Người trồng cam Cao Phong 'khóc ròng' vì mưa lũ
Những ngày mưa lũ vừa qua không chỉ gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu mà vụ cam này có nguy cơ mất mùa khiến người dân Cao Phong khóc ròng...
123 ha bị ngập úng
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong, sau mấy ngày mưa liên tiếp do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện có 123ha cam bị ngập úng và tràn qua. Đến nay, nhiều vườn có hiện tượng vàng quả và rụng hỏng khá lớn, nhiều hộ có nguy cơ mất trắng.
Ngồi nhìn vườn cam rút từng cen-ti-mét nước, anh Bùi Văn Quyến (ở khu 2 thị trấn Cao Phong) ngán ngẩm: “Vườn nhà tôi rộng 1ha, trũng nhất khu vực lại giáp suối nên nước rút rất chậm. Hôm ngập cao nhất trên 1m, đến hôm 18/10 đã qua 5 ngày mà vẫn còn hơn 2.000m2 bị ngập”.
Vừa thu nhặt quả rụng dưới gốc, anh Quyết xót xa cho biết, với tốc độ nước rút chậm như hiện nay, khoảng 5 ngày nữa thì mới hết ngập khiến khả năng hỏng cả cây và quả là rất cao khi có hiện tượng cam chín ép, ủng nước và rụng. Nếu không bị ngập thì chỉ khoảng 20 ngày nữa cam đã thu hoạch.
“Tôi dự tính mất đến hơn 20% sản lượng với khoảng vài tấn quả. Với mức mua của thương lái ổn định ở 18 - 25.000 đồng/kg thì mất khoảng 100 triệu đồng” - anh Quyết nói.
Không khá gì hơn gia đình anh Quyết, gia đình ông Bùi Văn Cảnh, một chủ vườn cam khác tại xã Tây Phong không giấu được sự bần thần khi chứng kiến quả rụng la liệt, nằm chất đống. Những quả trên cây chỉ cần lắc nhẹ là rụng. Ông Cảnh cho biết, gia đình có 3 ha cam, 4 năm qua mỗi năm phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng/ha để chăm sóc. Khi cam cho quả, mức đầu tư 200 triệu/ha. Đợt mưa lũ vừa qua khiến hơn một nửa số cam trên bị rụng, mất trắng hàng trăm triệu đồng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phú (ở đội 7, thị trấn Cao Phong) là một trong những hộ có diện tích trồng cam lớn nhất huyện Cao Phong. Do ngập úng nên cam bị rụng hàng loạt. Ông Phú ước tính 20% sản lượng bị rụng cả cam canh và cam lòng vàng trong đợt lũ vừa qua là thiệt hại lớn nhất trong suốt gần 20 năm trồng cam của ông và gia đình.
Nguy cơ mất trắng
Qua khảo sát của PLVN, tại khu 2 và khu 3 thị trấn Cao Phong, hầu hết diện tích cam gần suối Bưng đều bị ngập và nước tràn qua, đã vậy do gần nguồn nước nên nước rút rất chậm.
Nhiều hộ gia đình đang dọn vệ sinh vườn, dựng lại cây, bờ rào. Anh Nguyễn Văn Điệp (ở khu 3, thị trấn Cao Phong) cho biết: Nhà ông có 2 vườn ở khu vực này. Một vườn cây quýt Ôn châu đã thu hoạch xong nên không ảnh hưởng; Còn một vườn rộng 2.000m2 trồng cam canh và cam lòng vàng chưa cho thu hoạch. Vườn này thấp, ngay sát núi đầu rồng nên không có đường thoát nên hiện nay nước vẫn còn ngập. Đến nay, cam đã có hiện tượng vàng quả và rụng nhiều, nếu nước không rút thì có nguy cơ hỏng cả cây.
Trao đổi với PLVN, ông Bùi Văn Đồng (Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong) cho biết, sau mưa lũ UBDN huyện Cao Phong đã thống kê được 123ha cây có múi bị ngập nước hoặc bị nước suối tràn qua.
Đến nay vẫn còn một số diện tích vùng trũng, gần suối nên nước rút chậm. Với diện tích bị ngập nước thì rễ non của cây sẽ bị thối, hỏng. Do vậy, không thể cung cấp dinh dưỡng cho lá và quả nên xảy ra hiện tượng quả vàng, thối và rụng.