Người truyền cảm hứng sáng tạo cho học sinh

Để thực hiện mơ ước thuở nhỏ, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng (Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, huyện Tân Phú) đã không vào học Trường đại học khoa học tự nhiên mà học ngành cao đẳng sư phạm Hóa học ở Đồng Nai. Gần 15 năm gắn bó với nghề dạy học, cô Hồng luôn là người “truyền lửa” cho các thế hệ học trò.

Cô Nguyễn Thị Thu Hồng (Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, huyện Tân Phú) hướng dẫn học sinh làm giấy quỳ tím trong một hoạt động trải nghiệm sáng tạo của môn Hóa học. Ảnh: H.Yến

Cô Nguyễn Thị Thu Hồng (Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, huyện Tân Phú) hướng dẫn học sinh làm giấy quỳ tím trong một hoạt động trải nghiệm sáng tạo của môn Hóa học. Ảnh: H.Yến

* Những bài học cuộc sống

Tiết sinh hoạt chủ nhiệm của lớp 8/1 Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Hồng mở cho cả lớp xem clip quà tặng cuộc sống Chuyện chiếc bình nứt. Câu chuyện kể về một người nông dân gánh nước bằng một cặp bình, trong đó có một chiếc bình bị nứt. Chiếc bình nứt luôn mặc cảm, tự ti vì chỉ đem được một nửa số nước về nhà. Cho đến một ngày, nó nhìn thấy những bông hoa tươi đẹp ở bên vệ đường, nơi mà những giọt nước rơi xuống… Kết thúc câu chuyện, cô và trò cùng nhau đi tìm những bài học cuộc sống ẩn đằng sau câu chuyện ấy.

Đó là một trong những cách đổi mới trong công tác chủ nhiệm mà cô Hồng đã thực hiện nhiều năm nay. Không chỉ thay đổi hình thức, cô Hồng còn thường xuyên quan tâm, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của học trò. Cô luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các em. Nhờ đó, mối quan hệ giữa cô - trò trở nên rất thân thiết. Học sinh sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ của mình với giáo viên. Vì thế, cô có thể tìm ra những biện pháp giáo dục các học trò một cách tốt nhất.

Cô Bùi Thị Minh Phương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Thanh nhận xét: “Cô Hồng là một giáo viên rất thân thiện, gần gũi, hòa đồng với học sinh. Đây thực sự là một giáo viên hết mình vì học sinh”.

Theo cô Hồng, sự gần gũi, quan tâm của giáo viên chủ nhiệm là yếu tố rất quan trọng trong giáo dục học sinh. “Phần đông những học sinh có học lực yếu thường rơi vào trường hợp có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ ly hôn… Vì thế, nếu mình gần gũi, giúp đỡ được các em thì các em sẽ càng yêu quý mình hơn” - cô Hồng chia sẻ.

Trong thực tế, cô giáo trẻ này đã tiếp thêm ý chí, nghị lực cho rất nhiều học trò. Có trường hợp đã nghỉ học 2 năm nhưng cô vẫn vận động đi học trở lại. Người học trò này sau đó đã học trung cấp nghề, hiện đang đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan.

Cùng với đó, cô Hồng cũng đã phát hiện, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi. Bùi Nguyễn Thanh Nam, sinh viên năm thứ 5, Học viện quân y (Hà Nội) là một trong số đó. Năm lớp 8, lần đầu tiên được học môn Hóa, Nam đã được cô Hồng dìu dắt, định hướng và đưa vào đội tuyển học sinh giỏi Hóa của trường. Đến nay, dù đã tốt nghiệp THCS nhiều năm và đi học xa nhà nhưng chưa năm nào anh Nam quên ghé thăm người cô kính yêu của mình. “Đối với mình và nhiều bạn, cô Hồng giống như một người chị. Tình cảm, sự quan tâm mà cô trò dành cho nhau thực sự giống như những người thân trong gia đình vậy” - Nam cho biết.

* Người truyền cảm hứng

Không chỉ làm tốt công tác chủ nhiệm, cô Hồng còn là một giáo viên có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học. Đối với bộ môn Hóa, cô thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo hướng giáo dục STEM (Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật và Math - Toán học) cho học sinh tham gia. Thay vì cho học sinh kiểm tra trên giấy trắng, cô Hồng cho học sinh áp dụng kiến thức đã học để tạo ra các sản phẩm thực tế. Việc chấm điểm luôn thực hiện theo phương châm khuyến khích để học sinh có thêm động lực sáng tạo.

Cô Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết: “Từ nhỏ, tôi đã ước mơ trở thành giáo viên. Tôi đã từ chối học ngành công nghiệp thực phẩm, Trường đại học khoa học tự nhiên để học Khoa sư phạm Hóa, Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai). Có đôi khi, áp lực cuộc sống, công việc khiến tôi thấy mình đã quyết định sai. Nhưng chính tình cảm của học sinh lại tiếp cho tôi thêm sức mạnh. Tôi biết rằng, một quyết định, một lời nói, cử chỉ của giáo viên cũng có khi làm thay đổi cuộc đời của một học trò. Vì thế tôi càng nỗ lực hơn nữa trong công việc của mình”.

Ý thức được sự phát triển nhanh chóng của xã hội, cô Hồng đã luôn trau dồi tri thức để theo kịp thời đại. Đồng thời, cố gắng học tập, bồi dưỡng thường xuyên; tham gia các nhóm cộng đồng giáo viên sáng tạo, giáo viên trải nghiệm để trao đổi, học hỏi nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học.

Bản thân cô Hồng đã tham gia và đoạt giải nhiều cuộc thi, trong đó có giải nhất Hội thi Giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin cấp tỉnh năm 2017, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2015-2016… Trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học vừa qua, cô đã hướng dẫn một nhóm học sinh thực hiện đề tài Nghiên cứu làm túi giấy tự hủy thân thiện với môi trường từ bã mía và thân cây chuối sau khi đã thu hoạch. Đề tài đoạt giải nhì cấp huyện, giải tư cấp tỉnh.

Cô Hồng cho hay: “Khi tham gia cấp tỉnh mới thấy học trò của mình còn rất non nớt trong tiếp cận, nảy sinh vấn đề nghiên cứu. Nhưng cũng nhờ đó, các em được mở mang tầm nhìn còn giáo viên được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm”.

Không chỉ tích cực tham gia các hội thi, cô Hồng còn là người cổ vũ, hướng dẫn các đồng nghiệp của mình đến với những sân chơi này. Cô Bùi Thị Minh Phương cho biết: “Cô Hồng là người rất nhiệt tình, ham học hỏi, có tinh thần cao trong công việc. Cô đã tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Đồng thời, truyền cảm hứng cho nhiều giáo viên trong trường”.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202002/nguoi-truyen-cam-hung-sang-tao-cho-hoc-sinh-2987083/