Người 'ươm mầm' học sinh giỏi quốc gia nơi ven trời Tây Bắc

Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp 'trồng người' tại Lai Châu, Nhà giáo Ưu tú Dương Thị Thu Hằng, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ - Lịch sử - Giáo dục kinh tế, Pháp luật và Nghệ thuật, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã bồi dưỡng được 34 học sinh đạt giải cấp quốc gia.

Cô giáo Dương Thị Thu Hằng say sưa giảng bài cho học trò.

Cô giáo Dương Thị Thu Hằng say sưa giảng bài cho học trò.

Ngay từ thời ngồi trên ghế nhà trường thời THPT, cô giáo Dương Thị Thu Hằng đã yêu thích nghề giáo và quyết tâm học tập để thực hiện ước mơ đó. Đặc biệt, chị rất thích dạy và tìm hiểu nghiên cứu về lịch sử. Thông qua môn học này, chị đã hiểu được những cuộc chiến tranh giữ nước hào hùng, từ đó bồi đắp thêm tình yêu nước, trách nhiệm với xã hội. Bởi thế, trong lòng cô gái gốc xứ Thanh luôn đau đáu được trở thành cô giáo Lịch sử - môn học mà nhiều người cho rằng khô khan. Với chị, Lịch sử luôn sống động, đó là con chữ, là con số ăm ắp những thông điệp, ý nghĩa.

Chính vì yêu thích nghề giáo và đặc biệt là môn Lịch sử từ phổ thông, chị đã quyết định chọn học chuyên ngành Lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm. Sau khi ra trường, chị quyết định đến Lai Châu (cũ) dạy học. Thời gian ấy, Lai Châu còn vô vàn gian khó, đường đi lối lại còn chưa thuận lợi, điều kiện học tập, sinh hoạt của các em còn hết sức khó khăn, nhất là khi chị công tác tại Trường THPT Mường Lay (huyện Mường Lay) - một địa bàn rất xa xôi. Sau 8 năm gắn bó với ngôi trường miền biên viễn này, từ năm 2004, chị được chuyển công tác tại ngôi trường phổ thông số 1 của tỉnh - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Tại đây, chị được lãnh đạo nhà trường hết sức tạo điều kiện để phát huy năng lực, sở trường.

Là giáo viên đã 28 năm giảng dạy trực tiếp môn Lịch sử, chị đã có 24 năm phụ trách công tác ôn thi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Trong số những giáo viên hiện công tác tại Lai Châu có lẽ chị là người có bề dày nhất trong việc đào tạo học sinh giỏi. 34 học sinh giỏi cấp quốc gia, đó còn chưa tính rất nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh là thành tích đáng nể với một cô giáo vùng cao. Đặc biệt, năm học 2023-2024, chị đã bồi dưỡng em Lê Thị Thảo giành Giải Nhất học sinh giỏi quốc gia. Đây là Giải Nhất đầu tiên của tỉnh Lai Châu sau 20 năm chia tách.

Chia sẻ về thành tích này, chị cho biết: Thảo sinh xuất thân trong gia đình có bố mẹ là lao động tự do, công việc bấp bênh nhưng em luôn nỗ lực, chăm chỉ học tập để chinh phục những đỉnh cao tri thức. Ở em, tôi thấy một sự đam mê, một phương pháp học tập khoa học, logic. Thành tích đạt được trong năm học vừa qua của nỗ lực xứng đáng cho Thảo và đây cũng là thành tích chung của ngành giáo dục tỉnh Lai Châu.

Là giáo viên giàu kinh nghiệm trong môn Lịch sử, cô giáo Thu Hằng cho rằng, để học tốt môn Lịch sử về phía học sinh không chỉ cần tính siêng học bài mà phải có khả năng lập luận, thông minh, trí nhớ tốt. Trong quá trình ôn luyện các em cần không chỉ hoàn thành các bài tập của giáo viên giao mà còn phải chuẩn bị bài trước ở nhà (theo những câu gợi mở của giáo viên). Ngoài việc học tập ở lớp, học sinh phải tham khảo thêm nhiều sách vở do giáo viên gợi ý hoặc tự tìm tòi. Học sinh không những nắm được những kiến thức do giáo viên cung cấp mà còn phải biết độc lập suy nghĩ, tìm tòi, biết khái quát nội dung chương trình hay thắc mắc những gì mình còn nhận thức mơ hồ.

