Người truyền lửa tình yêu lịch sử trong trái tim học trò
Để bắt nhịp với yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Trương Thị Phượng (SN 1984), giáo viên Trường THCS Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) đã có sáng kiến thay đổi và hoàn thiện phương pháp dạy học. Năm học 2023 - 2024, cô đạt giải Nhất hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố môn Lịch sử - Địa lí.
Những sáng kiến thiết thực, hiệu quả
Trong 2 năm qua, cô Trương Thị Phượng đã có 3 sáng kiến kinh nghiệm, được Hội đồng khoa học Phòng Khoa học và Giáo dục đào tạo huyện Thanh Trì đánh giá cao.
Sáng kiến kinh nghiệm “Vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học và sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học Lịch sử 7” được cô Trương Thị Phượng xây dựng trên tiêu chí: Đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là gạt bỏ, thay thế hoàn toàn phương pháp truyền thống, mà dạy học Lịch sử là phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp mới hiện đại như: Giải quyết vấn đề, đóng vai, thảo luận nhóm, sử dụng bản đồ tư duy,… với phương pháp truyền thống như trực quan, thuyết trình, kể chuyện.
Và không phải bài học Lịch sử nào cũng thực hiện rập khuôn là thực hiện đầy đủ các phương pháp dạy học trên, mà tùy loại bài để lựa chọn các phương pháp thích hợp cho bài đó, kết hợp linh hoạt các phương pháp khác nhau nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh trong quá trình tiếp thu bài học.
Trong quá trình dạy học ở trường, cô Trương Thị Phượng nhận thấy rằng: Tuy có nhiều loại bài lịch sử, nội dung các bài học Lịch sử khác nhau và phương pháp dạy học Lịch sử vô cùng phong phú, nhưng có một số phương pháp mà giáo viên cần tiến hành thường xuyên trong dạy học.
Cụ thể, đó là phương pháp thuyết trình, phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan, phương pháp kể chuyện lịch sử, phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp đàm thoại gợi mở (phương pháp vấn đáp), phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp làm việc với sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo, phương pháp sử dụng sơ đồ tư duy.
Đồng thời trong sáng kiến, cô đưa ra những vấn đề về thực trạng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học Lịch sử hiện nay và những lưu ý khi áp dụng trong giảng dạy. Cô đã dày công trong việc chuẩn bị bài, nghiên cứu tài liệu về chuyên môn Lịch sử, về phương pháp dạy học Lịch sử, về kiến thức liên môn, nhất là chuyên cần học vi tính (cách soạn thảo các slide, hiệu ứng).
Có thể thấy, việc vận dụng linh hoạt các phương pháp và sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học Lịch sử khiến cho học sinh tích cực hoạt động hơn, có ý thức tự nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử, hăng say phát biểu xây dựng bài, nắm vững được kiến thức cơ bản, làm được các bài tập Lịch sử, chăm học bài cũ. Có em còn đặt ra được câu hỏi, tình huống để các học sinh khác và giáo viên suy nghĩ đưa ra câu trả lời.
“Trong quá trình kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kỳ, các em làm bài nghiêm túc, không quay cóp, trao đổi. Có em làm bài xong khi chưa hết thời gian quy định”, cô Phượng chia sẻ.
Sáng kiến kinh nghiệm thứ 2 của cô là “Lồng ghép kể chuyện lịch sử nhằm nâng cao hứng thú học Lịch sử cho học sinh ở Trường THCS đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông 2018”. Trong 2 năm học áp dụng đề tài sáng kiến vào giảng dạy, cô đã thu được một số kết quả: Học sinh có ý thức tự giác tìm hiểu các kiến thức lịch sử, các câu chuyện lịch sử trước khi đến lớp. Trên lớp học sinh học tập tích cực, chủ động hơn, hầu hết học sinh nắm được nội dung cơ bản của bài học ngay tại lớp, nhớ lâu những câu chuyện mà giáo viên kể trong bài học.
Học sinh có phương pháp học tập phù hợp, hiểu bài, nên hứng thú học tập cũng được nâng lên đáng kể. Số lượng học sinh thích học môn Lịch sử và tự chuẩn bị các câu chuyện lịch sử mà sách giáo khoa chưa đề cập đến để nâng cao sự hiểu biết của mình ngày càng nhiều. Chính nhờ đó, chất lượng dạy học bộ môn ngày càng được nâng cao.
Sáng kiến kinh nghiệm thứ 3 là “Một số hình thức tạo biểu tượng nhân vật lịch sử trong dạy học Lịch sử cấp THCS nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh”. Theo cô Phượng, nhân vật lịch sử là những cá nhân có vai trò quan trọng đối với một sự kiện, một thời kỳ lịch sử nhất định, trong một hoàn cảnh cụ thể. Trong bối cảnh lịch sử đó, hoạt động của họ có tác dụng thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển của sự kiện, hiện tượng hay quá trình lịch sử.
