Người ươm tạo những mầm sống

Bổ sung 16 loài động vật vào danh sách quý hiếm: Một việc làm mang nhiều ý nghĩa

(HNM) - Trò chuyện với anh Nguyễn Sơn Hà, cán bộ Xí nghiệp Nhân giống động, thực vật Cầu Diễn (Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội), tôi cảm nhận được sự say mê, yêu nghề, nhiệt huyết với công việc. Hơn 20 năm gắn bó với công việc ươm tạo mầm sống, bảo tồn nguồn giống một số loài động vật đặc hữu của Việt Nam, anh Hà đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như có nhiều sáng kiến giúp công việc đạt hiệu quả cao.

Anh Nguyễn Sơn Hà bên khu nhà lồng nuôi nhốt giống gà lôi quý hiếm. Ảnh: Yên Khánh

"Bén duyên" với nghề

Sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, nhà cách Vườn thú Hà Nội chưa đầy 1km, anh Nguyễn Sơn Hà (sinh năm 1971, trú tại ngõ 994 đường Láng, quận Đống Đa) không ngờ khi lớn lên mình lại “bén duyên” với Vườn thú Hà Nội.

Anh Hà kể, anh theo học chuyên ngành sinh thái môi trường, Khoa Địa lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 1993, anh ra trường, “nhảy việc” vài nơi do chưa tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Năm 1998, anh xin vào làm việc tại Vườn thú Hà Nội và gắn bó với Trung tâm Nhân giống động, thực vật Cầu Diễn (nay là Xí nghiệp Nhân giống động, thực vật Cầu Diễn) từ đó đến nay.

Là cán bộ kỹ thuật thuộc Tổ chăn nuôi, chuyên quản lý, theo dõi sinh sản, dinh dưỡng cho động vật, anh Hà chia sẻ khi mới nhận việc, mọi thứ đối với anh đều mới. Thậm chí, Trung tâm Nhân giống động, thực vật Cầu Diễn cũng chỉ mới thành lập năm 1997.

Nhưng, bằng sự chăm chỉ nghiên cứu học hỏi và đặc biệt là sự “truyền lửa”, chỉ bảo tận tình của chuyên gia giàu kinh nghiệm là anh Đặng Gia Tùng (Thư ký Hội Chim trĩ thế giới), lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Trung tâm Nhân giống động, thực vật Cầu Diễn, anh Hà dần học hỏi, tích lũy kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế...

Nhớ lại quãng thời gian đó, anh Nguyễn Sơn Hà không quên kỷ niệm năm 1998, Tổ chăn nuôi được lãnh đạo Vườn thú Hà Nội giao nhiệm vụ nghiên cứu nhân giống các loài gà lôi (một loài chim họ trĩ) với nhiều giống đặc hữu bản địa nằm trong Sách đỏ Việt Nam, như gà lôi hồng tía, gà lôi lam mào trắng, gà lôi lam đuôi trắng... Anh Hà kể, do lần đầu tiên thực hiện nên trung tâm chưa có quy trình kỹ thuật. Vì vậy, anh vừa làm, vừa tìm hiểu, đúc rút kinh nghiệm, lập quy trình sinh sản của các loài.

“Thời điểm đó, có những hôm 22h tôi vẫn lọ mọ tại khu nhà lồng, ghi chú từng quả trứng đẻ, trứng ấp đến gà con... Các giống gà này lạ lắm, mỗi con có đặc tính sinh sản riêng. Có con cách 1 ngày đẻ 1 trứng, có con 3 ngày đẻ 1 trứng, có con đẻ 2 ngày liên tục rồi “nghỉ” cả tháng... Mỗi loài cũng chỉ có một mùa sinh sản. Rồi công đoạn ấp nở trứng, cần theo dõi sát sao, bởi khi gà con đục vỏ, trong nửa ngày không tự tách vỏ chui ra được sẽ bị chết. Vì vậy, đến thời điểm đó cần có tác động bên ngoài, bóc tách quả trứng để cứu con...”, anh Hà nhớ lại.

