Người trong cuộc nói về hòa giải tranh chấp đất đai

Theo đại diện Bộ TN&MT, Tổng cục Đất đai thông tin hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở có nhiều bất cập, còn hình thức và chưa hiệu quả.

Vấn đề có nên giữ quy định trước khi khởi kiện ra tòa bắt buộc phải có thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất với những tranh chấp về quyền sử dụng đất tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của người trong cuộc là những công chức và chủ tịch UBND cấp xã, phường về những vướng mắc thực tiễn cũng như các đề xuất, kiến nghị.

Xã, phường gặp nhiều khó khăn

Ông NGUYỄN ĐỨC TRÍ

Khó khăn trong hòa giải tranh chấp đất là việc hồ sơ không đầy đủ, việc thẩm định, đo vẽ cấp xã chưa đủ chuyên môn nên khó xem xét, nhận định chính xác. Vì thế thực tế dẫn đến tình trạng tồn đọng hồ sơ, chậm trễ giải quyết bức xúc của người dân dẫn đến việc hòa giải tại cấp cơ sở chưa thực hiện được nhanh chóng, hiệu quả.

Tôi nghĩ luật nên quy định theo hướng cho phép song song hai cách, người dân có thể chọn việc hòa giải ở cấp cơ sở hoặc nhờ trung tâm hòa giải-đối thoại thuộc tòa án. Bởi việc hòa giải tại tòa án phù hợp với những tranh chấp mang tính chất phức tạp vì nơi đây hòa giải viên có khả năng chuyên môn tốt hơn. Còn những tranh chấp, xung đột đơn giản, giấy tờ rõ ràng thì cấp xã sẽ hòa giải để hàn gắn tình cảm và đảm bảo quyền lợi của người dân.

Trong sáu tháng đầu năm 2019, UBND phường đã tiếp nhận hòa giải năm vụ tranh chấp liên quan đến đất đai, tỉ lệ hòa giải thành đạt 60%. Năm 2018, tỉ lệ hòa giải thành loại tranh chấp này là 80%.

Ông NGUYỄN ĐỨC TRÍ, Chủ tịch UBND phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM

Nếu được thì bỏ luôn!

MAI NGỌC SƯƠNG

Ở xã, tôi là người được giao nhiệm vụ tiếp nhận và tham mưu giải quyết đơn yêu cầu hòa giải cho chủ tịch UBND xã. Năm 2018 xã tiếp nhận tám trường hợp tranh chấp đất đai, sáu tháng đầu năm 2019 đã tiếp nhận hai trường hợp nhưng tất cả đều hòa giải không thành. Những tranh chấp liên quan đến đất đai như di sản của ông để lại cho con cháu, tranh chấp đường đi rất khó hòa giải, bởi các đương sự có tâm lý hơn thua dẫn đến tỉ lệ hòa giải rất thấp.

Hòa giải với tranh chấp đất đai tại xã, phường chỉ là một bước trước khi người dân khởi kiện ra tòa, vì tỉ lệ hòa giải quá thấp nên nếu được thì bỏ luôn thủ tục này, giao hết về cho các tòa. Việc này vừa cắt giảm được một bước, vừa không mất nhiều thời gian của người dân và của chính quyền, giảm đầu công việc vốn đang nhiều của UBND xã, phường nơi có đất.

MAI NGỌC SƯƠNG,công chức tư pháp hộ tịch xã Trung Chánh,
huyện Hóc Môn, TP.HCM

Chỉ nên khuyến khích

Trong sáu tháng đầu năm 2019, UBND xã hòa giải chín vụ liên quan đến tranh chấp đất đai thì cả chín vụ đều không thành, phải chuyển lên tòa án tiếp tục giải quyết. Theo tôi, không nên quy định bắt buộc như hiện nay mà chỉ nên khuyến khích việc hòa giải tại cơ sở trước khi khởi kiện ra tòa. Nên cho người dân được quyền lựa chọn, nếu muốn hòa giải tại xã thì ủy ban xã sẽ tổ chức hòa giải, còn không muốn hòa giải thì cứ kiện thẳng ra tòa.

Việc hòa giải tại cơ sở có ưu điểm là các cán bộ tại địa phương nắm rõ về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất nên nếu các bên cầu thị và cán bộ giải thích cặn kẽ thì sẽ thành. Tuy nhiên, những mâu thuẫn về đất đai thường gay gắt và các bên không có thiện chí nên thường ít khi hòa giải thành. Nhiều khi UBND xã mời lên nhưng họ nói thẳng là không muốn hòa giải.

Ông LÔI ĐẠI PHONG,Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B,
huyện Bình Chánh, TP.HCM

Ở nông thôn vẫn nên giữ

Ông TRẦN XUÂN HẢO

Ở nông thôn, nói gì nói, mâu thuẫn xuất phát ban đầu bao giờ cũng từ cấp thôn, bản nên rất cần cán bộ địa phương hòa giải. Ngoài ra, ở các tỉnh nghèo, các vụ tranh chấp đất đai không nhiều và không quá phức tạp.

Do vậy, tôi nghĩ nên giữ quy định hòa giải ở cấp xã như hiện nay để tình làng nghĩa xóm được duy trì.

