Người về mùa xuân

Những ngày này, bà Mai luôn có cảm giác ran ran nơi lồng ngực, vừa như hồi hộp, vừa như âu lo điều gì mà chính bà cũng không thể gọi thành tên. Cảm giác ấy làm cho bà không tĩnh tâm nổi, mặc dù mọi việc lớn bé trong nhà vẫn được bà sắp đặt đâu ra đó.

Đã giáp Tết, thị trấn xôn xao, nao nức trong tiết lạnh giá mà đào và quất vẫn bừng lên. Không khí ấy càng khiến bà Mai chộn rộn, đứng ngồi không yên. Cách đây mấy hôm, con trai bà gọi điện báo Tết này được đơn vị cho về quê ăn Tết. Đó là niềm vui lớn nhất của bà, đã 4 năm nay Kiên không về Tết rồi. Tin vui là vậy, nhưng còn cảm giác gì làm bà không yên? Thấy vợ như bồn chồn mãi, ông Trung lên tiếng:

- Bà cứ như người đang trông ngóng điều gì. Ba mươi thằng Kiên mới về cơ mà.

- Tôi biết rồi, chỉ là tiết xuân năm nay về sớm hơn nên lòng người chắc cũng vì thế mà xáo động.

Là nói như vậy thôi, chứ cả ông Trung và bà Mai đều hiểu trong lòng họ còn một điều gì không rõ, khó gọi được thành tên. Có lẽ, bởi lời hẹn sẽ về vào mùa xuân của thằng Kiên vô tình gợi nhắc lời hẹn xa xưa của một người lính khác, mà trong tâm tưởng cả bà Mai và ông Trung chưa bao giờ nguôi ngoai.

***

Ngày ấy, trên bản Luông xa xôi, nơi đơn vị Trung đóng quân tiếp giáp với biên giới nước bạn, trong đêm Giao thừa, Trung cùng đồng đội đi tuần tra. Rừng khuya lạnh thấu xương, đêm tối mù mịt, không gian yên tĩnh đến mức nghe thấy tiếng giọt sương rơi. Nỗi nhớ nhà khiến cho hai người xích lại gần nhau hơn.

Minh họa: TÔ NGỌC.

Minh họa: TÔ NGỌC.

- Giờ này ở quê chắc gia đình tớ đang sửa soạn đón Giao thừa rồi. Ở đây vắng quá, không được ngửi mùi nhang ngày Tết. Từ nhỏ tớ rất thích mùi này, nó gợi không khí ấm áp, náo nức.

Trung lên tiếng phá vỡ sự im lặng của đêm và để cho đường tuần tra ngắn lại. Cách đó vài bước chân, Khải cũng đang quặn lòng nhớ người vợ mới cưới được hai tháng.

- Nếu giờ này ở nhà, tớ sẽ đưa vợ sang nhà ngoại chơi, mới về nhà chồng hẳn là cô ấy rất nhớ nhà, đặc biệt trong ngày Tết như thế này.

Đêm nay núi rừng cũng như thao thức để đón đợi thời khắc chuyển giao của đất trời. Hai người lính đi trong khoảnh khắc Giao thừa, như thể từ năm cũ họ bước sang năm mới. Ý nghĩ ấy làm Trung vui hơn, liền quay sang an ủi bạn:

- Chắc cô ấy cũng hiểu cho cánh lính bọn mình. Biên giới cần tăng cường, hầu hết các anh em trong đơn vị đều không được về...

- Tớ hiểu chứ, đất nước vừa đổi mới mấy năm, còn biết bao gian khó. Những nơi biên viễn thế này cần phải được chú trọng hơn, bình yên bờ cõi mới mong bình yên được quê hương. Mà đón xuân ở biên giới thế này cũng ý nghĩa lắm chứ...

Chưa bao giờ Trung thấy Khải nói nhiều và nói hay như vậy. Có lẽ, trong thời khắc đặc biệt ấy, Khải còn muốn thổ lộ lòng mình với không chỉ riêng Trung.

Những ngày Tết nơi biên giới năm ấy, đơn vị của Trung được đồng bào làm bánh chưng gửi tặng. Mặc dù bà con còn nhiều khó khăn nhưng họ yêu mến bộ đội. Sự có mặt của bộ đội làm cho bà con yên tâm sinh sống, khai khẩn đất hoang để trồng trọt, gây dựng cuộc sống mới. Những ngày Tết, bà con say sưa trong lễ hội cổ truyền. Cả một năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", Tết là dịp để họ quên hết mọi khó khăn; để được sống hết mình với phong tục, bản sắc của dân tộc mình. Những sinh hoạt cộng đồng trong dịp này sẽ gắn kết bà con dân bản với nhau hơn. Còn với bộ đội, Tết lại là lúc cần phải đề cao cảnh giác, không được lơ là chủ quan. Bảo đảm bình yên cho bà con ăn Tết là nhiệm vụ của mỗi người lính đã được quán triệt.

