Người tự mình bảo tồn voi ở buôn Đôn
Tây Nguyên từng được biết đến là nơi tập trung nhiều voi nhất của Việt Nam, đặc biệt là bản Đôn với bài hát 'Chú voi con ở bản Đôn' của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Vậy mà, số lượng voi ở đây đang ngày càng hiếm hoi bởi lâm tặc, bởi nạn giết voi lấy ngà, lông đuôi. Việc bảo tồn voi ở đây còn muôn vàn nguy hiểm, khó khăn nhưng vẫn còn những con người vô cùng tâm huyết, hy sinh mọi thứ vì... voi.
Người “bảo mẫu” đặc biệt
Giữa tháng 1 mà không khí ở buôn Đôn vẫn se lạnh, bình thường thời điểm này lá cây dầu đã rụng gần hết... vậy mà lá dầu vẫn xanh tươi mơn mởn, con đường đất dẫn vào khu chăm voi của trung tâm bảo tồn bụi mù, đỏ quạch. Từ phía xa cuối căn nhà cấp 4, tôi thoáng thấy Phan Phú - một “bảo mẫu” voi hiếm hoi còn làm việc ở đây đang ngồi cắt chuối bên cạnh hai thân cây đã cháy sém, thi thoảng anh lại hô lên “ngoan, ngoan” khi con Jun cố thò cái vòi dài ngoằng ra khỏi hàng rào đòi ăn...
Phan Phú tuổi mới chớm đầu 3 nhưng lại là người dày dạn kinh nghiệm về chăm voi, đặc biệt là người duy nhất ở Việt Nam hiện nay áp dụng phương pháp dạy voi bằng... tình cảm. Mới đầu nghe Phú chia sẻ, tôi cũng ngờ ngợ về điều này nhưng nhìn anh tiếp xúc, chăm bẵm con Jun và con Gold mới thấy cách anh làm khác xa với những gì tôi từng thấy, từng nghe. Ngồi bên cạnh đống củi đang cháy, bốc khói nghi ngút; Phú nhìn về phía hai con voi con mỉm cười mãn nguyện rồi từ từ kể lại những “thăng trầm” trong nghề “bảo mẫu voi”của mình.
Cách đây chục năm, Phú là một người hoàn toàn khác: bất cần, tự do, bản năng nhưng lại yêu động vật vô bờ bến. Những lần đi cùng đoàn cứu hộ voi đầu tiên chỉ là đi xem nhưng dần dần tình yêu của anh dành cho voi đến từ lúc nào không hay và anh cũng xắn tay áo vào làm cùng mọi người. Cơ duyên đến từ khi nào không hay, sau những lần đó anh tình nguyện đi chăm voi và cũng đúng lúc Trung tâm Bảo tồn voi hoạt động vào năm 2011 và anh được nhận vào làm.
Mục đích của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk là kiểm soát, duy trì số lượng voi nhà, voi rừng, đồng thời chăm sóc, cứu hộ voi bị nạn và sau đó giúp chúng tái nhập đàn. Hiện nay số lượng voi hoang dã ở Đắk Lắk chỉ còn chưa đến 80 con và voi nhà chỉ khoảng trên dưới 40 con. Voi ở Việt Nam sinh sống chủ yếu ở các tỉnh như Nghệ An, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước; vào những năm 90 của thế kỷ trước thì Việt Nam có khoảng 2.000 con voi hoang dã, còn bây giờ chỉ có chưa đến... 150 con và tập trung chủ yếu ở Vườn quốc gia Yok Đôn.
Chuyện đem voi đi tái đàn của Phú cũng nhiều điều hay ho, ít người nghĩ được rằng làm “bảo mẫu” voi lại nguy hiểm đến vậy. Cách đây 3 năm, con Jun khi đó đã được cứu hộ về trung tâm, cũng đã đủ điều kiện để tái đàn; Phú cũng chỉ mới nghiên cứu qua kinh nghiệm của bà con dân tộc ở đây chứ chưa hề có kinh nghiệm thực tế. Suy nghĩ đắn đo mãi, anh quyết định tự mình dẫn Jun vào rừng tìm đàn.