Hoạt động của nhân vật lịch sử để lại nhiều dấu ấn trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội. Việc tạo biểu tượng các nhân vật cho học sinh trong dạy học Lịch sử chính là việc khắc họa những chi tiết, hình ảnh đặc trưng nhất, điển hình nhất về các nhân vật đó.
Tạo biểu tượng nhân vật lịch sử có tác dụng to lớn đến việc giáo dục chính trị, tư tưởng, tình cảm, đạo đức cho thế hệ trẻ. Tạo biểu tượng Lịch sử giúp các em hình dung quá khứ lịch sử phong phú, đa dạng, chính xác, nhận thức đặc điểm nổi bật của nhân vật, đặc trưng giai cấp mà nhân vật đó đại diện. Từ đó, sẽ làm nảy sinh cho học sinh những tình cảm, thái độ trân trọng, yêu ghét rõ ràng.
“Trước khi áp dụng sáng kiến, tôi thấy học sinh chưa thực sự thích thú, hăng say với môn học, các em nhớ nhân vật lịch sử còn ít, chất lượng giáo dục môn học còn thấp. Trong quá trình học tập và kiểm tra, học sinh nhớ kiến thức chủ yếu bằng lối “học vẹt”, “học tủ”, việc nhận thức về các nhân vật lịch sử rất mơ hồ, hạn chế. Thậm chí, thật đáng buồn khi ngay cả Bác Hồ, nhân vật có tầm ảnh hưởng đến dân tộc mà các em cũng không rõ tiểu sử về Bác, hay có học sinh cho rằng Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai người khác nhau”, cô Phượng cho biết.
Qua thời gian áp dụng sáng kiến này, cô nhận thấy kết quả học tập các lớp tôi phụ trách có kết quả tiến bộ đáng kể. Kết quả học tập cuối năm học được nâng lên đáng kể so với năm học trước, số lượng học sinh đạt 98% trên trung bình trở lên. Đó là một kết quả hết sức khả quan. Thái độ đón nhận môn học rất tích cực từ phía học sinh, các em chăm chú nghe giảng, nhớ bài và hiểu bài. Bên cạnh đó, kết quả học sinh giỏi cũng có tiến bộ rõ rệt.
Cô giáo tâm huyết với nghề
Sau 3 năm học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nay là Trường Đại học Thủ đô, cô Trương Thị Phượng tiếp tục theo học lên đại học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Quá trình học tập tại hai nhà trường đã tiếp thêm cho cô những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành một giáo viên năng động, nhiệt tình, sáng tạo trong công việc.
Ngay từ khi về trường, với kinh nghiệm sẵn có sau hơn 10 năm công tác tại trường cũ cùng với sự tin tưởng của Ban giám hiệu nhà trường, cô đã được phân công làm Tổ phó Tổ khoa học xã hội, nhóm trưởng môn Lịch sử. Cùng với đó là đảm nhiệm lớp bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 tham gia thi cấp huyện và cấp Thành phố.
Với cương vị của mình, cô luôn xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình. Cô chủ động, sáng tạo trong công việc, tham mưu với tổ trưởng chỉ đạo tổ Khoa học xã hội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm học.
Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi nhiều năm, cô đã có nhiều sáng kiến như: Thường xuyên sưu tầm các câu hỏi khó, bài tập nâng cao để cô trò cùng tìm hiểu, giải quyết vấn đề; hệ thống hóa kiến thức thông qua sơ đồ tư duy giúp học sinh dễ nhớ, dễ thuộc; thường xuyên cho học sinh luyện đề để quen các dạng đề, đồng thời để củng cố kiến thức… Đội tuyển Lịch sử của huyện và của trường do cô phụ trách nhiều năm liền có những thành tích đáng ghi nhận cả về số lượng và chất lượng.
Trong công tác giảng dạy trên lớp, cô luôn thực hiện đổi mới trong giảng dạy, hướng học sinh chủ động trong tìm hiểu và lĩnh hội kiến thức, biết vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn,..
Hơn 15 năm công tác với những đêm thức trắng để cống hiến cho sự nghiệp trồng người, bằng những sáng kiến, sáng tạo, cô Trương Thị Phượng đã đạt được những thành công vô cùng xứng đáng. Không chỉ đạt giải Nhất hội thi Giáo viên giỏi cấp Thành phố, cấp Huyện, nhiều năm liền cô là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cô cho rằng để thắp sáng đam mê, sáng tạo và yêu thương trong trái tim học trò, trái tim người thầy phải có lửa. Đó là bí quyết của cô trong sự nghiệp và cuộc sống.