Người vác tù và
Sáng đó, ông Phán ra nhà tôi. Thấy ông, tôi chào và đánh mắt sang bố mẹ. Mẹ xua tay, bố lắc đầu. Tôi thừa hiểu là, cứ kệ ông, nói chuyện gì cũng kệ ông. Tuần ba, bốn lần ông ra nhà tôi. Từ lúc ngồi xuống đến lúc đứng lên về, ông chỉ nói đúng một chuyện, xoay quanh một chuyện.
Chuyện đã bắt đầu rồi.
"Hôm nay em bỏ mất buổi lấy bèo…"…
Ồ, hôm nay chuyện khác - chuyện nuôi lợn. Bao năm nay, dù một mình, ông vẫn nuôi lợn. Đang bảy con (hai nái, năm thịt) mà. Cả làng vẫn khen ông đảm đang nhất.
Nhà ông trên gò, một bước là xuống khu đồng hoang. Đầy bèo tây, bèo cái, bèo tấm… thoải mái rau xanh cho lợn. Bảy bèo ba cám, nấu chín, ông vẫn nuôi theo kiểu xưa. Lợn tuy không lớn nhanh nhưng ngon sạch, chỉ đánh tiếng bán, ba toa đã tranh nhau. Tranh thì tranh, mỗi lứa ông vẫn chọn một con ngon nhất, tự thịt, gửi về cho mấy đứa dưới thành phố.
"Trong đấy chăn nuôi tiện thật, chả bù cho ngoài này, vườn hẹp cứ loanh quanh luẩn quẩn, đành bắt nạt mấy cây chuối, xót hết cả ruột" - Bố tôi đáp lời cho đưa đẩy câu chuyện.
"Vâng, tiện. Nhưng mà anh biết không… Em vừa lội xuống thì thằng con nhà Tịnh Của hớt hải đến"…
"Hớt hải đến"… lại đến báo, một là mất trộm hai là đánh nhau? Đã mấy năm nay, lần nào tôi đoán cũng chính xác 100%. Tôi ngồi giường bên, "nói leo" sang - "Nó báo nhà mất trộm à chú?". Quả nhiên, lời tôi như nhạc mời tiếng hát… ông nghiêm mặt lại luôn, nói tiếp:
"Nó kêu như cháy nhà. Chú ơi, nhà cháu mất sạch đồi măng rồi".
"Mất bao giờ?".
"Mất tối qua, sáng nay ngủ dậy thì không còn một ngọn. Chú sang mau đi, bèo để đấy cháu lấy cho". "Lợn tôi, chỉ có tôi mới biết nó ăn bèo gì. Thôi không khiến, cứ về đi, rồi chú sang luôn".
"Ôi, tưởng măng rẻ… thế mà cũng bị trộm à?" - Bố tôi từ nãy bị hẫng vì chủ đề nuôi lợn bị rẽ ngoặt, bố đang ngồi nhổ râu khan bỗng bật câu hỏi. Bản tính nhường nhịn, lại quá quen với chú em, bố thừa biết nếu ngồi im, ông vẫn cứ kể, nghe hay không nghe cứ nói. Ngồi im thì còn ra làm sao, chi bằng thỉnh thoảng mớm mớm vài câu cho lịch sự.
Quả nhiên lời bố tôi như MC đưa đường, ông Phán hồ hởi hẳn: "Anh biết gò nhà Tịnh Của không?"."Tôi lạ gì, hồi bé trẻ xóm ngoài này vào bắt cua toàn lên đấy ăn trộm quít". "Quít chết hết lâu rồi, giờ trồng toàn vầu. Anh biết không, riêng bán măng, một vụ cũng đôi chục triệu, chính bà Của nói với em đấy"."Thế mà bị khoắng sạch, tiếc đứt ruột nhỉ". "Của một đống ai mà chả tiếc, nhưng không phải mất sạch cả đồi. Em đến, lên đồi luôn, chính xác là mất ở nửa trên đỉnh, tổng số 207 ngọn. Em đếm, ghi sổ, chụp ảnh hẳn hoi, đây bác xem". Ông Phán lấy điện thoại, mở ảnh giơ sát mặt bố tôi.