Để đưa một con voi tái đàn có 2 cách. Cách truyền thống là làm một cái cũi lớn, nhốt con voi vào đó cùng thức ăn. Đàn voi khi đi qua thấy sẽ phá cũi và đưa voi vào đàn; cách này anh em ở đây thử đã nhiều nhưng không có kết quả, mấy ngày con Jun bị nhốt trong cái cũi và khi thấy anh em quay lại nó mừng quýnh lên vươn cái vòi ra hít lấy hít để. Phú bảo có lẽ nó dính hơi người.
Sau nhiều lần làm cũi không thành, Phú mới quyết định tự dẫn Jun vào rừng. Xác định được dấu vết và đoán hướng di chuyển của một đàn voi rừng mà Phú ước lượng khoảng trên dưới 30 con; anh dẫn Jun “đi tắt đón đầu”. Phú kể: “Nghĩ cũng sợ lắm vì nhỡ đàn voi rừng phát hiện ra mình rồi nổi điên lên thì chỉ có chết nhưng hy vọng con Jun được tái đàn, trở về với cuộc sống tự nhiên còn mạnh mẽ hơn nhiều...”.
Đêm đó, Phú buộc Jun vào một gốc cây cổ thụ còn anh nằm áp tai xuống đất nghe bước chân voi; nghĩ trong đầu chỉ cần đàn voi đến gần khoảng hơn trăm mét là anh chạy thật nhanh. Trông con voi to xác vậy mà nó đi trên mặt đất như lướt, hoàn toàn không có tiếng động; chỉ khi nào nó tới gần thì có thể nhìn được.
Vậy mà lần nằm rừng cho con Jun tái đàn đó cũng không thành công, bây giờ Phú ngồi đây nhìn Jun và Gold với ánh mắt trìu mến, anh bảo: “mình cũng muốn nó về với đàn, trở lại cuộc sống tự nhiên nhưng khó quá, chúng nó quen ở với người rồi, bỏ thì thương mà vương thì tội...”.
5 năm trước, Jun và Gold về mới nhỏ xíu, chỉ khoảng 2-3 trăm cân vậy mà bây giờ con Jun hơn 800 cân, còn con Gold thì hơn 1 tấn rồi. Nhìn con Jun quanh quẩn cạnh Phú, thi thoảng lại vươn cái vòi ra ngoài với vào đầu, vào tay Phú, tôi nghĩ nó cũng không khác con chó nuôi ở nhà là mấy. Voi là động vật đặc biệt trung thành và tình cảm nhưng cũng thuộc giống “thù dai nhớ lâu”, ai yêu chiều nó thì suốt đời chẳng quên nhưng một khi đã ghét ai thì đừng hòng trốn được voi.
Điều làm tôi phân vân không biết có nên hỏi Phú hay không đó là cái tên cho nghề của anh. Nếu gọi anh là nài voi thì cũng không đúng bởi nài voi là người điều khiển voi bằng cái móc hai xiên - xiên thẳng và xiên cong. Để làm voi tuân lệnh, họ dùng xiên thẳng chọc vào đầu voi hoặc xiên cong móc vào tai voi. Ở buôn Đôn, tôi đã thấy nhiều con voi nhà bị rách tai, có sẹo trên đầu, trên da và chắc chắn đó là do cái móc kia. Và khẩu lệnh cho voi thường bằng tiếng Lào, nghe nói việc dùng tiếng Lào điều khiển voi có nguồn gốc từ “vua voi” Amakong?
Còn Phú lại khác, anh dùng một cái gậy bịt bông; để con Jun hay con Gold vâng lời, Phú gõ nhẹ vào chân hoặc vòi của chúng. Trong suốt những năm làm việc với voi, Phú nhận ra rằng nài voi thường đánh, chọc, móc voi vì nó làm sai. Nhưng con voi hoàn toàn không hiểu tại sao và không được hướng đến làm đúng. Đó chính là nguyên nhân khiến Phú quyết tâm áp dụng phương pháp mới trong huấn luyện voi, đó là hướng cho voi làm điều đúng và hoàn toàn bằng tình cảm.
