Người 'truyền lửa' - Bài 3: 'Tiếp lửa' cách mạng cho thế hệ trẻ (Tiếp theo và hết)

Dù còn công tác hay khi đã trở về với đời thường, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn luôn được mọi người kính trọng bởi trí tuệ, tài năng và đức độ của ông.

Ngày qua ngày, ông miệt mài đọc sách, nghiên cứu tài liệu, cặm cụi ghi chép để hoàn chỉnh những chuyên đề nhằm “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ; thông qua các bài viết, các diễn đàn để không ngừng đấu tranh giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân...

Người “thắp lửa” nhiệt tình và trách nhiệm

Những ngày còn công tác ở Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn luôn nói với các đồng chí báo cáo viên: “Người cán bộ ngành tuyên huấn tham gia công tác tuyên truyền chính là đi “truyền lửa” cách mạng cho các thế hệ, bởi vậy, người báo cáo viên phải có “lửa” nhiệt tình và trách nhiệm".

Theo ông, đội ngũ báo cáo viên phải khác với người lên lớp về lịch sử đơn thuần. Các bài nói chuyện của báo cáo viên phải hấp dẫn, lôi cuốn không chỉ bằng kiến thức đa dạng, phong phú, tính logic chặt chẽ, ngữ điệu, thần thái sôi nổi mà còn thể hiện tầm nhìn, định hướng của một chính trị gia, bằng tâm hồn và trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng.

Vốn là người chiến sĩ cầm súng đánh giặc từ thời niên thiếu nên Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn luôn đau đáu về nỗi đau thương, mất mát do chiến tranh để lại. Ông tự nhủ với lòng mình là phải “truyền lửa” cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết một cách sâu sắc về lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, của quê hương, đất nước.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn nói chuyện chuyên đề về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tại Bộ Tham mưu Quân khu 5. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn nói chuyện chuyên đề về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tại Bộ Tham mưu Quân khu 5. Ảnh do nhân vật cung cấp

Với quan điểm nhất quán đó, vào năm 2012, tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, bài nói chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn (lúc này ông chưa được thăng quân hàm Trung tướng) về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đã trở thành một sự kiện làm chấn động đời sống báo chí và ngôn luận. Trước đông đảo kiều bào tiêu biểu định cư ở hơn 100 nước trên thế giới, ông có bài diễn thuyết làm “nóng” hội trường. Trong buổi nói chuyện hôm ấy, ông phải dừng diễn thuyết hàng chục lần do tiếng vỗ tay tán thưởng của người nghe mãi không dứt. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người là chính khách, doanh nhân nổi tiếng đã ôm chầm lấy ông với sự ngưỡng mộ, kính trọng.

Một số kiều bào trước đây từng làm việc dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn nay được nghe Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn nói chuyện đã nhận thức ra nhiều điều. Thế nên họ không ngần ngại bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thời điểm ấy, bài nói chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã được hàng loạt tờ báo và nhiều trang blog bày tỏ sự khâm phục vì đã chạm đến trái tim người nghe và góp phần kết nối lòng yêu nước trong cộng đồng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Sau khi nghỉ hưu, với trách nhiệm của người đảng viên, ông tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng, chống những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái về lịch sử. Ông được Bộ Thông tin và Truyền thông mời nói chuyện chuyên đề “Tình hình tranh chấp chủ quyền Biển Đông, chủ trương và đối sách giải quyết tranh chấp biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta” cho đội ngũ cán bộ cấp sở của hơn 50 tỉnh, thành phố trong toàn quốc.

Ngoài những lần nói chuyện chuyên đề về tình hình thời sự, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn còn giảng bài tại các hội nghị tập huấn bồi dưỡng kỹ năng viết tin, bài tuyên truyền, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái cho cán bộ, công chức, viên chức do Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng tổ chức. Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã truyền đạt những kiến thức, kỹ năng cơ bản khi viết tin, bài đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Theo ông, để thực hiện tốt các bài viết đấu tranh, phản bác, mỗi người cần nhận thức rõ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận diện rõ mục tiêu, âm mưu, thủ đoạn chống phá của thế lực thù địch, nhất là âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, phải có sự nhạy cảm chính trị cao, luôn đứng trên lập trường lợi ích của quốc gia, dân tộc là trên hết, trước hết.

Nói về Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, đồng chí Nguyễn Thu Phương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng khẳng định: “Những kiến thức do Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn truyền đạt trong lớp tập huấn có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần trang bị thêm cho các học viên kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cơ bản để thực hiện hiệu quả các bài viết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Sau khi được tập huấn, các học viên có thể vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng tiếp thu được vào quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...”.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn là người luôn quan tâm đến thế hệ trẻ-những chủ nhân tương lai của đất nước. Trước những luồng ý kiến xoay quanh vấn đề Lịch sử là môn học tự chọn ở cấp trung học phổ thông, trả lời phóng viên báo chí, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng: “Tôi thấy chủ trương này thiếu tính khoa học và tính thuyết phục. Dưới góc độ tâm lý cũng như sự phát triển trí tuệ, học sinh lớp 9 mới 15 tuổi, cái tuổi như ông bà ta vẫn nói là “ăn chưa no, lo chưa tới”, liệu các cháu đã hiểu được đầy đủ kiến thức của chương trình học chưa mà bảo đã biết cơ bản, đầy đủ lịch sử văn hiến của dân tộc ta?