"Ối chao, nó không đào, chỉ chặt nhỉ" - Bố tôi kêu lên. "Vâng, trộm thì phải nhanh nhanh mà chặt chứ, đào đào bới bới có mà giơ tay mời người ta đến trói". "Ngoài này trông vào buồng chuối, trong đấy trông vào ngọn măng… mất trộm một cái là đi tong". "Đi tong thế nào, phải tìm thủ phạm chứ". "Tìm thế quái nào được, như ngày xưa khoác bao tải lù lù bị tóm ngay; còn bây giờ vù một cái là lên xe ca, taxi… đem xuống phố bán, của nhà của trộm bố ai biết đấy là đâu".
"Bác nói thế nào, phải tìm ra chứ". "Thế chú tìm ra đứa nào chưa?". "Chưa, nhưng dứt khoát tìm được. Anh tính, đứa ở xa không thạo thung thổ thì lấy luôn dưới chân đồi, nhanh nhanh chóng chóng còn rút. Đây, chỉ lấy trên đỉnh đồi, như vậy là trộm gần". "Chú nói nghe có lý đấy nhỉ". "Vâng, cả xóm này, xóm trên, xóm dưới, em thuộc từng nhà, từng đứa. Em nghĩ ra đứa nào rồi, em bảo mọi người cứ bình tĩnh, mọi việc sẽ được giải quyết". "Công an xóm như chú giải quyết cái nỗi gì. Nó lấy xong, xuôi Hà Nội hay ngược Yên Bái bán, rồi ung dung về làng. Ai dám bắt nó, chứng cứ đâu?". "Em không có quyền bắt… nhưng em có cách rồi".
Tôi hồi hộp, đợi nghe "cách" của ông. Nhưng kìa, ông tự nhiên im bặt, uống liền hai chén trà. Thôi rồi ông ơi, Công an chính quy nghiệp vụ, quyền hạn đầy mình, nhiều vụ còn trầy trật mãi mới ra, ông đây chỉ mỗi nhiệt tình thì làm được cái nước gì. Tôi nghĩ bụng, vừa "mừng"… vừa lo cho ông.
"Cái hồi nhà Thạnh Bích bị mất ao cá trắm đen, anh còn nhớ không?".
Ô, đang chuyện trộm măng lại chuyển sang mất cá. "Cụ" đánh bài "chuồn" rồi. Tôi "vui", cứ nghe, xem cụ "diễn" tiếp thế nào.
…"Hôm ấy, em vừa trên xe caxuống. Sáng em đi thăm cháu, gà gáy về luôn chuyến đầu tiên, em tính đến nhà vẫn nấu kịp nồi cám lợn. Đường còn vắng tanh, em bước vội, vừa đến đầu xóm thì thấy một bóng đen, vác cái bao. "Xuyên hả?" - Em nhận ra ngay, hỏi to. "Vâng, tưởng chú đi V.T, sao chú về sớm thế". Ôi, chết rồi, thằng này biết mình "đi trộm". Em chột dạ, nhưng vẫn cứng giọng: "Chú đi đám ma dưới Lải, giờ việc ổn ổn mới về. Thế cháu đi đâu mà mang vác nặng thế?". "Cháu… cháu… có ít hàng mang ra gửi xe... cháu đang vội, trưa cháu sang chơi nhé".
Nghe nhạc hiệu, biết luôn chương trình, em quát: "Hàng họ xe cộ gì, biết điều thì bỏ cái bao xuống, nói thật đi". "Hàng của tôi, ông không có quyền gì ngăn cản… tránh ra để tôi đi". "A, thằng này giở lý hả, thôi không phải lúc tranh luận". Nó đùng đùng chạy. Em tung luôn một cú đá. Nó ngã xuống, em thủ thế sẵn sàng đợi nó đứng dậy… Nó sẽ chơi lại mình? Nhưng không, nó mở bao, lấy ra con trắm vật vã, hai tay nâng nâng: "Cháu biếu chú, cháu đang vội, có gì trưa cháu sang, chú cháu mình nói chuyện".
"Chú liều thật đấy, ông già mà dám đấu với thanh niên" - Tôi nói thật.
"Đúng là ông già nhưng già đây là lính chiến biên giới về, thanh niên không dễ mà ăn nổi, chú Phán nhỉ" - Bố khen chú.
Được lời như cởi tấm lòng, ông Phán gật gù: "Em kể đến đâu rồi nhỉ?". "Đến đoạn hối lộ cán bộ" - Tôi nhắc.
