Người trồng sắn huyện Kỳ Anh mở rộng diện tích, kỳ vọng tiếp tục được mùa
Vụ sản xuất năm 2023 vừa qua, cây sắn nguyên liệu ở vùng thượng huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) được mùa, được giá. Đây là năm thứ 2, người trồng sắn có lãi khá, kể từ sau đợt dịch bệnh khảm lá sắn hoành hành năm 2021.
Với 3 sào sắn nguyên liệu, sử dụng giống KM 94, vụ sản xuất năm 2023 vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Khuẩn ở xã Kỳ Sơn thu được 3,3 tấn củ. Với giá thu mua của doanh nghiệp đạt 2.720 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình bà Khuẩn thu về gần 8 triệu đồng. Đây là năm thứ 2, bà Khuẩn có lãi khá, kể từ sau đợt dịch bệnh khảm lá sắn hoành hành.
Bà Khuẩn cho biết: "Vụ sản xuất năm 2023, kể từ khi trồng đến khi thu hoạch, cây sắn không bị bệnh khảm lá và sương muối gây hại; trong khi đó, thời tiết khá tốt, trời ít mưa nên không phải thu hoạch sớm như mọi năm. Vì vậy, năng suất cũng như hàm lượng tinh bột của sắn đạt cao, doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn. Tuy nhiên, diện tích sản xuất ít nên thu nhập không nhiều. Vụ sản xuất năm nay, gia đình dự định tận dụng số đất nhàn rỗi hoặc đất trồng các loại cây hiệu quả thấp để mở rộng diện tích. Khi có diện tích đủ lớn, chúng tôi sẽ tập trung thâm canh để tăng năng suất và sản lượng”.
Là một trong những xã trọng điểm phát triển cây sắn, năm 2023, Kỳ Sơn có trên 270 ha, với năng suất đạt 20 tấn/ha, tổng sản lượng đạt gần 5.500 tấn. Bà Nguyễn Thị Lam Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn cho biết: "Mặc dù quá trình phát triển cây sắn còn khá nhiều thăng trầm, tuy nhiên, với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, giá ổn định, cây sắn vẫn là cây đem lại thu nhập khá cho người dân. Vì vậy, bên cạnh quy hoạch các diện tích đất phù hợp, địa phương đang tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục tận dụng đất đai để mở rộng diện tích. Địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm".
Là xã có diện tích sắn lớn nhất ở vùng thượng Kỳ Anh với 285 ha, trước khi bước vào vụ sản xuất mới, xã Kỳ Thượng luôn chú trọng tuyên truyền người dân tập trung thâm canh, tăng năng suất. Năm 2023, cây sắn ở Kỳ Thượng cũng phát triển tốt và sạch bệnh nên năng suất đạt trên 20 tấn/ha, sản lượng đạt gần 6.000 tấn.
Năng suất sắn đạt cao, giá bán cũng cao hơn năm trước nên nhiều hộ tiếc nuối khi trồng với diện tích ít. Bà Nguyễn Thị Châu ở thôn Tiến Thượng, xã Kỳ Thượng chia sẻ: "Năm vừa rồi, gia đình tôi chỉ trồng 2 sào sắn nguyên liệu nên tôi hơi tiếc. Vụ sản xuất tới, gia đình tôi dự kiến mở rộng diện tích lên 5 sào và tiếp tục tăng dần. Hy vọng, thời tiết sẽ ủng hộ và dịch bệnh không gây hại, nhất là đầu ra được giữ vững".
Bà Châu cũng mong muốn, các ngành chức năng và địa phương cần thường xuyên quan tâm đồng hành giúp đỡ bà con trong quá trình sản xuất, đặc biệt là theo dõi, hỗ trợ cung ứng nguồn giống chất lượng cao và sạch bệnh để người dân yên tâm sản xuất.
Từ hơn 2.000 ha, qua nhiều năm giảm dần diện tích, đến nay, huyện Kỳ Anh có gần 1.300 ha đất trồng sắn, tập trung ở các xã: Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Lâm Hợp, Kỳ Tây, Kỳ Tân, Kỳ Trung... Những nguyên nhân chủ yếu khiến diện tích đất trồng sắn bị giảm là do việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp thiếu chặt chẽ, giá cả bấp bệnh, bệnh khảm lá hoành hành...
Một vụ sắn được mùa, được giá như năm 2023 là cơ sở để huyện Kỳ Anh tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục phát triển cây sắn đi vào chiều sâu, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; đảm bảo duy trì và phát triển vùng nguyên liệu bền vững cho Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Kỳ Sơn.
Về lâu dài, bên cạnh tiến hành quy hoạch lại vùng sản xuất, huyện sẽ nghiên cứu ban hành các chính sách và chương trình cụ thể về nguồn giống, phân bón, bảo vệ thực vật, đặc biệt là những biện pháp phòng, chống dịch bệnh đối với cây sắn. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức ký kết hợp đồng liên kết sản xuất nguyên liệu giữa các tổ chức, cá nhân trồng sắn với nhà máy chế biến tinh bột sắn để từng bước ổn định vùng nguyên liệu an toàn dịch bệnh, chất lượng cao.