Ngoài nắm vững lý thuyết, học sinh cần phải rèn luyện kỹ năng phân tích đề; kỹ năng viết bài và trình bày bài làm. Bên cạnh một bài làm hay, thì chữ đẹp bao giờ cũng dễ gây thiện cảm cho người đọc, nhất là đối với các môn khoa học xã hội. Ngoài ra, học sinh giỏi môn Lịch sử phải biết sử dụng triệt để các thao tác phân tích, tổng hợp để đánh giá, nhận định về một sự kiện hay vấn đề lịch sử, biết chọn ra những chi tiết, sự kiện lịch sử để chứng minh, giải thích theo yêu cầu của đề bài. Hơn nữa, học sinh ấy phải biết trình bày một bài làm Lịch sử có hệ thống, logic…

Còn về phía giáo viên, theo cô giáo Thu Hằng, phải luôn tìm tòi những phương pháp giảng dạy phù hợp. Kinh nghiệm của chị là yêu cầu học sinh lập dàn ý để học, lập bảng hệ thống hóa kiến thức; Hướng dẫn các em học theo sơ đồ tư duy để nhớ nhanh, nhớ lâu và không thiếu kiến thức; khuyến khích các em xem các phim tài liệu, đọc sách báo chính thống để thường xuyên cập nhật kiến thức…

Chính nhiều năm lăn lộn truyền dạy môn Lịch sử trong nhà trường đã giúp chị đúc kết được những sáng tạo mang lại tạo cho học sinh hứng thú học tập, niềm đam mê, yêu thích bộ môn Lịch sử. Đến nay, chị đã có 3 sáng kiến, trong đó có 2 sáng kiến cơ sở là “Nội dung và phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919 -1930”, “Nội dung và phương pháp ôn thi THPT quốc gia chuyên đề: Vai trò của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam từ 1919 đến năm 1945” và sáng kiến cấp tỉnh “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Lai Châu”.

Cô giáo Dương Thị Thu Hằng trong một giờ giảng bài.

Cô giáo Dương Thị Thu Hằng trong một giờ giảng bài.

Được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2023, cô giáo Thu Hằng cho rằng, đó là “quả ngọt” sau gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh Lai Châu. Nhiều năm miệt mài với những chuyến đò tri thức, hạnh phúc lớn nhất của chị là có nhiều học trò thành đạt. “Đối với người thầy, không có điều gì hạnh phúc hơn là thành công của học trò. Càng vinh dự và tự hào bao nhiêu, tôi lại càng phải ý thức sâu sắc bấy nhiêu về trách nhiệm vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề đối với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Điều này đòi hỏi tôi phải không ngừng rèn luyệṇ, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức người thầy, phải là tấm gương sáng về đạo đức, về tinh thần tự học và sáng tạo, về trình độ và năng lực, về lòng yêu nghề, về sự quan tâm yêu thương đối với thế hệ trẻ”, chị nhấn mạnh.

Được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình cho lớp chuyên Lịch sử khóa đầu tiên của trường chuyên tỉnh Lai Châu, cô giáo Thu Hằng cho rằng, đây sẽ là điều kiện tốt để đào tạo thêm nhiều học sinh giỏi, đóng góp đáng kể cho thành tích chung của ngành giáo dục tỉnh nhà. “Thời gian tới đây, tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn cho việc xây dựng phân phối chương trình và biên sẽ soạn nội dung giảng dạy lớp chuyên Lịch Sử. Tôi sẽ lên kế hoạch cụ thể, nghiên cứu biên soạn nội dung dạy bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia năm học 2024 -2025. Đây là năm học sẽ thi học sinh giỏi quốc gia theo chương trình mới nên đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian và công sức cho việc nghiên cứu, biên soạn tài liệu”, chị bộc bạch.

Đăng Khoa

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-uom-mam-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-noi-ven-troi-tay-bac-a25711.html