"Trên chợ bao nhiêu đứa buôn cá xuống đây, em thuộc hết. Cá này chắc chắn trộm cắp gì đây. Em chỉ tay vào mặt nó, dằn tiếng. "Bỏ con cá này vào bao, mang bao lại đây, khôn hồn thì khai thật". Nó thom thóm làm theo, không gì nữa. "Nào bây giờ nói thật đi, lấy nhà ai… mấy đứa?". "Cháu… cháu… túng quá, chỉ lấy vài con, cháu chót dại… chú bỏ qua… đồng không mông quạnh thế này chỉ chú cháu mình biết với nhau". "Láo, trộm thành thần lại bảo chót dại, thôi vác bao về cùng tôi gặp Trưởng khu, rồi trình bày rõ ràng".
"Chú đúng là gặp may, thế là kết thúc vụ án nhỉ?".
"Kết cái gì mà kết. Còn lằng nhằng nữa…".
"Sao thế. Tôi tưởng đưa nó cùng tang vật về là xong".
"Xong đâu mà xong. Tại em chủ quan... Em đi trước, nó đi sau… được một đoạn thấy uỵch, bao cá vứt xuống. Nó chạy. Đúng là chạy nhanh như trộm, em không tài nào đuổi kịp. Đành quay lại".
"Thế thì chết chú rồi. Đang người bắt trộm lại thành tên trộm rồi".
"Thành tên trộm thế nào được? Bác chả hiểu gì cả".
"Thì có nhà mất trộm. Chú bên tang vật. Cãi thế nào được? Chú kể lại ai nghe… bằng chứng đâu?".
Bố nói, chú nói. Tôi hồi hộp nghe, thay vì tên trộm, chú sẽ về nhà Trưởng khu trình bày.
Nhưng. Chú thò tay xuống túi quần, lấy điện thoại ra. Gạt gạt tìm tìm. Đây rồi, mời bác nghe đài tiếng nói xóm Gò. Tiếng ông, tiếng thằng Xuyên, đúng như lời kể.
"Cháu chịu chú đấy" - Tôi thán phục. Bố tròn mắt. "Bất ngờ như thế mà chú cũng ghi âm được nhỉ". "May quá… nó thành phản xạ bác ạ… cứ thấy nghi nghi là em bật ghi luôn".
"Tiếp theo, bác có biết thế nào không?". "Không, tôi ở đấy đâu mà biết".
"Em định vác bao cá về nhà Trưởng khu, nhưng lại nghĩ mình "mang cá về ao" chuyện sẽ lằng nhằng nên em cứ phải đứng trông cái bao".
"Khổ thân chú. Bỏ đấy mà về, tội đếch gì mang nợ".
"Vâng, số em nó khổ, làm cái gì phải cho đến đầu đến đũa. Mình về, ngộ nhỡ đứa nào nó qua, gặp của trời rơi xuống mang về thì hết dấu tích".
"Vậy là chú tình nguyện khổ. Chuyện kết thúc thế nào, nhanh lên để tôi còn đi chặt cây tre".
"Vâng, kết là thế này". Chú nói thế, tôi tưởng chuyện sẽ tua nhanh mấy câu. Nào ngờ dây cà ra dây muống.
Chuyện bắt vụ trộm cá xong, khi ông đợi mãi thì có hai người đi chợ sớm qua. Ông nhờ họ đứng lại làm chứng. Ông gọi điện cho Trưởng khu ra. Trưởng khu ra, gọi điện cho mấy nhà có ao. Mấy nhà có ao xuống ao kiểm tra, ba mươi phút sau mới trả lời. Nhà Ty Đán bảo không mất. Nhà Huyền Đức cũng bảo không. Đến nhà Thạnh Bích thì kêu khóc váng trời, bảo em chạy ra ngay.
Của trộm đưa trả lại, bà Thạnh mang về. Ông Bích cùng ông Phán, ông Trưởng khu về nhà văn hóa khu. Lúc này ông Phán mới bật ghi âm lên, làm biên bản, ba người ký. Thằng trộm đã bỏ chạy nhưng không thể bỏ nhà đi mãi được. Tuần sau nó về, bị bằng chứng không thể chối cãi đành phải cúi đầu chấp hành.
Lẽ ra, chuyện đến đấy, bố đứng phắt dậy, xuống bếp rút dao đi chặt tre thì không toang mất buổi sáng. Nhưng, tại tôi… Khi bố đã đánh ý bảo, trưa rồi, con đi cắm cơm đi, nấu hai bố con thôi, mẹ bảo đi chùa với các bà chiều mới về đấy.
