Người 'vác nặng'

Nước da đen bóng, giọng nói hào sảng, không ai nghĩ lão nông Nhữ Văn Cân, xóm 3, xã Kim Phú (Yên Sơn) đã bước vào tuổi thất thập. Lão nông này được ví như người 'vác nặng' nhờ dịch vụ trọn gói từ làm đất đến thu hoạch, đưa thóc lúa về đến tận nhà thay cho người nông dân ở Kim Phú quê ông. Ông bảo, bí quyết để lúc nào cũng trẻ, cũng khỏe là lao động, lao động và… lao động.

Từ người nghèo nhất xã…

Ông Nhữ Văn Cân chia sẻ niềm vui được mùa với bà con.

Ông Nhữ Văn Cân chia sẻ niềm vui được mùa với bà con.

Lão nông Nhữ Văn Cân vốn là bộ đội đóng quân ở Hà Tây (cũ). Xuất ngũ năm 1977 về quê, từng làm xã đội phó Kim Phú, rồi làm công nhân xây dựng… nhưng vì con cái nheo nhóc, ông bỏ hết. Ông kể, gia đình ông từng là gia đình nghèo nhất xã. Ông thấy tủi lòng khi bản thân từng là bộ đội lại phải nhận 10 kg gạo hỗ trợ gia đình nghèo những năm 90 của thế kỷ trước.

Cái đói cái nghèo cũng xuất phát từ điều không may của gia đình. Ông trầm giọng kể, vợ chồng ông sinh được 6 người con, nhưng vợ ông không may bị sét đánh chết khi đang cố cấy cho xong sào ruộng. Lúc ấy, cậu con trai út chưa tròn 3 tuổi. Nhận gạo hỗ trợ, nhưng trong xã nhiều người lại dị nghị, bảo ông là lười lao động nên lũ con nheo nhóc 6 đứa nhà ông mới không có đủ cơm ăn. Khi nghe những lời không hay ấy, ông đau lắm, nên chỉ nhận gạo hỗ trợ duy nhất 1 tháng, tháng sau ông từ chối, để dành gạo cho nhà khác, còn bản thân mình tìm cách khác nuôi con.

Cách khác của ông Cân là gạt bỏ sĩ diện, làm đủ thứ nghề để nuôi con. May mắn là ông có nghề thợ mộc. Mùa khô, ông tay đục tay bào đi dựng nhà cửa cho bà con. Hết mùa dựng nhà, ông lại đi khắp làng trên xóm dưới buôn sắn, ông lọc lấy củ to, ngon đem bán cho được giá, còn củ xấu, củ dở thì để lại nấu độn với cơm nuôi lũ con mọn. Hết mùa sắn thì ông đi đào củ mài, lên rừng lấy củi về đổi gạo… Ông bảo, may mắn là lũ con nhà ông ngoan ngoãn, cứ thế lớn lên với củ sắn, củ khoai ông mang về.

Bà Nguyễn Thị Huệ, người cùng xóm, vì cảm mến đức tính chịu khó của ông Cân, lại thương lũ con dại nheo nhóc thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ nên hơn 1 năm sau ngày người vợ cả ông Cân mất, bà đến với ông. Bà bảo, lúc chấp nhận làm vợ sau của ông Cân, ai nấy đều bảo bà quá can đảm vì làm vợ một người đông con nhất xóm, nghèo nhất xóm và… ít có tương lai nhất xóm. Bà bảo, mình chấp nhận, không vì viễn cảnh no ấm giàu sang, mà vì một người đàn ông có thể vì con mà đi mót sắn, đào củ mài thì chắc chắn sẽ không bao giờ để bà phải đói khổ cả.

