Người trồng hoa ở TP.HCM lo lắng vụ Tết

Thời tiết thất thường, giá nguyên vật liệu tăng cao, các chủ vườn, chủ cửa hàng hoa Tết tại TP.HCM phải chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ chân khách. Đồng thời, nhà vườn phải giảm số lượng hoa trồng được và tìm nhiều cách để thúc đẩy doanh số bán hàng.

Chỉ còn chưa tới 1 tháng là đến Tết Nguyên đán 2025. Thời điểm này, các chủ vựa hoa tại TP.HCM đang bước vào giai đoạn cao điểm chăm sóc vụ hoa Tết để chuẩn bị mang ra chợ bán. Ghi nhận tại một số làng hoa trên địa bàn tại Quận 12, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức,… nhiều người nông dân đang tất bật chăm sóc, nuôi cây giai đoạn ra hoa.

Nhà vườn như ngồi trên đống lửa

Theo khảo sát của phóng viên, các nhà vườn trồng hoa trên địa bàn TP.HCM năm nay đều trong tình trạng khó khăn và lo ngại một năm bán không có lời.

Theo lý giải của những người trồng hoa, năm 2024 mùa mưa kết thúc muộn hơn mọi năm 1 tháng trong khi Tết Nguyên đán 2025 lại đến sớm khiến nhiều loại hoa không kịp nở trước Tết. Bởi vậy, nhà vườn phải đầu tư chăm sóc, sử dụng thêm một số loại thuốc và phân bón nhằm đẩy nhanh quá trình ra hoa sớm, kịp thời phục vụ cho dịp Tết năm nay. Các loại đất, phân bón, thuốc trừ sâu... giá cả ngày một đắt đỏ hơn. Điều này kéo theo chi phí trồng hoa tăng lên 10-20% so với năm trước.

Người nông dân cố gắng nhặt lá, chăm sóc cây với mong muốn hoa kịp nở vào đúng dịp Tết.

Người nông dân cố gắng nhặt lá, chăm sóc cây với mong muốn hoa kịp nở vào đúng dịp Tết.

Mặc dù chi phí tăng cao nhưng các chủ vườn không dám tăng giá bán do những năm qua, số lượng khách hàng mua hoa giảm dần. Cứ đến trước giao thừa, không khó để bắt gặp hình ảnh tiểu thương tại các chợ hoa phải vứt bỏ các chậu hoa do dư thừa.

Chủ một vườn hoa tại làng hoa Thới An (Quận 12), ông Lê Phước Lâm cho biết, năm nay ông cố gắng giữ nguyên giá bán cũ, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ khách: "Chi phí tăng lên thì lợi nhuận giảm đi. Bỏ ra 50.000 thì chỉ thu về được 55.000 thôi, không có lời mấy. Giá đâu có lên được nhiều vì thị trường có giá chung hết rồi, giờ mà lên giá cao thì không thể nào cạnh tranh được. Nói chung nhà vườn năm nay không ai làm nhiều hết, ví dụ năm vừa rồi là 100% thì năm nay chỉ 60 % thôi, vừa đủ cung cấp cho thị trường. Nếu buôn bán thuận lợi cũng chỉ kiếm đủ tiền xoay sở ăn Tết".

Tương tự, ông Đoàn Văn Viễn (chủ một vườn hoa tại Ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) chia sẻ, mặc dù đã cố gắng chăm sóc để hoa đã kịp nở “cấp tốc” nhưng vẫn chưa bán được hàng. Hàng năm, cứ đến khoảng 1 tháng trước Tết, các thương lái thường xuyên ghé tới hỏi hoa mua nhưng vào thời điểm này năm nay vẫn chưa có ai xuống tiền đặt cọc vì khó bán.

Ông Viễn cũng lo lắng thời tiết năm nay thất thường khiến hoa Tết sẽ còn bị ảnh hưởng nên đã chủ động giảm số lượng từ 30.000 xuống còn 15.000 - 16.000 chậu hoa các loại. đồng thời không tăng giá hoa bất chấp chi phí tăng.

Các nhà vườn cắt giảm sản lượng trồng do tiêu thụ chậm.

Các nhà vườn cắt giảm sản lượng trồng do tiêu thụ chậm.