Tôi xuống bếp cắm cơm xong, lên nhà vẫn thấy ông đang nói chuyện trộm cá thì buông một câu: "Trộm cá thì chả cần tìm cũng giải quyết được nhanh, còn vụ trộm măng chắc là chìm xuồng ông nhỉ?". "Chìm là chìm thế nào, cái thằng này mang tiếng học đại học mà chả biết cái gì cả…". "Tức là tìm ra được rồi hả chú?" - Tôi kháy. "Tìm kẻ gian mà mày làm như tìm cái điện thoại, bấm lên là nó kêu tôi đây… dốt quá… đúng là cái loại thi đại học được có 16 điểm". "Vâng, cháu dốt nhưng"… (tôi định nói không ôm rơm nhặm bụng như chú)… nhưng kìm lại được.
Ông đang bặm môi nhìn tôi, có vẻ tức. Tôi cười dàn hòa: "Cháu đùa thôi, công bằng mà nói, xóm gò mà không có chú thì chắc đánh cãi chửi nhau suốt, trong đấy cháu thấy phức tạp kinh". "Ờ, đủ thứ chuyện, phát mệt cả ra" - Ông nhìn bố tôi, đầu gật gật, ý không thèm nói với thằng trẻ ranh con anh.
"Vừa tối qua, em bắc nồi cám lợn lên bếp xong thì thằng cu nhà Lan Viết chạy sang, mặt tái mét: "Ông Phán ơi, bố cháu cầm dao bảo giết mẹ cháu". Bực quá, nhà này cứ như phường chèo, mấy hôm lại mày tao náo loạn cả xóm. Em định không sang nhưng con nó nói dao rựa thì phải đi ngay, không nhỡ sao thì ân hận.
Em sang, thấy thằng chồng cầm dao, ngả nghiêng như sắp đổ… Rượu làm rồi. Nó vẫn đang múa con dao phay, dao và người ngả nghiêng chao đảo. Em quát một câu:"Thằng Viết làm cái trò gì đấy, đưa dao đây". Nó không nghe thấy hay sao ý, nó vung dao lại phía em. Thì dao này, thì vung này, em đá một phát dao bắn ra bụi chuối. Nó cũng đổ kềnh luôn.
Cái Lan lúc này mới khóc lóc phân bua: "Dọn cơm ra nó cứ làu bàu, có mỗi rang thịt cũng để cháy", cháu nói lại mỗi một câu, "có người hầu đến bữa chỉ việc hốc còn khệnh khạng ông kễnh". Chẳng nói chẳng rằng nó rút dao ra luôn… Ông bảo như thế ai mà chịu được". "Thôi thôi, cháu không nói nữa, nó sai là nóng quá, còn cháu sai là mồm miệng hại cái thân, giờ đi lấy ít búp dong, làm thuốc dã rượu cho chồng. Đàn ông đứa nào chả ưa ngọt, chết vì cái mồm, tối nay hòa bình trên giường đi".
Chuyện hòa giải lan man. "Thôi, đến bữa rồi, chú ở đây uống rượu với bố con tôi"- Bố mời thật, cũng là cách tự "giải thoát". Ông Phán đứng lên: "Không, em phải xuống ủy ban có việc". Ông nói và đi luôn. Tôi ra tiễn, đến lúc xa tít cái bóng lòm khòm trên xe đạp mới về.
*
Một tối, khi cả nhà tôi đã lên giường thì có tiếng ông gọi cửa. Mẹ nói luôn: "Ông dậy mà tiếp đi". Tôi nói nhỏ: "Bố hôm nay cấm được ngáp đấy". Bố tôi xua tay, đi ra.
Ngoài nhà, tiếng ông Phán: "Biết là muộn nhưng em vẫn phải tạt qua để thông báo với anh, thằng Sao bị bắt rồi". "Sao nào nhỉ?"."Thằng Sao cái vụ trộm đồi măng nhà Tịnh Của ý… hồi em kể ý… anh này chóng quên thật". "À à, từ năm kia. Thế làm sao mà bắt được nó?". "Khó lắm, em cũng nghĩ là thôi. Em cùng Công an huyện truy tìm chứng cứ, mãi tháng trước, bắt được vụ trộm trâu, có thằng Sao". "À, từ trộm trâu, ra trộm măng chứ gì". "Trộm nhiều thứ nữa chứ, thằng Sao chỉ là đàn em, còn thằng dưới Lải mới là cầm đầu". "May quá nhỉ, thế là từ nay làng xóm được bình yên" - Bố tôi xuýt xoa.