“Bán trâu tậu máy”

Khi 6 người con dần lớn khôn, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định, vợ chồng ông dồn tiền mua được đôi trâu sinh sản. Lão nông Nhữ Văn Cân cười bảo, với nông dân như ông bà lúc ấy, “con trâu là đầu cơ nghiệp” mà. Từ đôi trâu đầu tiên, ông bà nhân ra thành đàn lớn, ông bảo lúc cao điểm đàn trâu nhà ông có đến vài chục con. Cứ nuôi đến khi được giá, ông lại bán bớt rồi tiếp tục nhân đàn lại từ đầu.

Máy gặt đập liên hợp của gia đình ông Nhữ Văn Cân thu hoạch lúa xuân
cho người dân thôn 2, xã Kim Phú (Yên Sơn).

Năm 2015 - 2016, theo dõi thông tin trên báo, đài, thấy nông thôn ngày càng phát triển, nhất là việc đưa cơ giới hóa vào lĩnh vực nông nghiệp, lão nông Nhữ Văn Cân nảy sinh ý tưởng đầu tư máy móc để bắt kịp xu thế mới. Ông Cân bảo, khi ấy ở địa phương cũng đã xuất hiện một hai chiếc máy cắt lúa của Trung Quốc nhưng hoạt động chưa hiệu quả, bà con cũng chưa quen với chúng. Nhưng ông dự đoán 1 - 2 năm sau, bà con sẽ chấp nhận, bởi chúng rất tiện lợi, giúp hạ thấp chi phí thu hoạch và công vận chuyển. Thêm nữa, giờ lao động nông nghiệp cũng không nhiều, nếu không đầu tư thời điểm này, thì sẽ không còn thời điểm nào thích hợp hơn nữa.

Năm 2017, ông Cân dồn hết tiền bán trâu mua được 1 máy phay đất trị giá 20 triệu đồng. Đúng như dự đoán, bà con dần tin tưởng và tín nhiệm sau khi ông đưa máy phay đất về phục vụ, khi ấy trên địa bàn toàn xã chỉ mới có đôi ba chiếc máy phay đất. Chỉ hơn một năm đưa vào hoạt động, ông Cân đã thu hồi vốn chiếc máy phay đất. Nhận thấy nhu cầu thu hoạch lúa của địa phương càng cao, ông tiếp tục đầu tư mua thêm 1 chiếc máy gặt đập liên hợp, 1 máy vò, 1 xe công nông để vận chuyển lúa, đồng thời sắm luôn cả dàn máy bơm nước. Ông bảo, giờ thì ông bận từ đầu vụ đến cuối vụ, đầu vụ ông chạy máy bơm lấy nước vào đồng cho bà con rồi xới đất, cuối vụ thì thu hoạch, đóng bao, vận chuyển thóc về tận sân cho nông dân. 2 cậu con trai nhà ông là Nhữ Văn Tuấn, Nhữ Văn Xuân cũng đầu tư mỗi người 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy phay, góp phần giảm bớt sức lao động cho người nông dân.

Làm trọn gói, nên giá dịch vụ của ông cũng phụ thuộc nhiều vào năng suất của mỗi gia đình. Năm nào lúa được mùa, thì giá dịch vụ của gia đình ông là 150 nghìn đồng/sào, năm nào mất mùa thì ông giảm còn 120 nghìn đồng/sào. Mỗi vụ lúa, gia đình ông cũng thu về chừng 80 - 90 triệu đồng. Giờ thì dịch vụ nhà ông Nhữ Văn Cân không chỉ có mặt khắp làng trên xóm dưới ở Kim Phú mà đã đến với người nông dân Tứ Quận, Hoàng Khai, Phú Lâm… bởi sự tiện ích và hiệu quả thiết thực mà nó đem lại.

Nhắc đến nông dân là nhắc đến sự vất vả. Nhưng giờ, nói như cách lão nông Nhữ Văn Cân tự ví mình, thì những người như ông sẽ thay nông dân “vác” hết sự nhọc nhằn, để bà con mình bỏ công sức ít nhất, nhưng lại thu được hiệu quả lớn nhất.

Phóng sự: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nguoi-vac-nang-118295.html