Người Trung Đông 'ngập ngừng'đón Giáng Sinh giữa mưa bom, bão đạn

Không khí Giáng Sinh, bằng cách này hay cách khác, vẫn len lỏi đến từng ngõ ngách tại Trung Đông bất chấp những hiểm nguy, nghịch cảnh đang diễn ra tại khu vực này.

Ở Syria, cây thông Noel đã được thắp sáng trên nhiều đường phố, trong đó có cả thủ đô Damascus. Tuy nhiên, đối với nhiều giáo dân tại đây, tinh thần Giáng Sinh bị chi phối bởi những cảm xúc lẫn lộn, vừa là niềm vui, vừa là nỗi âu lo bất định về đất nước dưới một chế độ mới.

Chính quyền hiện tại ở Syria, được lãnh đạo bởi Tổ chức Giải phóng vùng Cận Đông (HTS), đang cố gắng chứng tỏ vai trò đại diện cho tất cả các tôn giáo và sắc dân trong xã hội nước này. Điều đó được thể hiện qua những tuyên bố bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số trong nước của thủ lĩnh Ahmad al-Sharaa, hay thậm chí, chính quyền mới còn chọn các ngày 25 và 26/12 hàng năm là ngày nghỉ toàn dân.

Một cửa hàng sản phẩm thủ công được trang trí phong cách Giáng Sinh tại Damascus. Ảnh: Al Jazeera

Một cửa hàng sản phẩm thủ công được trang trí phong cách Giáng Sinh tại Damascus. Ảnh: Al Jazeera

Dù vậy, không khí lễ hội trên khắp Damascus và nhiều khu vực khác của Syria vẫn bị bao trùm bởi những câu hỏi về tương lai của các giáo dân tại quốc gia đang được tái định hình này. Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài, họ bày tỏ cả niềm hy vọng lẫn sự âu lo.

“HTS chưa thông báo gì về việc dừng lễ kỷ niệm của chúng tôi… nhưng có những Cơ Đốc nhân không muốn ra ngoài ăn mừng vì sợ bị tấn công bởi những cá nhân có vũ trang,” George, một giáo dân 24 tuổi ở Damascus, chia sẻ với CNN.

Cây thông và các đồ trang trí Giáng Sinh khác vẫn được dựng lên trên khắp các khu phố có đông tín đồ Thiên Chúa giáo tại thủ đô của Syria. Tuy nhiên, họ đang thu hẹp quy mô lễ kỷ niệm và áp đặt các hạn chế của riêng mình trong bối cảnh không có thông tin liên lạc gì từ HTS.

“Sẽ có sự khác biệt lớn nếu có thông báo rằng an ninh sẽ được đảm bảo tốt hơn cho dịp Giáng Sinh. Nhưng cho đến nay, điều đó vẫn chưa được đảm bảo 100%,” George nói thêm.

Quán cà phê Qishleh tại Damascus (Syria) được trang trí cây thông Noel dịp Giáng Sinh năm nay. Ảnh: Al Jazeera

Quán cà phê Qishleh tại Damascus (Syria) được trang trí cây thông Noel dịp Giáng Sinh năm nay. Ảnh: Al Jazeera

Hilda Haskour, một cư dân 50 tuổi ở Aleppo tự nhận là người theo Công giáo, dù sẽ chuẩn bị ăn mừng Giáng Sinh nhưng thổ lộ vẫn còn sự e ngại trong số những người cùng tôn giáo với mình. “Chúng tôi chỉ muốn sống trong hòa bình và an toàn, chúng tôi không yêu cầu nhiều… nỗi sợ vẫn hiện hữu và mọi người đều cảm thấy mệt mỏi,” Haskour nói.

Nghịch cảnh trên quê hương Chúa

Năm thứ hai liên tiếp, không một cây thông Noel nào được dựng lên tại Bethlehem, thành phố được tôn kính là nơi sinh của Chúa Jesus trong Kinh Thánh.

Kể từ khi xung đột vũ trang tại Dải Gaza bắt đầu từ năm ngoái, thành phố thuộc Palestine nhưng đang bị Israel chiếm đóng này phải chịu “sự cô lập nghiêm trọng” bởi nhiều hạn chế đối với người đi lại.

“Lễ kỷ niệm Giáng Sinh năm nay sẽ chỉ giới hạn ở những lời cầu nguyện và nghi lễ tôn giáo để đoàn kết với người dân ở Gaza và trên khắp Palestine, và là một sự phản đối những áp bức và bất công mà họ phải chịu đựng,” Thị trưởng Anton Salman cho biết trong một thông báo hôm 21/12.

