Người truyền cảm hứng bóng rổ chuyên nghiệp

Lê Bá Thanh Bắc (sinh năm 1992), ở TP. Đông Hà, là người khởi xướng và cùng các đồng nghiệp xây dựng Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam từ năm 2016. Với tư cách Giám đốc chiến lược kinh doanh của giải, anh đã lôi kéo được nhiều người quan tâm và hâm mộ bóng rổ, đưa bóng rổ trở thành môn thể thao phổ biến, được yêu thích ở Việt Nam.

 Thanh Bắc (thứ 2, từ phải sang) và đồng nghiệp trong VBA. Ảnh: NVCC

Thanh Bắc (thứ 2, từ phải sang) và đồng nghiệp trong VBA. Ảnh: NVCC

1.Trước khi đến với Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA), Lê Bá Thanh Bắc chưa từng có kinh nghiệm chơi bóng. Lúc còn ở Quảng Trị, bóng rổ không phải là môn thể thao được nhiều người biết đến, cũng không nằm trong chương trình giảng dạy của trường, nên anh chỉ biết đến chủ yếu qua đọc truyện tranh, tin tức và thỉnh thoảng xem được một số trận đấu trên ti vi. Nhưng ngần ấy hình ảnh qua sách báo, ti vi đã để lại cho anh ấn tượng đẹp về môn thể thao mang tính đồng đội cao, có nhịp độ thi đấu nhanh, khiến anh bắt đầu quan tâm.

Với đam mê ấy, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh, Thanh Bắc gia nhập một công ty thể thao, rồi cùng các đồng nghiệp thành lập VBA. Khi mới bắt đầu xây dựng VBA, ở Việt Nam chỉ có một đội bóng rổ chuyên nghiệp duy nhất là CLB Saigon Heat ở TP. Hồ Chí Minh. Trước đó vẫn có một đến hai giải quốc gia do Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam tổ chức hằng năm, với sự tham gia của các đội bóng đến từ những tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Tuy nhiên mỗi giải đấu này chỉ diễn ra trong khoảng một đến hai tuần, nên gần như phần thời gian còn lại trong năm các cầu thủ bóng rổ Việt Nam không có điều kiện tập luyện, thi đấu để cọ xát, nâng cao trình độ. Đây cũng là lí do chính để VBA ra đời, nhằm tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp cho các cầu thủ bóng rổ Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh phong trào bóng rổ trên cả nước.

Thanh Bắc nhớ lại quá trình thành lập VBA yêu cầu sự chuẩn bị kĩ càng ở nhiều yếu tố khác nhau, từ làm việc với Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, tìm kiếm, kêu gọi các nhà đầu tư, khảo sát các thành phố, làm việc với chính quyền địa phương, xây dựng kế hoạch kinh doanh cho các đội bóng, cho đến tuyển chọn cầu thủ, chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức các trận đấu và thu hút khán giả tới sân.

Ban đầu công tác này gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khác nhau trong từng khâu riêng biệt, nhất là yếu tố thời gian và nhân lực. Để đảm bảo giải đấu được tổ chức đúng với lộ trình đề ra, tất cả các công tác chuẩn bị trên phần lớn diễn ra gấp rút trong nửa đầu năm 2016. Suốt quá trình thành lập giải, Thanh Bắc cùng đồng đội phải đảm nhiệm cùng lúc nhiều vai trò khác nhau để đảm bảo công việc diễn ra đúng kế hoạch.

2. Thanh Bắc nhớ lại đợt tuyển chọn các cầu thủ cho mùa giải đầu tiên của VBA được diễn ra rất bài bản. Nhằm tạo cơ hội học hỏi cho các cầu thủ Việt Nam và nâng cao trình độ cũng như sự hấp dẫn của giải đấu, VBA cho phép mỗi đội bóng đăng kí tối đa một cầu thủ ngoại quốc và hai cầu thủ Việt kiều đến từ những nền bóng rổ phát triển. Công tác tuyển chọn cầu thủ cho VBA không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Việt Nam mà mở rộng ra tìm kiếm trên nhiều quốc gia khác nhau.

