Người Vân Kiều, Pa Kô vững bước đi tới tương lai

Trong quá trình bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ và đem hết sức lực, trí tuệ cống hiến cho Tổ quốc. Từ trong chiến tranh, người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô kiên cường, dũng cảm đứng lên cùng cả nước quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Đến thời kỳ đổi mới, dấu ấn của những người con mang họ Bác Hồ được thể hiện rõ nét trong sự nỗ lực không ngừng để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch…

 Xã Linh Trường, Gio Linh khởi sắc từng ngày - Ảnh: M.Đ

Xã Linh Trường, Gio Linh khởi sắc từng ngày - Ảnh: M.Đ

Để xứng đáng được mang họ của Bác, người đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị đã nỗ lực khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để hình thành những vùng chuyên canh trồng cây cà phê, cao su, sắn, chuối, trồng rừng…; xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả cao.

Anh Hồ Văn Băng, Chủ tịch UBND xã Ba Tầng (Hướng Hóa) cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, trong đó chú trọng tập trung phát triển cây sắn, xem đây là cây trồng thế mạnh. Trên cơ sở đó, xã đã chủ động liên kết với Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và thu mua sắn, từ đó, người dân mạnh dạn đầu tư phát triển cây sắn để tăng thu nhập. Hằng năm, toàn xã trồng hơn 550 ha sắn, năng suất bình quân đạt khoảng 17 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 9.350 tấn. Bên cạnh cây sắn, xã Ba Tầng khuyến khích người dân trồng cây bời lời với diện tích 50 ha, cây chuối 35 ha, cây tràm 140 ha, cây cao su 15 ha, cây cà phê 40 ha..., mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Về miền Tây Gio Linh và Vĩnh Linh, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nhiều tấm gương người Vân Kiều làm giàu từ trồng rừng, trồng cao su, hồ tiêu... Anh Hồ Văn Hầu, Chủ tịch UBND xã Linh Trường (Gio Linh) chia sẻ: “Thế mạnh của xã Linh Trường là phát triển kinh tế rừng. Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn xã có khoảng 16.320 ha, trong đó, đất rừng phòng hộ có diện tích khoảng 11.960 ha, đất rừng sản xuất khoảng 4.360 ha; tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 60%. Với sự quan tâm đầu tư bảo vệ, chăm sóc và phát triển, rừng đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng.

Năm 2021, xã Linh Trường đã trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác được gần 800 ha; đồng thời tiếp tục vận động người trồng rừng chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ dăm qua mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC. Ngoài thế mạnh về trồng rừng, xã Linh Trường chú trọng phát triển cây cao su với diện tích 620,23 ha, trong đó đưa vào khai thác 578 ha và phát triển nhiều loại cây trồng khác; đẩy mạnh phát triển hiệu quả chăn nuôi, từ đó đã nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tếxã hội của địa phương”.

Dấu ấn của người Vân Kiều, Pa Kô còn được thể hiện rõ trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua việc tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất, đóng góp tiền, ngày công để xây dựng nhiều công trình, thiết chế văn hóa, làm đường giao thông nông thôn… Nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến tích cực trong xây dựng nông thôn mới, với nhiều kết quả đạt được đáng ghi nhận, trong đó, có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới. Anh Nguyễn Văn Thao, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà cho biết, Vĩnh Hà là một trong 3 xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Vĩnh Linh.

Với sự quan tâm của cấp trên, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Vĩnh Hà đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành 19/19 tiêu chí, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Từ xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt xã Vĩnh Hà đã có nhiều khởi sắc; đời sống người dân được nâng lên, với thu nhập bình quân đầu người toàn xã đã đạt 37,1 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,9%; có 98% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 5/5 thôn bản đạt danh hiệu đơn vị văn hóa…

Hiện nay, tình hình miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh có bước chuyển biến tích cực, tiến bộ vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh cho biết, công tác dân tộc, chính sách dân tộc luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. Tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có bước phát triển, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tiềm năng, lợi thế được khai thác, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 100% xã, thôn bản có điện lưới quốc gia; 98,7% hộ sử dụng điện; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 77% thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% xã có trường tiểu học, 75% xã có trường trung học cơ sở, 38 trường đạt chuẩn quốc gia; tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 95%, bậc THCS đạt 96%; tỉ lệ xã có nhà văn hóa là 40,4%; tỉ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 88%; chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ hôm nay, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đang nỗ lực, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=170119&title=nguoi-van-kieu-pa-ko-vung-buoc-di-toi-tuong-lai