'Người vác tù và' và hành trình giữ gìn văn hóa - Kỳ 3: Hình thành văn hóa chung cư

Cùng với nhiều TP lớn trong cả nước, Hà Nội đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Nhiều khu chung cư, khu đô thị mới đã được hình thành và đang tiếp tục được mở rộng. Đi kèm với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, văn hóa ứng xử chung cư cũng đang dần hình thành.

Những ứng xử chưa phù hợp trong các khu đô thị mới

Tháng 6-2019, câu chuyện về hai vị khách tiểu tiện trong thang máy ở chung cư Gelexia Riverside lan truyền nhanh trên mạng xã hội. Theo trích xuất camera, thì trong quá trình chờ chủ nhà đến đón, một vị khách đã dùng mũ bảo hiểm che camera để vị khách còn lại tiểu tiện xuống sàn thang máy. Hành vi phản cảm này không những gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân, vi phạm pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường mà còn là biểu hiện cách ứng xử thiếu ý thức trong xã hội văn minh…

Những ứng xử thiếu văn minh như vậy ở các khu chung cư trên thực tế diễn ra vẫn còn nhiều. Tại rất nhiều khu chung cư, những hành vi như dừng, đỗ xe thiếu ý thức, đổ rác không đúng nơi quy định, giữ thang máy để dỗ trẻ trong giờ ăn của một số cư dân… vẫn thường xuyên xảy ra và gây bức xúc cho nhiều cư dân khác.

Theo hòa giải viên Phạm Như Phước - bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận, tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố số 4, khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm: “Bên cạnh những câu chuyện về mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư thì mâu thuẫn nội tại từ chính thói quen, nếp sinh hoạt thường ngày của các cư dân cũng diễn biến gay gắt. Có những vụ khiếu kiện bắt nguồn từ những ứng xử chưa khéo như căn hộ tầng trên ru con đưa võng kẽo kẹt, căn hộ tầng dưới có người ốm đau nghe tiếng võng đưa thì cảm thấy càng thêm mệt mỏi. Rồi có trường hợp nhiều gia đình người trẻ làm ca đêm, về muộn, đến tận khuya mới được nghỉ ngơi, trong khi 5 giờ sáng các cụ cao tuổi đã thức dậy tập thể dục thể thao. Sân bóng lại ngay sát tòa nhà cao tầng nên tiếng động cũng làm nhiều người tỉnh giấc sớm và thấy khó chịu. Có người còn phản ứng tiêu cực bằng cách ném chai lọ xuống phía dưới sân”.

Phát biểu tại một buổi tọa đàm về “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Chánh Văn phòng Trưng ương Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho hay: “Trước đến nay, người Việt Nam chỉ có văn hóa "nằm ngang" chưa có văn hóa theo chiều dọc, theo chiều thẳng đứng, theo phong cách chung cư, thang máy.

Lối sống nông thôn từ hàng ngàn năm với nếp sống, thói quen, cách ứng xử phù hợp với hương ước của làng, với quy định của cộng đồng làng xã, dòng tộc theo kiểu "phép vua thua thua lệ làng, trọng tình hơn lý, tắt lửa tối đèn có nhau"... tự do đến mức tùy tiện nhưng cũng đầy tính nhân bản, ăm ắp tình người, tạo nên văn hóa làng truyền thống. Khi chuyển sang sống trong đô thị, đặc biệt là trong các khu đô thị mới, các tòa chung cư thì cái văn hóa làng ấy đã không còn bền vững và bắt đầu bị tác động bởi lối sống đô thị, bởi môi trường sống của khu đô thị mới. Đó là một thách thức cho các nhà quản trị đô thị và cho mỗi cư dân sống trong các khu đô thị mới, các tòa chung cư”.

Hòa giải viên Phạm Như Phước: “Xây dựng văn hóa chung cư là rất cần thiết, qua đó tạo lối sống mới. Quan trọng hơn hết điều này sẽ góp phần hình thành nhân cách tốt hơn cho thế hệ trẻ sống trong các khu dân cư”. Ảnh: T.Hải

Hòa giải viên Phạm Như Phước: “Xây dựng văn hóa chung cư là rất cần thiết, qua đó tạo lối sống mới. Quan trọng hơn hết điều này sẽ góp phần hình thành nhân cách tốt hơn cho thế hệ trẻ sống trong các khu dân cư”. Ảnh: T.Hải

Lan tỏa văn hóa chung cư…

Với các hòa giải viên thì với những mâu thuẫn phát sinh ngày càng nhiều trong các khu dân cư, quá trình hòa giải các vụ việc, quá trình tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở các khu chung cư cũng là một thách thức không nhỏ.

“Xây dựng văn hóa chung cư là rất cần thiết, qua đó tạo lối sống mới. Quan trọng hơn hết điều này sẽ góp phần hình thành nhân cách tốt hơn cho thế hệ trẻ sống trong các khu dân cư”, hòa giải viên Phạm Như Phước chia sẻ.