Ông Phán chào về. Tôi nằm nghe từ nãy, thấy bố tôi vào liền bảo luôn: "Chắc ông trả nợ chuyện năm ngoái bố nhỉ?"."Đúng đấy, ông này nói được, làm được, uy tín lắm". Tôi nghe, thấy mình có gì không nên không phải, tôi đã nghĩ sai, hài hước châm chọ công.
*
Tôi đi học xa, mãi đợt nghỉ 30-4 - 1-5 mới về nhà được mấy ngày. Cả ngày đầu tiên không thấy ông Phán ra chơi, tôi hỏi bố:"Dạo này ông Phán không ra nhà mình chơi nhỉ?"."Có, hôm kia vẫn ở đây, chắc hôm nay sẽ ra".
Chiều, tôi đi chơi mấy nhà họ hàng trên Hiền về thì thấy ông và bố ngồi bàn. Tôi chào. Ông hỏi luôn: "Cháu học đại học thì học cái ngành gì nhỉ?"."Cháu học ngành công tác xã hội ạ". "Nó đặt nguyện vọng công nghệ thông tin, điều khiển và tự động hóa ở bốn trường nhưng trượt sạch cả, đành học cái vớ vẩn này" - Bố tôi nói thêm. "Vớ vẩn là thế nào, ngành nào cũng tốt, miễn là đại học, không có bằng cấp ra đời chả làm được cái gì đâu".
Tôi ra vườn sau, ngắm chuối, ngắm na. Rồi về đầu hồi, mài mấy con dao.
Trong nhà vẫn tiếng ông Phán:
"Khu em đang làm đường, đường từ xóm ra bắt vào đường ruột đồng ý. Bực ghê, còn tắc mỗi nhà Hoa Bình. Đường mở rộng thêm một mét, vườn nó chỉ mất ba cây xoan bằng cổ chân mà nó cứ đòi đền bù. Bác tính đường xóm, mình đi con cháu mình đi thì tự bảo nhau mà làm chứ. Biết là nhà nó khùng khùng ngang ngạnh nên em phải nhún, mấy tối đến phân tích ngọt nhạt thiệt hơn mà nó vẫn cương quyết… mãi hôm qua nó mới đồng ý. Bác biết vì sao nó đồng ý không? Em phải cho nó vay đôi lợn giống, coi như đánh đổi việc đền bù".
"Khu II chuyến này sẽ nhất xã. Hôm nào khánh thành, tôi đạp xe vào chơi cho sướng". "Xe đạp, xe máy, taxi vào ra cứ là thoải mái".
Có nhạc chuông điện thoại: "Alô, vẫn cứ làm bình thường, không phải lo đám bọn dưới đồng… yên tâm, tôi về ngay… Em phải về ngay bác ạ".
Ông Phán đi rồi, tôi vào nhà hỏi bố luôn: "Toàn chuyện đường sá, xóm khu, sao không thấy chuyện Công an nữa bố nhỉ?"."Thôi rồi, có chủ trương mới gì đấy, chú ấy có tuổi lại không bằng cấp gì nên người khác làm". "Một người vừa say mê việc xã hội lại có năng lực, giờ phải ngồi nhà chắc chú ấy buồn lắm". "Có mà ngồi nhà được lúc nấu cám, cho lợn ăn, còn lại tối ngày vác tù và hàng tổng".
Tối, tôi bảo bố: "Con vào nhà chú Phán chơi". Bố tôi bảo: "Đi thì đi, nhưng chưa chắc chú có nhà đâu, tốt nhất là điện trước".
Tôi cứ vào. May quá, nhà chú điện sáng choang. Chú đang ngồi bàn, im lặng. Tôi chào, chú nói luôn:
"Chúng nó đi cả rồi".
"Ai đi hả chú?".
"Mấy thằng con nhà chú chứ còn ai. Chúng nó về hai ôtô, cả trai cả dâu, chúng bảo bán nhà. Chú biết thừa là lừa bố hết chỗ phải xuống phố ở với con. Nhưng đời nào chú nghe, chú quát cho một trận, xanh mắt, lủi hết".
Chú lại ngồi im, thở dài. Tôi hiểu một người say mê việc làng xóm không dễ gì mà dứt lòng bỏ quê đi được.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/nguoi-vac-tu-va-629926/