Nên chăng ở các tỉnh, TP lớn (có tổ chức hành chính là cấp phường, thị trấn) với nhiều vụ tranh chấp đất đai phức tạp, giá trị cao và kéo dài thì chúng ta không cứng nhắc quy định bắt buộc phải hòa giải ở cơ sở. Hãy để cho người dân tự lựa chọn phương thức hòa giải ở phường hoặc ở tòa án.

Việc này có thể tránh được tình trạng chủ tịch không chịu hòa giải, người dân lại phải kiện thêm một vụ án khác, mất thời gian, công sức.

Ông TRẦN XUÂN HẢO,Chánh Văn phòng UBND xã Mỹ Thọ,
huyện Phù Mỹ, Bình Định

Tỉ lệ hòa giải thành chỉ 50%

Ông LÝ GOBE

Theo tổng kết, tỉ lệ hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai trong năm năm vừa qua vẫn còn thấp, chỉ khoảng 50%. Nguyên nhân chủ yếu là một bên đương sự có kiến thức pháp luật nhiều hơn nên muốn ra tòa để họ chiếm ưu thế. Một số người kinh doanh bất động sản vì lợi ích rất lớn từ đất, họ không có thiện chí hòa giải mà chỉ muốn ra tòa để lợi dụng các kẽ hở pháp luật giành phần thắng. Ngoài ra, một số văn bản hướng dẫn của tòa án địa phương chưa cập nhật và mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật cũng là một trở ngại lớn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn nên cần giữ lại quy định bắt buộc hòa giải ở cơ sở trước khi kiện ra tòa. Vì hơn ai hết, địa phương lại là người quản lý, biết rõ nguồn gốc đất, nếu chuyển thẳng lên tòa thì cơ quan này cũng sẽ yêu cầu các bộ phận chuyên môn kiểm tra đo đạc, lúc này phường cũng phải tham gia. Trong khi nếu xã, phường hòa giải thành thì giữ được tình làng nghĩa xóm.

Ông LÝ GOBE,Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Lợi,
quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Tùy tranh chấp mà hòa giải ở xã

Ông LÊ VĂN BỀN

Năm 2018, UBND tiếp nhận 39 vụ tranh chấp đất đai, hòa giải thành 13 vụ. Trong bảy tháng đầu năm 2019, xã tiếp nhận 21 vụ và đã hòa giải thành bốn vụ.

Theo tôi, nên bỏ khâu hòa giải tại xã, phường đối với những tranh chấp quyền sử dụng đất mà có đăng ký lô, thửa, có giấy chứng nhận sử dụng đất hoặc đất có đăng ký các loại giấy tờ theo Điều 100 Luật Đất đai. Bởi loại đất này có đầy đủ chứng cứ, khi khởi kiện, tòa án thụ lý và xét xử khá nhanh.

Với cấp xã, việc hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất chưa có đăng ký qua các thời kỳ sử dụng đất, chưa có giấy tờ gì là việc nên làm. Bởi với loại đất này, chính quyền cơ sở nắm rõ hơn cả, UBND cấp xã có thể đứng ra truy nguồn gốc đất. Còn nếu không hòa giải được thì đây cũng là khâu tạo cơ sở sau này để tòa hoặc UBND cấp huyện thụ lý giải quyết.

Hòa giải nhằm tạo điều kiện cho người dân gần gũi nhau, đó chính là ý nghĩa lớn. Những người hòa giải khéo có thể dùng lý lẽ và tình cảm tác động nên cơ hội hòa giải thành sẽ cao và không mất đi tình làng xã.

Ông LÊ VĂN BỀN,công chức tư pháp xã Đông Thạnh,
huyện Hóc Môn, TP.HCM

Sẽ đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Đất đai

Chiều 6-8, Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai, Bộ TN&MT. Ông Chính cho hay trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần này có một nội dung liên quan đến thẩm quyền về tranh chấp đất đai. Quan điểm của Bộ là đã liên quan đến tranh chấp đất đai thì việc giải quyết để tòa án làm, chứ chính quyền không tham gia nữa. Chính quyền chỉ có trách nhiệm cung cấp tài liệu, hồ sơ, chứng cứ liên quan để tòa án xem xét, giải quyết tranh chấp giữa các bên. “Bộ TN&MT cám ơn phản ánh của Pháp Luật TP.HCM về những bất cập về thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở. Bộ TN&MT sẽ ghi nhận nội dung này để nghiên cứu, xem xét, đưa vào lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi luật” - ông Chính nói.

Cũng theo ông Chính, lãnh đạo Tổng cục Đất đai cũng cho hay hiện nay công tác hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở có nhiều bất cập nảy sinh, trong đó nổi cộm nhất việc hòa giải còn hình thức, chưa hiệu quả và thực chất. Hòa giải tại cơ sở phải đạt hiệu quả thì mới có ý nghĩa, vì vậy nếu có những sáng kiến, hình mẫu hòa giải hiệu quả thực sự thì Bộ cũng sẽ ghi nhận, nghiên cứu, thảo luận.

TRỌNG PHÚ ghi

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/nguoi-trong-cuoc-noi-ve-hoa-giai-tranh-chap-dat-dai-850461.html