Ở mùa giải đầu tiên năm 2016, trước khi khai mạc khoảng 4 tháng, VBA đã tổ chức một buổi tuyển chọn cầu thủ ở Mỹ để tìm kiếm những cầu thủ Việt kiều tiềm năng có mong muốn quay về Việt Nam thi đấu chuyên nghiệp. Đối với các cầu thủ Việt Nam, mỗi đội bóng của VBA sẽ dựa trên thành tích thi đấu của cầu thủ ở các giải vô địch quốc gia trước đó để chủ động liên hệ và kí hợp đồng với đơn vị chủ quản ở từng địa phương. Bên cạnh đó, nhằm tạo cơ hội chứng tỏ bản thân cho các tài năng chưa từng có cơ hội thi đấu chuyên nghiệp, VBA cũng tổ chức những buổi tuyển chọn ở từng tỉnh, thành phố trước khi mùa giải diễn ra khoảng 2 đến 3 tháng. Các sự kiện này được truyền thông rộng rãi và thu hút rất nhiều bạn trẻ tham dự.

Với việc các đội bóng được thành lập hoàn toàn mới ở mỗi địa phương nên còn ít người biết đến, vì vậy công tác xây dựng hình ảnh và truyền thông cho đội bóng rất quan trọng. Ở Việt Nam ngoại trừ bóng đá, các giải thể thao khác phần lớn đều không bán vé hoặc bán với mức giá rất thấp, tâm lí khán giả còn chưa quen với việc bỏ ra một số tiền tương đối cao để đến xem các trận đấu của VBA. Nhưng rồi đi kèm với mức giá đó là chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cao hơn hẳn cho người xem. Các trận đấu được tổ chức chuyên nghiệp, với không khí sôi động, song song với các hoạt động giải trí trước, trong và sau mỗi trận. Thực tế cho thấy khán giả một khi đã tới xem VBA sẽ ngay lập tức bị thuyết phục và luôn muốn quay lại lần thứ hai.

 Lê Bá Thanh Bắc, người truyền cảm hứng cho bóng rổ chuyên nghiệp. Ảnh: NVCC

Lê Bá Thanh Bắc, người truyền cảm hứng cho bóng rổ chuyên nghiệp. Ảnh: NVCC

Thanh Bắc kể rằng một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất với anh là những ngày đầu phụ trách thành lập đội bóng Cantho Catfish ở TP. Cần Thơ. Thời điểm đó, bóng rổ ở Cần Thơ tuy đã là một phong trào được xây dựng lâu năm nhưng vẫn chưa có cú hích cần thiết để phát triển. Nói chuyện với các anh phụ trách ở Cần Thơ lúc đó, mọi người đều nhận định phong trào đang có dấu hiệu đi xuống. Tuy nhiên chỉ hơn hai tháng sau, khi đội bóng Cantho Catfish được thành lập và tổ chức một vài trận đấu đầu tiên, bầu không khí đó hoàn toàn thay đổi. Các nhóm bóng rổ được thành lập trên facebook, các bạn trẻ rủ nhau ra sân chơi thường xuyên hơn, những sân bóng trước đó gần như bỏ trống nay lại được các bạn xếp hàng dài chờ tới lượt vào sân.