Một thông báo biểu dương về những hành vi ứng xử văn minh được đăng trên Hội cư dân Chung cư Ecohome 1 phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm để các cư dân cùng biết, cùng học tập và làm theo. Ảnh: Thanh Hải

Một thông báo biểu dương về những hành vi ứng xử văn minh được đăng trên Hội cư dân Chung cư Ecohome 1 phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm để các cư dân cùng biết, cùng học tập và làm theo. Ảnh: Thanh Hải

Rời lũy tre làng, bước chân vào đô thị, với nhiều người việc thích nghi được với nếp sống, nếp sinh hoạt ở TP thực sự là điều không mấy dễ dàng. Nhiều cư dân vẫn giữ thói quen sinh hoạt theo bề ngang, như văn hóa làng quê ngày trước. Hiểu điều đó nên ở các khu chung cư, công tác tuyên truyền rất được các hòa giải viên chú trọng và phối hợp với các ban ngành khác thực hiện. Tại khu đô thị Đặng Xá, để tuyên truyền cho cư dân về văn hóa ứng xử ở chung cư, tổ dân phố đã làm một tấm biển to hướng dẫn về các hành vi ứng xử đặt ở nhà sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời in các tờ gấp nhỏ phát đến tận các hộ gia đình. Các buổi họp của Ban công tác Mặt trận, tổ hòa giải, họp cư dân, việc tuyên truyền về văn hóa ứng xử của người Hà Nội nói riêng, của cư dân chung cư nói riêng luôn là nội dung quan trọng và được thực hiện thường xuyên.

Điểm đặc biệt của khu đô thị Đặng Xá là các quy tắc ứng xử sẽ được lấy kiến của cư dân, trên cơ sở thống nhất được đưa vào trong Quy ước. Với những quy định rất cụ thể, chi tiết nên theo hòa giải viên Phạm Như Phước, nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, tổ hòa giải hòa giải rất đơn giản. Vì cứ đối chiếu tình tiết sự việc với các quy định trong nội quy, quy ước thì tự mỗi người đã nhận thức được đúng sai để rút kinh nghiệm. Các vụ việc được hòa giải thành công, nhưng quan trọng hơn là qua quá trình hòa giải, tuyên truyền được đến cư dân văn hóa ứng xử. Quá trình hòa giải các vụ việc cư dân cũng dần hiểu ra rằng, những việc làm này đều xuất phát từ quyền lợi chung của cả cộng đồng, trong đó có quyền lợi của chính mỗi cư dân.

“Văn hóa và bí quyết chung sống ở chung cư là sự nhường nhịn nhau. Sự tự do của mỗi cá nhân nằm trong giới hạn bởi tự do của người khác. Mỗi cư dân dựa vào quy tắc ứng xử chung để tự ý thức và điều chỉnh hành vi ứng xử của mình cho phù hợp với lối sống của chung cư, tạo môi trường sống lành mạnh”, hòa giải viên Phạm Như Phước chia sẻ.

Nhận xét thuận lợi của chung cư là có nhiều gia đình trẻ, trình độ nhận thức ở mặt bằng cao - ông Nguyễn Văn Thành (khu đô thị mới Dương Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông) cho biết: Việc tuyên truyền văn hóa ứng xử ở đây được áp dụng rất linh hoạt. Ví dụ, với hai bộ Quy tắc ứng xử, các cư dân có thể đã được phổ biến chủ yếu ở nơi làm việc, nên chúng tôi áp dụng linh hoạt ở những quy định của tòa chung cư. Tập trung vào phổ biến những quy tắc ứng xử nơi công cộng, không gian sinh hoạt chung của cư dân. Các quy tắc ứng xử cũng được lồng ghép trong các tiểu phẩm, tình huống nên khiến cư dẫn dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Không chỉ hướng cư dân có những ứng xử đúng, mà nhiều khu chung cư còn hướng cư dân đến những ứng xử đẹp khác như yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, rèn luyện thể dục, thể thao, làm thiện nguyện… “Từ “chung cư” hiểu đơn giản là “sống chung”. Chung hạ tầng, chung tiện ích, chung cảnh quan, môi trường… Nhưng với nỗ lực của tổ dân phố, của ban quản trị, của các chi hội và đặc biệt là của các cô bác hòa giải viên, cư dân chúng tôi không chỉ đơn giản là “sống chung” nữa mà còn có sự kết nối, gắn bó thân thiết. Cái “chung” được mở rộng ra nhiều hơn, chung những quan tâm, chung những thương yêu, chung những ứng xử đẹp, chung tay nỗ lực cố gắng từ những việc làm rất nhỏ như giữ gìn vệ sinh chung, tôn trọng khoảng không gian chung, khoảng không gian riêng của mỗi người”…, chị Bùi Thị Huệ, cư dân chung cư Ecohome 1, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ.

Dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhưng những ứng xử ở chung cư đang ngày càng trở nên đẹp hơn - Đó là cảm nhận không chỉ của riêng chị Bùi Thị Huệ mà còn là chia sẻ của rất nhiều cư dân ở các khu chung cư của TP Hà Nội. Và đó cũng là động lực của các cô bác hòa giải viên trong hành trình xây dựng, giữ gìn văn hóa. Để rồi cùng nhau, cùng xây dựng nên những khu chung cư đáng sống trong một TP hòa bình, ngàn năm văn hiến…

Tính đến hết năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 745 tòa nhà chung cư thương mại, trong đó có 137 nhà chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005. Dự kiến đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 181 dự án với tổng diện tích 1,2 triệu m2

(Còn nữa)

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-vac-tu-va-va-hanh-trinh-giu-gin-van-hoa-ky-3-hinh-thanh-van-hoa-chung-cu-158454.html