Người 'truyền lửa' - Bài 2: Đột phá, sáng tạo trong công tác tuyên huấn

Bằng chính sự trải nghiệm trong chiến tranh và những thử thách giữa thời bình nên Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn luôn là người cán bộ có bản lĩnh, nhạy bén và tài năng. Phẩm chất và năng lực của ông được thể hiện rõ nét qua lối sống sinh hoạt hằng ngày cũng như quá trình công tác. Trong công tác tư tưởng văn hóa, nhiều đề xuất của ông có tính đột phá, sáng tạo...

Những giải pháp có tính đột phá, hiệu quả

Phần lớn cuộc đời quân ngũ, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn gắn bó với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên. Mãi đến cuối năm 2009, ông được Bộ Quốc phòng điều động ra Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân Việt Nam nhận nhiệm vụ Cục trưởng Cục Tuyên huấn.

Trong những năm tháng chiến đấu trên chiến trường và khoảng thời gian đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn trong thời bình, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý giá. Chính ông đã đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả về hoạt động công tác tuyên huấn trong Quân đội. Ngay sau khi nhận chức Cục trưởng Cục Tuyên huấn, ông đã được thủ trưởng TCCT giao trọng trách khẩn trương xây dựng Đề án “Thành lập Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội”. Sau khi nhận nhiệm vụ, Cục trưởng Nguyễn Thanh Tuấn tổ chức họp các thủ trưởng Cục Tuyên huấn, triển khai thành lập Ban biên soạn đề án do Phó cục trưởng Nguyễn Ngọc Tương phụ trách. Quá trình xây dựng đề án, Cục trưởng Nguyễn Thanh Tuấn luôn động viên, nhắc nhở Ban biên soạn nghiên cứu kỹ tài liệu về cách thức, phương pháp tổ chức của các nước: Nga, Belarus, Thái Lan... để vận dụng sao cho phù hợp với thực tiễn của Quân đội ta. Sau hơn một năm nỗ lực làm việc của Ban biên soạn, đề án đã được Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương thông qua. Đến ngày 19-5-2011, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Quyết định thành lập Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội.

 Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn phát biểu khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Tổng cục Chính trị. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn phát biểu khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Tổng cục Chính trị. Ảnh do nhân vật cung cấp

Cũng trong thời điểm này, đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn được Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và môi trường (nay là Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng) đề xuất đăng ký đề tài khoa học. Cục trưởng Nguyễn Thanh Tuấn triển khai thành lập Ban nghiên cứu đề tài gồm 7 thành viên do ông làm chủ nhiệm, với nội dung: “Công tác quản lý bộ đội ở đơn vị cơ sở”. Sau hơn một năm nghiên cứu, phân tích kết quả sau điều tra xã hội học, khảo sát thực tế tại một số đơn vị đủ quân, đề tài được các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội đánh giá xuất sắc, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn kể: “Giữa năm 2010, theo quy định, các cơ quan triển khai lập dự toán ngân sách ngành báo cáo TCCT và Bộ Quốc phòng. Lần đầu tiên chỉ đạo việc này nên tôi nghiên cứu rất kỹ các quy định của ngành tài chính và nhận thấy có một số vấn đề chưa hợp lý như ngân sách dành cho công tác giáo dục chính trị (GDCT) tại đơn vị tính bình quân đầu người chưa đến 15.000 đồng/chiến sĩ/năm. Số tiền đó chỉ bảo đảm mua được 4 tập giấy với hai cây bút bi. Như vậy sẽ không có tiền phục vụ giáo viên biên soạn giáo án, không có các loại văn phòng phẩm. Với thực tế như vậy khó có thể tính đến chuyện biên soạn giáo án điện tử, giảng bài bằng phương pháp trình chiếu PowerPoint. Trước tình hình đó, tôi xin được gặp Bộ trưởng Phùng Quang Thanh để báo cáo một số vấn đề, trong đó có các nội dung đề nghị: Tăng ngân sách cho công tác GDCT tại đơn vị, kết nối mạng internet toàn quân và thành lập lực lượng chuyên trách đấu tranh chính trị trên không gian mạng. Được Bộ trưởng nhất trí, tại buổi làm việc, tôi đã mạnh dạn trình bày những kiến nghị của mình. Sau khi nghe xong phần tôi trình bày, Bộ trưởng trả lời: “Vấn đề này muốn thay đổi thì Cục Tuyên huấn phải làm đề án thông qua Thường vụ Quân ủy Trung ương mới có thể nâng ngân sách lên được!”. Sau buổi gặp đó, tôi về báo cáo với thủ trưởng TCCT và triển khai xây dựng Đề án “Đổi mới GDCT tại đơn vị cơ sở” và đã được Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng cho phép triển khai thực hiện.

 Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn (thứ hai, từ phải sang) tham gia đoàn công tác của Bộ Quốc phòng kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà giàn DK1 do lực lượng công binh thi công năm 2013. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn (thứ hai, từ phải sang) tham gia đoàn công tác của Bộ Quốc phòng kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà giàn DK1 do lực lượng công binh thi công năm 2013. Ảnh do nhân vật cung cấp

Lý giải về sự cần thiết phải thành lập lực lượng đấu tranh chính trị trên không gian mạng, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn khẳng định: “Trước đây, việc quản lý mạng xã hội của ta còn lỏng lẻo, gần như để tự phát, thế nên việc thành lập một lực lượng chuyên trách đấu tranh trên không gian mạng là hết sức cần thiết”.

Trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, tôi được biết, để triển khai nhiệm vụ quan trọng này, ông chủ động báo cáo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh xin ý kiến cho phép Cục Tuyên huấn tham mưu với Thường vụ Quân ủy Trung ương ban hành chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa trong Quân đội, đề xuất thành lập lực lượng đấu tranh chính trị trên không gian mạng và kết nối mạng internet toàn quân. Qua hai lần tiếp xúc, thấy Bộ trưởng còn lưỡng lự nên Cục trưởng Nguyễn Thanh Tuấn đã chủ động làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) để tìm hiểu về khả năng và hiệu quả của việc nối mạng, nhất là về công nghệ điện toán đám mây, công nghệ 5G... Sau khi nắm chắc tình hình và khả năng khắc phục mặt tiêu cực của việc nối mạng, Cục trưởng Nguyễn Thanh Tuấn nhờ chuyên gia của Tập đoàn Viettel đi cùng đến gặp Bộ trưởng Phùng Quang Thanh lần thứ ba để trình bày dự án. Lần này, nghe xong, Bộ trưởng đồng ý cho triển khai phương án, nhưng lưu ý khi làm Đề án “Đổi mới GDCT tại đơn vị cơ sở” nên đưa vào và tính toán thật kỹ nguồn ngân sách, các bước tiến hành, làm điểm và triển khai đồng bộ...

Một thời gian sau, đề án được Bộ Quốc phòng thông qua và đưa vào thực hiện. Theo đó, ngân sách dành cho công tác GDCT được nâng lên. Từ năm 2014, đội ngũ giáo viên được trang bị máy tính, máy chiếu để giảng bài, góp phần nâng cao hiệu quả công tác GDCT tại đơn vị. Đồng thời, mạng internet đã được kết nối trong toàn quân, lực lượng đấu tranh chính trị trên không gian mạng được thành lập. Trên thực tế, lực lượng này đã tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội trên không gian mạng, qua đó góp phần quan trọng trong việc xây dựng bản lĩnh chính trị, lập trường, tư tưởng vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ. Nhất là tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong các cơ quan, đơn vị. Từ đó tạo nhận thức đúng đắn, toàn diện và đầy đủ trong cán bộ, chiến sĩ về tính hai mặt của internet, mạng xã hội cũng như âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch.

Tiếp xúc với Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, tôi còn được nghe ông kể câu chuyện khá thú vị về việc thực hiện Đề án “Tổ chức lại các đoàn văn công chuyên nghiệp trong Quân đội”. Chuyện bắt đầu từ một buổi biểu diễn của Đoàn Văn công Quân khu Côn Minh (Trung Quốc). Lúc đó, 3 nhà hát của TCCT là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Nhà hát Chèo Quân đội, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã được ưu tiên đầu tư về con người và cơ sở vật chất thuộc vào hàng hiện đại bậc nhất của toàn quân. Tuy nhiên, khi TCCT mời Đoàn Văn công Quân khu Côn Minh sang biểu diễn, mọi người mới ngỡ ngàng trước sự chính quy, hiện đại của bạn. Đoàn sang biểu diễn mang theo hai xe container đạo cụ và âm thanh, ánh sáng. Trong đêm diễn hôm ấy, bạn chỉ mới sử dụng một container nhưng sân khấu rực rỡ, lung linh, âm thanh sống động khiến người xem thích thú...

