hợp, đồng bộ để quản lý tất cả các mặt công tác công an như: theo dõi vụ việc, đơn thư, văn bản và ý kiến chỉ đạo, qua đó hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của Công an tỉnh nói chung và của các đơn vị nói riêng. Tuy nhiên, quá trình viết phần mềm và áp dụng vào công tác chuyên môn không hề đơn giản.

Những kết quả khả quan

Ngay sau khi hoàn thành việc xây dựng và phát triển phần mềm đạt kết quả khả quan, Phòng Tham mưu đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng, cung cấp tài khoản phục vụ công tác khai thác và sử dụng phần mềm. Đồng thời triển khai, sử dụng phần mềm này thống nhất trong Công an tỉnh từ ngày 15-12-2020. Đến nay, 100% đơn vị, địa phương thuộc Công an tỉnh đã được triển khai, cài đặt phần mềm và kết nối truyền báo dữ liệu về Công an tỉnh qua hệ thống mạng nội bộ của ngành.

Hệ thống phần mềm đang quản lý thông tin của hơn 4.500 vụ việc với hơn 5.500 đối tượng vi phạm, 450 đơn thư (gồm khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh), 430 vụ việc tai nạn giao thông (gồm va chạm giao thông và tai nạn giao thông), 10.000 văn bản đã gửi và nhận trong nội bộ Công an tỉnh và hơn 4.800 ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc.

Với cơ sở dữ liệu hiện có và các thông tin, dữ liệu được cập nhật kịp thời, phần mềm hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý, điều hành của Công an tỉnh. Thông qua phần mềm, cán bộ theo dõi có thể biết chính xác tiến độ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc trong từng yêu cầu công việc. Phần mềm có thể cung cấp hệ thống báo cáo thống kê đa dạng liên quan đến công tác công an.

Ngoài ra, hệ thống cũng đã tích hợp hơn 60 biểu mẫu tố tụng hình sự thường xuyên được sử dụng trong công tác điều tra, xử lý tội phạm. Với chức năng phân tích và kế thừa thông tin, phần mềm giúp điều tra viên thụ lý vụ án, vụ việc trích xuất tự động các biểu mẫu tố tụng như quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú… dựa trên thông tin, dữ liệu ban đầu đã nhập, qua đó giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, hạn chế sai sót và nâng cao hiệu quả công tác.

Nhân rộng mô hình

Từ kết quả ứng dụng thành công phần mềm, Công an tỉnh là đơn vị tiên phong nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý vụ việc, đơn thư và văn bản. Dự kiến thời gian tới, phần mềm này sẽ tiếp tục được triển khai nhân rộng. Thượng tá Nông Thị Bích Ngọc, Phó trưởng phòng Tham mưu cho biết: Đơn vị đang trình UBND tỉnh công nhận là mô hình điển hình cấp tỉnh. Đây là vinh dự rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Phòng Tham mưu. Công an một số tỉnh trong khu vực cũng đang tham khảo kinh nghiệm của Bình Phước để triển khai, áp dụng. Phòng Tham mưu sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để cập nhật, nâng cấp hệ thống này phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác tham mưu, phục vụ tốt công tác tham mưu và thi đua của công an các đơn vị, địa phương.

“Từ thực tiễn ứng dụng qua một năm triển khai, phần mềm đã khẳng định lợi thế của việc ứng dụng CNTT trong công tác công an, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Công an tỉnh; nâng cao ý thức và trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ, chiến sĩ trong công tác chuyên môn, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính theo đúng quan điểm chỉ đạo của Bộ Công an. Từng bước triển khai và thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy Công an tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác công an và kế hoạch chuyển đổi số trong Công an tỉnh đến năm 2025”.

Thượng tá Nông Thị Bích Ngọc, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an tỉnh

Với việc triển khai ứng dụng số, trí tuệ nhân tạo vào công tác tham mưu, đặc biệt là khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu trong phần mềm Quản lý vụ việc, đơn thư và văn bản, công tác tham mưu trong Công an tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phần mềm như một người trợ lý đáng tin cậy của cán bộ tham mưu, giúp giảm thiểu thời gian, công sức tổng hợp dữ liệu thông tin về vụ án, vụ việc, đối tượng... sử dụng thông tin, dữ liệu để phục vụ công tác tra cứu, xây dựng các báo cáo, thống kê theo yêu cầu công tác và báo cáo cấp có thẩm quyền khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, giúp theo dõi tiến độ xử lý vụ việc, các văn bản của cấp trên và các ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc, từ đó giúp cán bộ tham mưu tốt hơn trong công tác theo dõi, quản lý và chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị.

Trung Sinh - Minh Chính

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/129810/nguoi-tro-ly-tin-cay