Đi thuê nhà để... bảo tồn voi
Nói về bảo tồn voi, Phú cũng tâm tư lắm. Chàng trai sinh năm 1989 này gốc ở Buôn Ma Thuột và từ bé Phú đã được nhìn, được tiếp xúc với voi. Với Phú, voi xứng đáng được yêu thương, được bảo vệ và chăm sóc. Nhìn con Jun và con Gold, tôi cũng tưởng tượng trong đầu một bức tranh những cánh rừng rậm Tây Nguyên và những đàn voi hàng chục, hàng trăm con được dẫn đầu bởi những con voi đực hùng dũng với cặp ngà trắng muốt cong vút...
Nhưng, cả tôi và Phú đều hiểu rằng việc bảo tồn loài voi ở Việt Nam là điều vô cùng khó khăn, đó là “cuộc chiến” không hồi kết nếu chính chúng ta không bỏ đi tư duy... kiếm tiền trên cổ voi! Và trong “cuộc chiến” đó không thể bỏ qua vai trò của những cán bộ trong Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đang hằng ngày vượt qua mọi khó khăn để góp sức vào công tác bảo tồn loài động vật quý hiếm kia.
Nhìn trụ sở của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk bây giờ, chẳng ai nghĩ rằng tòa nhà đó mới được xây dựng cách đây chỉ... vài tháng. Anh Nguyễn Công Chung - Phó Gám đốc Trung tâm là một trong những người đầu tiên làm việc ở đây, nhớ lại khoảng thời gian cách đây chục năm, anh chỉ cười rồi vỗ vai tôi bảo: “Chuyện chẳng có gì to tát, thôi chú vào trong phòng rồi anh kể cho”.
Năm 2011, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk được thành lập theo Quyết định số 761/QĐ-UBND và trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk. Thuở ban đầu, không có trụ sở nên mọi người phải đi thuê nhà... và tính đến thời điểm xây trụ sở mới bây giờ, thấm thoắt cũng gần chục năm. Hồi đó thì anh em đi về nhà dễ dàng hơn bây giờ vì nhà thuê ở ngay huyện buôn Đôn nhưng lại xa chỗ nuôi voi quá. Sau này có trụ sở mới ngay cạnh chỗ mấy con voi thì việc về nhà của anh em lại thành... xa quá.
Có nhiều anh em làm việc ở Trung tâm nhưng nhà lại ở tận thành phố Buôn Ma Thuột - cách nhau hơn 50 cây số. Đi lại xa xôi, mất thời gian nên đa số đều quyết định ở lại trung tâm. Ở đây tất cả là một gia đình, cùng sinh hoạt chung ở dãy nhà phía sau nơi có phòng ngủ tập thể, có bếp ăn đàng hoàng. Anh em cũng có sinh hoạt văn hóa rồi đánh bóng chuyền, bóng bàn... Xa nhà, xa vợ con đằng đẵng cả tuần và có khi cả tháng nhưng không một cán bộ nào ở trung tâm xin về khi công việc chưa hoàn thành. Người đi trước động viên người mới vào cố gắng để xử lý trường hợp voi chỗ này, nhà kia.
Anh Chung tâm sự, có những lần đi cứu hộ voi mà anh em phải trực cả tháng trời ở đây, trời nóng thì mặt mũi cứ đỏ ửng vì bụi của đất đỏ trong rừng, trời mưa thì thôi rồi; những cơn mưa rừng Tây Nguyên dai dẳng cả tuần, cả tháng... Nhưng, họ cứ thế hiên ngang vượt qua mọi khó khăn, âm thầm theo từng vết chân voi trong rừng sâu thăm thẳm. Tất cả những hy sinh, những cống hiến thầm lặng của họ đều để phục vụ một việc duy nhất: bằng mọi giá phải bảo tồn được voi ở Tây Nguyên nói riêng và ở Việt Nam nói chung.