Theo ông, học lịch sử là để biết rằng dân tộc ta đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước kiên cường như thế nào; để biết cha ông ta từng đánh bại các thế lực hùng mạnh xâm lược ra sao... Nếu không học lịch sử thì sẽ đồng nghĩa với việc học sinh không hiểu được công lao của các thế hệ cha anh đi trước.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn lý giải: Các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều xác định lịch sử là một trong 3 môn học quan trọng nhất, bắt buộc phải học ở tất cả các cấp. Theo ông, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa luôn thể hiện tính ưu việt với quan điểm dạy chữ là dạy người, giáo dục là nền tảng để đào tạo ra những con người mới, những con người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức và có năng lực hoạt động, vừa góp phần xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" thì càng phải quan tâm đặc biệt đến môn Lịch sử.

Sáng mãi khúc quân hành

Trước sự chống phá của các thế lực thù địch hòng thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội, cố tình bôi nhọ, hạ bệ hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hạ thấp vai trò của Quân đội và chia rẽ mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân-dân, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn luôn canh cánh nỗi lo về tư tưởng “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Vì vậy, ngay cả khi đã nghỉ hưu, ông vẫn xác định phải làm những gì có thể để góp phần giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức cho các đối tượng, nhất là thế hệ trẻ.

Đề cập đến hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn cho rằng, hình ảnh người chiến sĩ tuy đã được phản ánh khá sinh động trên các phương tiện báo chí, truyền thông, nhưng chưa được khắc họa sâu đậm trong văn học-nghệ thuật. Phải chăng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ chưa đủ sức tỏa sáng trong văn học-nghệ thuật hay vì chúng ta đang chạy theo cơ chế thị trường mà sao nhãng chức năng giáo dục, chưa đầu tư cho văn học-nghệ thuật nhằm tôn vinh hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ để định hướng phát triển xã hội?

"Theo Trung tướng, đâu là những phẩm chất cần thiết của người quân nhân trong tình hình hiện nay?", tôi nêu câu hỏi. Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn trả lời: “Tôi cho rằng, những phẩm chất cần có của quân nhân là kế thừa phẩm chất của người chiến sĩ thời chiến và được bổ sung những tiêu chí mới phát triển hơn, yêu cầu cao hơn, trong đó quan trọng nhất là phải có lòng yêu nước, yêu chế độ!”. Theo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, phẩm chất làm nên sức mạnh của người chiến sĩ chính là sự đoàn kết, thương yêu nhau như ruột thịt. Còn phẩm chất kỷ luật của mỗi quân nhân chính là yếu tố tự giác, nghiêm minh và tính nêu gương trong tập thể quân nhân. Phẩm chất mới của quân nhân trong tình hình hiện nay là phải học tập, nắm bắt khoa học, kỹ thuật, làm chủ vũ khí, trang bị ngày càng hiện đại của Quân đội. Muốn vậy, người cán bộ, chỉ huy phải phát huy tốt tính nêu gương cả trong lời nói và hành động; phải có trình độ tổ chức cao, biết hy sinh vì tập thể, là trung tâm gắn kết các thành viên trong tập thể.

 Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn tại buổi giao lưu với thầy cô giáo và học sinh Trường THPT Hậu Nghĩa (Đồng Tháp). Ảnh do nhân vật cung cấp

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn tại buổi giao lưu với thầy cô giáo và học sinh Trường THPT Hậu Nghĩa (Đồng Tháp). Ảnh do nhân vật cung cấp

Là người từng tham gia chiến đấu, vì thế, những câu chuyện chiến tranh của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn luôn chân thực, sinh động và sâu sắc, làm sống dậy một thời chiến đấu oanh liệt của dân tộc. Cũng có khi câu chuyện ông kể cho học sinh, sinh viên là những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời quân ngũ; những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng bào; những khó khăn, vất vả, những tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội... Những câu chuyện ông kể, những chuyên đề ông giới thiệu đều tạo hiệu ứng tốt và cuốn hút người nghe, khơi gợi lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ học sinh, sinh viên và thanh, thiếu niên TP Đà Nẵng cũng như các địa phương khác trong cả nước. Những câu chuyện ấy đã đi vào tâm thức của nhiều thế hệ thanh, thiếu niên, trở thành một phần trong hành trang vững bước vào đời.

Là thế hệ cán bộ lớp sau, trưởng thành từ Quân khu 5, Trung tướng Trương Thiên Tô, Chính ủy Học viện Chính trị nhận xét rất chân thành về người thủ trưởng cũ, người thầy của mình: “Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn là người cán bộ mẫu mực về đạo đức, lối sống và tác phong công tác. Ông luôn được cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân nể trọng, yêu mến. Cuộc đời ông có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành tuyên huấn Quân đội. Những đề xuất, kiến nghị của ông được vận dụng và phát huy hiệu quả tại các đơn vị cơ sở. Những bài viết, chuyên đề do ông khởi xướng đều có giá trị thực tiễn cao trong quá trình giảng dạy tại các học viện, nhà trường!”.

PHAN TIẾN DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nguoi-truyen-lua-bai-3-tiep-lua-cach-mang-cho-the-he-tre-tiep-theo-va-het-785977