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn kể: “Trong lần gặp Bộ trưởng Phùng Quang Thanh để báo cáo công việc, tôi nhắc lại đêm biểu diễn của Đoàn Văn công Quân khu Côn Minh với Bộ trưởng. Bộ trưởng nghe xong, chỉ đạo: “Thế thì cậu về làm đề án ngay”. Nghe Bộ trưởng nói vậy, tôi về chỉ đạo cơ quan triển khai thực hiện đề án. Một thời gian sau, các đoàn văn công cấp quân khu được tổ chức lại và được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng trị giá hàng tỷ đồng...”.

Ngời sáng lý tưởng cách mạng

Cuối năm 2012, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn được thăng quân hàm trung tướng. Hơn một năm dồn tâm huyết với công tác tuyên huấn, đến tháng 4-2014, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn được Bộ Quốc phòng mời lên gặp mặt để nghe thông báo quyết định nghỉ chờ hưu. Tại buổi gặp mặt, ông bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Quân đội và nhân dân đã tạo điều kiện cho ông chiến đấu và công tác trong suốt cuộc đời quân ngũ.

 Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn trao đổi với tác giả về những quyết sách trong công tác tuyên huấn. Ảnh: VĨNH LỘC

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn trao đổi với tác giả về những quyết sách trong công tác tuyên huấn. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nếu không có Đảng, nhân dân, Quân đội thì ông sẽ không có được ngày hôm nay. Đồng thời, ông cũng trình bày tâm huyết của mình trước khi về hưu, trong đó đặc biệt lưu ý về âm mưu chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, nhất là những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, về "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Ông mong muốn các đồng chí lãnh đạo Đảng quan tâm sâu sắc đến vấn đề này. Ông nói: “Xét cho cùng “diễn biến hòa bình” chỉ có tác dụng khi nó chuyển hóa thành "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ta, đúng như Lênin đã cảnh báo: “Không ai có thể làm sự nghiệp của họ sụp đổ nếu không phải chính họ, những người cộng sản tự làm sụp đổ sự nghiệp của mình”. Theo ông, bài học của Liên Xô (trước đây) và các nước Đông Âu là minh chứng rõ nét nhất.

Vốn cùng quê Đại Lộc (Quảng Nam) lại là bạn chiến đấu cùng thời nên Thượng tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng có rất nhiều kỷ niệm với Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn. Nói về người bạn thân thiết của mình, Thượng tướng Võ Tiến Trung tâm sự: “Tôi và anh Nguyễn Thanh Tuấn biết nhau từ năm 1967. Là đôi bạn cùng chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam, nên chúng tôi thường trao đổi, bàn bạc công việc trong chiến đấu và kể cho nhau về những trận đánh tiêu biểu. Sau này tôi về giữ chức Phó tư lệnh thì anh Tuấn là Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5. Giữa tôi và anh Tuấn luôn có quan điểm chung về lập trường chính trị, về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, về công tác cán bộ, về đánh giá tình hình... Có thể nói, anh Nguyễn Thanh Tuấn là con người thông minh, trí tuệ. Anh luôn giữ lửa cách mạng và rất nhạy bén với tình hình, nhạy bén với công việc. Anh là người dũng cảm trong chiến đấu; gương mẫu, tài năng trong thời bình. Với bạn bè, đồng chí, đồng đội, anh là người thủy chung, trọn tình, trọn nghĩa. Và điều đặc biệt nhất ở anh là tính chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chế độ, bảo vệ cách mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đến cùng!”.

PHAN TIẾN DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nguoi-truyen-lua-bai-2-dot-pha-sang-tao-trong-cong-tac-tuyen-huan-785844