Trong lúc xuống thăm bà con, Khải phát hiện hai anh em nhà A Lềnh và A Tảo không có mặt cùng bà con tham gia lễ hội. Đây cũng chính là hai đối tượng gần đây bị bà con phát hiện có những dấu hiệu đáng ngờ. Ngày mùa không thấy hai nhà này thu về lúa ngô, mặc dù họ cũng đi tìm đất phát rẫy làm nương. Nương của nhà A Lềnh và A Tảo ở xa nhất trong bản nên chưa ai đặt chân đến. Trước Tết, nhà A Lềnh còn xuất hiện những vị khách lạ mặt, cố tình tránh mặt bà con và khi bộ đội xuống bản tìm hiểu thì họ đã đi rồi.

Báo cáo tình hình đơn vị xong, Khải và Trung nhận nhiệm vụ cắt rừng đi theo hướng nương nhà họ Tráng để nắm rõ thực hư. Núi rừng mùa xuân muôn sắc hoa rực rỡ đua nở. Trong cái lạnh như cắt da, những sắc hoa vẫn bừng lên một sức sống mãnh liệt như chính vùng đất hoang vu này đang ngày một đông đúc, ngày một sinh sôi. Vượt qua mấy ngọn núi cao và những con suối cạn, cuối cùng Khải và Trung cũng tìm ra lối vào nương nhà họ Tráng. Hai người sững sờ nhìn nhau khi hiện ra trước mắt họ là rực rỡ những sắc hoa anh túc đang ngạo nghễ khoe mình trong tiết xuân. Cả một thung lũng trồng thứ cây đẹp ma mị nhưng lại tiềm ẩn bao nhiêu nguy cơ cho vùng đất tưởng như đang hồi sinh sau chiến tranh này. Khi Khải và Trung đang có ý định quay về đơn vị báo cáo tình hình thì anh em nhà họ Tráng xuất hiện cùng với nhóm người lạ. Khải lên tiếng:

- A Lềnh, A Tảo, sao biết anh túc là giống cây đã bị cấm trồng mà các anh lại vi phạm? Các anh có biết anh túc sẽ gây hại cho chính các anh và người thân như thế nào không?

- Bộ đội à, trồng lúa, trồng ngô mãi không giàu được đâu à, đổi sang loại này mới mong đổi đời được! - A Lềnh giả bộ giải thích.

- Không thể vì lợi ích trước mắt mà vi phạm pháp luật như vậy. Mọi người theo tôi về đồn biên phòng làm việc đi, chúng ta phải hủy nương anh túc này!

- Bộ đội không làm khó bọn ta, bọn ta sẽ không làm khó bộ đội đâu. Bọn ta còn chia lợi nhuận cho bộ đội nữa...

Đôi mắt cương nghị của Khải khiến nhóm người nhìn nhau. Khi biết không thể thay đổi được ý chí của hai người lính, nhóm người không ai bảo ai, cùng lấy trong người ra dao và gậy, vây thành vòng tròn quanh hai người lính. Khải quay sang Trung nói nhỏ:

- Tớ sẽ đánh lạc hướng bọn chúng. Khi có cơ hội thoát khỏi vòng vây, cậu phải lập tức về đơn vị báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo. Bằng mọi giá cậu phải thoát được nhé. Nếu tớ không về được, cậu phải tìm Mai, giúp tớ chăm sóc cô ấy...

Rồi Khải quay sang nhóm người kia:

- Vào lán kia rồi chúng ta bàn bạc kỹ.

Nhóm người từ từ hạ vũ khí nhìn về hướng Khải chỉ. Ngay lập tức, Khải đẩy Trung:

- Chạy đi!

Trung hiểu không còn cách nào khác khi Khải đã lựa chọn. Trung cắn răng chạy đi trong tiếng hò hét, tiếng súng yểm trợ của Khải, tiếng hậm hự va chạm dao gậy.