Lăn lộn ngày đêm cùng khu nhà lồng, anh Hà đã tích lũy, đúc rút được nhiều vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Năm 1999, sau một năm được nhận vào làm việc, anh Nguyễn Sơn Hà đã được tín nhiệm, giao làm Tổ trưởng Tổ chăn nuôi. Nhằm phục vụ tốt hơn cho công việc, năm 2003 anh Hà tiếp tục theo học Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chuyên ngành chăn nuôi thú y.

Nhiều sáng kiến phục vụ công việc

Dẫn tôi thăm khu nhà lồng, nơi đang nuôi hơn 100 con gà lôi, công,..., anh Nguyễn Sơn Hà giới thiệu chi tiết từng giống gà lôi, tường tận số tuổi, điều kiện nuôi nhốt. Anh Hà cho biết, hầu hết các con bố mẹ đều có tuổi đời cao, hơn 10 tuổi. Tuy nhiên, đây là những con giống có nguồn gen rất quý hiếm, bởi gần như không còn tìm thấy trong tự nhiên. Vì vậy, công tác chăm nuôi được xí nghiệp chú trọng nhằm duy trì nguồn gen tự nhiên càng lâu dài càng tốt.

Việc chăm nuôi con giống không đơn giản. Với con mới nở, do không có bố mẹ nuôi, nên cần sự chăm sóc tỉ mỉ, trong đó đèn sưởi được thắp sáng cả ngày. Thức ăn thì ngoài đi đào giun, anh còn thái quả nho cho gà con ăn. Với con giống bố mẹ, xung quanh khu nhà lồng nuôi nhốt được anh trồng “hàng rào” cây xanh để bảo vệ... tạo điều kiện sống gần tự nhiên cho đàn vật nuôi.

Để phòng chống dịch bệnh, duy trì con giống gà bố mẹ, ngoài làm sạch môi trường sống, anh Hà còn phải lo chống rét, chống nóng hiệu quả. Mùa lạnh, anh đốt lửa để sưởi ấm. Mùa nóng, nhất là mùa hè vừa qua, nắng nóng kéo dài, anh đã có sáng kiến làm giàn phun nước trên nóc nhà lồng và phun nước nền nhà để giảm nhiệt. Nhờ vậy, đã giảm hẳn dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Nói về anh Nguyễn Sơn Hà, Giám đốc Xí nghiệp Nhân giống động, thực vật Cầu Diễn, bà Hoàng Thị Ngọc Bình nhận xét: "Anh Hà là cán bộ đầy nhiệt huyết, luôn tận tâm với công việc. Trong công tác chuyên môn, anh Hà luôn trách nhiệm với công việc, không ngừng học hỏi kiến thức, nâng cao trình độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, anh đã có nhiều sáng kiến, kết hợp giữa quy trình và kinh nghiệm thực tế để chăm sóc, nuôi dưỡng đàn động vật tốt nhất. Nhờ sự chăm sóc chu đáo, tận tâm, có trách nhiệm cao trong công việc nên đàn chim, gà... của xí nghiệp luôn ổn định, kể cả trong giai đoạn thời tiết khắc nghiệt".

Yêu nghề, say nghề, nên trong 4 cuộc thi chăn nuôi giỏi do Vườn thú Hà Nội tổ chức, có đến 3 lần anh Hà đạt giải Nhất. Anh cũng được Giám đốc Vườn thú Hà Nội khen thưởng vì đã tìm được phương thức nhân giống thành công chim yểng trong điều kiện nuôi nhốt. Năm 2019, anh Nguyễn Sơn Hà vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

Chia sẻ về hiệu quả công tác, anh Hà vui vẻ nói: "Một phần vì đam mê, muốn tìm hiểu, khám phá và một phần được lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội, Xí nghiệp Nhân giống động, thực vật Cầu Diễn tạo điều kiện cho tôi chủ động trong công việc, với yêu cầu bảo đảm chất lượng đàn, số lượng đầu con. Nhờ đó, tôi đã tìm được những cách làm hay phục vụ công việc đạt hiệu quả cao nhất".

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/948326/nguoi-uom-tao-nhung-mam-song