Việc hủy bỏ Giáng Sinh là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của Bethlehem, bởi đó là thời điểm "ăn nên làm ra" của ngành du lịch, vốn chiếm khoảng 70% thu nhập của thành phố. Theo Bộ Tài chính Palestine, tỷ lệ thất nghiệp ở Bethlehem đang dao động quanh mức 50% — cao hơn tỷ lệ thất nghiệp 30% trên khắp Bờ Tây.

Jiries Qumsiyeh, người phát ngôn Bộ Du lịch Palestine, thừa nhận lượng du khách đến thành phố đã giảm mạnh từ mức khoảng 2 triệu người/năm vào năm 2019 xuống còn dưới 100.000 người vào năm 2024.

Nhà thờ Giáng Sinh ở Bethlehem chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh mà không có đồ trang trí truyền thống do lệnh hạn chế của chính quyền thành phố. Ảnh: Activestills

Nhà thờ Giáng Sinh ở Bethlehem chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh mà không có đồ trang trí truyền thống do lệnh hạn chế của chính quyền thành phố. Ảnh: Activestills

Không những vậy, cuộc xung đột tại Gaza còn khiến việc đi lại giữa Bethlehem và các thị trấn khác ở Bờ Tây thêm phần khó khăn. Những hạn chế này đã ngăn cản khoảng 150.000 người Palestine rời quê hương sang các nước láng giềng làm việc, khiến nền kinh tế nhà nước này suy giảm tới 25%.

Đức tin giữa làn bom đạn

Giáng Sinh năm nay vẫn được tổ chức ở Lebanon, song bị bao trùm bởi khó khăn kinh tế và hậu quả của chiến tranh. Quốc gia này, vốn đã phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, giờ đây còn khiến tình hình trở nên bi đát hơn bởi những thất thu trong ngành du lịch, lĩnh vực mà nước này đang lệ thuộc rất nhiều về mặt kinh tế.

Ở miền Nam Lebanon, không khí Giáng Sinh còn u ám hơn. Hầu hết các ngôi làng sát biên giới nước này với Israel đều trở thành mục tiêu đánh phá bởi các cuộc không kích và chiếm đóng. Israel tin rằng Hezbollah đã lợi dụng các ngôi làng trên để ẩn náu, tích trữ đạn dược và phát động các cuộc tấn công vào lãnh thổ nhà nước Do Thái.

Làng giáo dân Derdghaya, gần thành phố Tyre phía Nam Lebanon, cũng trở thành một trong những nơi bị tàn phá trong các cuộc không kích của Israel. Một trong những nơi bị đánh bom dữ dội nhất là nhà thờ của làng, nơi trú ngụ của khoảng 30 gia đình.

Đây đã là lần thứ 3 nhà thờ làng Derdghaya trở thành mục tiêu tấn công từ khi mở cửa cho đến nay. “Trong cuộc tiến công năm 1978 của Israel, nhà thờ bị đánh sập bức tường phía Tây, trong khi các phòng dành cho người ở bị không kích đánh trúng vào năm 1992”, linh mục Maurice el Khoury, người đã phục vụ nhà thờ suốt 11 năm, chia sẻ.

Nhà thờ làng Derdghaya (Lebanon) tan hoang sau khi bị Israel không kích. Ảnh: NPR

Nhà thờ làng Derdghaya (Lebanon) tan hoang sau khi bị Israel không kích. Ảnh: NPR

Nhưng ở lần tấn công mới này, thiệt hại còn nghiêm trọng hơn. “Ảnh chụp không thể diễn tả hết tình trạng nhà thờ thực sự tệ đến mức nào”, ông Khoury. bàng hoàng nhớ lại. “Lúc đó, tôi bị tăng huyết áp, mất thăng bằng và phải dựa vào tường. Nhìn mọi thứ diễn ra như vậy, tôi không thể cam lòng”.

Dù gian chính đã trở thành đống gạch vụn, các thánh lễ cuối tuần của nhà thờ vẫn được tổ chức bên trong một căn phòng nhỏ dưới lòng đất, nơi từng là chỗ ở của các giám mục và linh mục qua thăm viếng, và được ông Khoury ví như "hang động nơi Chúa Jesus được sinh ra".

Vị linh mục cũng khẳng định đức tin của cộng đồng dân làng Derdghaya sẽ không hề dao động: "Ở những dịp Giáng Sinh tới, chúng tôi vẫn sẽ cử hành thánh lễ tại đây".

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-trung-dong-ngap-ngungdon-giang-sinh-giua-mua-bom-bao-dan.html