***

Bộ đội Biên phòng đã triệt phá được đường dây trồng và buôn bán thuốc phiện lớn nhất khu vực vùng núi phía Bắc. Những kẻ vi phạm lần lượt bị bắt nhưng nơi Khải nằm thì đã không còn dấu vết, bởi một trận sạt lở đã xảy ra vào đúng những ngày mùa xuân năm ấy. Cuộc sống của đồng bào bản Luông ngày một phát triển, ấm no sau khi đã dẹp bỏ được hoàn toàn cây thuốc phiện. Nhiều năm sau, trong những ngày đầu xuân hay những lễ hội, họ vẫn nhắc mãi không quên người lính đã hy sinh cho cuộc sống của họ được bình yên, cho mùa xuân nơi đây không còn loài hoa mang vẻ đẹp chết người.

Trung về quê thăm gia đình Khải, câu nói duy nhất Mai nói được khi gặp đồng đội của chồng là: “Khi đi anh ấy hẹn sẽ về vào mùa xuân...”. Hình ảnh Mai cùng câu nói ấy chạm khắc vào lòng Trung một niềm day dứt khôn nguôi, Trung không dám nói ra câu nói gửi gắm sau cùng của Khải. Bố mẹ Khải nhận Trung làm con trai. Sau 4 năm đi lại thân tình gắn bó, nhận ra được tình cảm của Trung, bố mẹ Khải đã khuyên Mai đến với Trung. Sự gần gũi chân tình của người lính, người đồng đội của Khải đã cảm động Mai, rồi họ đến với nhau như thể có một sự khuyến khích, run rủi của Khải nữa.

Trung bị thương trong một lần vây bắt tội phạm vượt biên giới trái phép nên anh về nghỉ chế độ sớm. Kiên lớn lên trong niềm ước mong được trở thành bộ đội như bố. Những câu chuyện về biên giới, bản làng đã thu hút chàng trai trẻ. Mai có ý cản con trai vì những mất mát cô đã trải qua, nhưng Mai cũng hiểu rằng, mơ ước trở thành người lính là hình ảnh đẹp đẽ nhất của một người đàn ông.

Chiều 29 Tết, Kiên gọi điện về nhà thông báo năm nay đơn vị nghỉ Tết muộn vì ở lại giúp đỡ bà con miền núi vượt qua hậu quả của cơn lũ do những trận mưa lớn thất thường trái mùa gây ra trong những ngày cuối tháng Chạp vừa rồi. Lòng Mai như có lửa đốt, cảm giác ấy lây sang cả Trung hay bởi ngay khi nghe con nói có sạt lở ở trên đó, Trung cũng đã thầm nhớ lại trận lở núi của 30 năm trước...

Giao thừa đến gần, mùi nhang vấn vít lan tỏa trong không gian đượm sắc xuân. Thông tin thời tiết buổi tối báo về miền núi đã ngớt mưa, nhưng vẫn có nguy cơ sạt lở. Trên tấm bản đồ vùng núi phía Bắc được ti vi phóng to, Trung hình dung ra khu vực bản Luông với những ký hiệu sạt lở. Khoảnh khắc Giao thừa đến, Trung thấy rõ bước chân của mình và của Khải 30 năm trước bước đi qua thời khắc chuyển giao... Điện thoại đổ chuông khiến cả Mai và Trung giật mình. Là của Kiên, ông Trung thấy tim mình đập dồn dập.

- Bố ơi, nơi bố đóng quân ngày trước có phải ở bản Luông? Đơn vị con sáng nay nhận nhiệm vụ thông đường do sạt lở và đã phát hiện một hài cốt, có thể là của liệt sĩ bố ạ. Bên cạnh bộ hài cốt có một ngôi sao được làm từ mảnh thiếc, mặt sau ngôi sao khắc chữ K & M.

- Con nói sao, K & M! - ông Trung thốt lên như lạc cả giọng.

Bà Mai ngồi bên cạnh chồng vịn tay vào thành ghế. Hai người nhìn nhau, ngay lập tức họ hiểu điều gì vừa xảy đến. Có lẽ Khải đã về và báo trước cho hai người biết rằng Khải sẽ về vào mùa xuân năm nay.

Sáng mồng Một, ông Trung và bà Mai gọi xe để ngược lên biên giới. Không khí xuân tràn ngập khắp chặng đường họ đi qua. Ông Trung đã liên lạc với đơn vị cũ, mùa xuân năm nay những người lính ở đồn biên phòng bản Luông năm đó sẽ cùng Khải đón Tết với đồng bào bản Luông lần nữa.

Truyện ngắn của HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nguoi-ve-mua-xuan-650431