Sau ba năm gắn bó với VBA, Thanh Bắc là người chứng kiến tận mắt sự thay đổi của bóng rổ Việt Nam, anh rất tự hào với những ảnh hưởng tích cực mà công việc của mình cùng đồng nghiệp đã mang lại cho cộng đồng. Bóng rổ đã trở thành một môn thể thao được nhiều người biết đến với sáu đội bóng tham gia, gần 2 triệu fan hâm mộ của VBA trên cả nước. Phong trào bóng rổ được phát triển rộng khắp, không chỉ gói gọn trong những trận đấu chuyên nghiệp của VBA mà còn mở rộng ra ở những giải đấu bán chuyên nghiệp, những trung tâm đào tạo bóng rổ và các dự án bóng rổ thiếu nhi khác. Đối với anh, những buổi chiều đi làm về, dừng chân ở góc đèn đỏ, nhìn thấy các bạn nhỏ đang chơi bóng rổ cùng nhau trong sân chính là niềm vui lớn nhất sau 3 năm gắn bó cùng VBA. Trước đó bóng rổ Việt Nam đã hình thành nhưng phải đến khi VBA ra đời công chúng mới bắt đầu chú ý đến bóng rổ. VBA đã lôi kéo nhiều người quan tâm và hâm mộ bóng rổ, đưa bóng rổ trở thành môn thể thao phổ biến và được yêu thích ở Việt Nam. VBA đã mang tới một sức bật cho bóng rổ Việt Nam với những thành quả ngọt ngào, để rồi tiếp tục nâng tầm, đóng vai trò trung tâm cho sự phát triển.

3. Thanh Bắc trải qua nhiều vị trí với vai trò khác nhau ở VBA. Trong hai mùa giải 2016 và 2017, anh phụ trách thành lập và điều hành câu lạc bộ Cantho Catfish. Một trong những thành công của anh ở vị trí này là đóng góp được vào sự hồi sinh của phong trào bóng rổ ở Cần Thơ cũng như xây dựng được một đội ngũ nhân sự kế cận để tiếp tục phát triển đội bóng lên tầm cao mới. Cantho Catfish đang được xem là đội bóng nhiều thành tích nhất trong VBA, với 3 lần liên tiếp lọt vào trận chung kết và giành 1 cúp vô địch năm 2018.

Song song mùa giải 2017 cũng như đến nửa đầu 2019, Thanh Bắc còn đảm nhiệm vị trí điều hành giải, Giám đốc chiến lược kinh doanh của VBA phát triển kinh doanh thể thao-giải trí chuyên nghiệp theo mô hình các nước hiện đại. Anh xây dựng bộ máy vận hành cho giải đấu, làm việc với các nhà đầu tư và đối tác, lên kế hoạch kinh doanh và quản lí công tác tổ chức giải; điều phối, đảm bảo các bộ phận trong giải cũng như các đội bóng làm việc với nhau chặt chẽ, hiệu quả, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của VBA.

Thanh Bắc chia sẻ rất vui mừng vì bóng rổ Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và ngày càng thu hút được sự quan tâm đến từ nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Cũng như những môn thể thao khác, việc xây dựng một hệ sinh thái bóng rổ bền vững không chỉ đến từ cấp độ chuyên nghiệp, mà còn từ cấp độ phong trào và từ thể thao học đường. Ở cấp độ chuyên nghiệp, không chỉ VBA mà Đội tuyển bóng rổ quốc gia Việt Nam cũng đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư hơn. Ở SEA Games 2019 vừa diễn ra tại Philippines, Việt Nam có cả đội tuyển nam và nữ tham gia. Các giải bóng rổ địa phương đang được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc trong thời gian gần đây.

Hiện tại với “Đề án Phát triển bóng rổ học đường đến năm 2030” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chỉ đạo và triển khai, Thanh Bắc tin rằng trong 5 đến 10 năm tới, bóng rổ sẽ chính thức trở thành môn thể thao phát triển mạnh ở Việt Nam.

Là người truyền cảm hứng cho bóng rổ Việt Nam phát triển nhưng với Thanh Bắc, anh luôn nhận mình chỉ là người đam mê bóng rổ mà thôi. Giữa năm 2019, tạm thời chia tay với bóng rổ, anh được cấp học bổng sang Mỹ tham gia khóa đào tạo cao học tại Marshall school of Business của Đại học Southern California để tiếp tục phục vụ cho mục tiêu nâng cao kiến thức.

Trần Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=145802