Bà Phạm Minh (chủ cửa hàng hoa tại quận Gò Vấp) cho biết, năm nay, các nhà vườn cung cấp hoa cho cửa hàng nhà bà đều gặp khó khăn, phải trồng hoa ít lại. Bà lấy hàng chủ yếu ở Bến Tre, Đồng Tháp từ nhiều thương lái khác nhau vì đối tác hàng năm cung cấp hoa cho cửa hàng của bà tại TP.HCM đã giảm sản lượng rất nhiều: "Tất cả nhà vườn phải giảm, năm nay chỉ còn làm khoảng 30-40% so với những năm trước đây. Người trồng bỏ vốn ra thu về rất ít, còn thâm hụt cả tiền công. Trước đây họ sản xuất tính bằng hecta hay vài sào, 5.000 – 7.000 m2 thì năm nay chỉ trồng 1 sào hoặc vài trăm mét vuông thôi, trong khi chi phí tiêu thụ lại lên cao".

Tìm mọi cách thúc đẩy hàng hóa, ổn định giá bán

Cùng các nhà vườn bắt tay nhau qua giai đoạn kinh tế khó khăn, bà Minh cũng chấp nhân giảm lợi nhuận, giữ giá bán, có lúc phải lấy nguồn tiền từ nơi khác để bù vào duy trì cửa hàng hoa. Tuy nhiên, bản thân bà cũng lo ngại sau Tết sẽ phải ngừng hoạt động như nhiều cửa hàng khác vì còn nhiều khoản chi phí.

"Ví dụ mọi năm mỗi ngày mình bán được 10 triệu đồng thì thu về được khoảng hơn 2 triệu đồng tiền lãi, ví dụ chi phí mặt bằng 1 triệu đồng thì vẫn còn giữ lại được 1 triệu. Giờ tôi chỉ bán được mỗi ngày 2 triệu đồng thôi nên phải cho thuê nhà ở chỗ khác rồi lấy tiền này bù vào để đóng tiền mặt bằng ở đây. Mình sẽ không có lời nhưng cũng không quá bị thâm hụt" - Bà Phạm Minh cho hay.

Tại các cửa hàng hoa, không ít người tới xem nhưng chỉ có một vài khách mua

Tại các cửa hàng hoa, không ít người tới xem nhưng chỉ có một vài khách mua

Tương tự, đối với các mặt hàng hoa lan quý hiếm, mặc dù chủ vườn không quá khó khăn nhưng mặt hàng này vẫn còn chưa thực sự khởi sắc như dự kiến.

Theo ông Phạm Anh Dũng - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Củ Chi, các dòng lan trồng tại địa phương như lan Dendrobium, lan Mokara, lan Ngọc điểm... đều là những mặt hàng hiếm có trong nước. Tuy vậy đến nay, thương lái vẫn hạn chế nhập hàng do người dân đang thắt chặt hầu bao. Bởi vậy, ông Dũng và một số chủ vườn khác phải tìm cách đẩy mạnh doanh số bằng cách giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok... nhằm tăng độ nhận diện và bán hàng trên nền tảng này. Cùng với đó, nhà vườn còn đặt ra phương án chăm sóc hoa tồn dư sau Tết, hay trồng thêm một số loại hoa khác phù hợp với nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, một số chủ nhà vườn, chủ cửa hàng hoa vẫn ngần ngại đẩy mạnh phương thức kinh doanh online do hạn chế về trình độ công nghệ và nhiều khách hàng vẫn lo ngại về tính minh bạch thông tin của kênh bán hàng này.

Các loại hoa được bán với giá dự kiến ban đầu là cúc tây 160.000 - 180.000 đồng/cặp; cúc vạn thọ loại 1 gốc/chậu là 20.000 đồng và 3 gốc/chậu là 40.000 đồng (giá sỉ); mãn đình hồng từ 50.000 - 60.000 đồng/chậu; hoa mào gà 50.000 đồng/chậu; lan Dendrobium loại cao 12 cm giá từ 30.000 - 35.000 đồng/cây; lan Mokara - "đặc sản" của Củ Chi giá từ 130.000 đồng/cây 2 vòi.

Hoàng Minh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-trong-hoa-o-tphcm-lo-lang-vu-tet-post1146455.vov