Người vẽ tình yêu với thành phố Hải Dương

Họa sĩ Đặng Thành Long không phải người gốc Hải Dương, nhưng lại gắn bó và dành tình yêu sâu sắc với mảnh đất này, truyền cả vào những bức tranh do ông vẽ.

Họa sĩ Đặng Thành Long với bộ tranh Thị xã Hải Dương xưa

Họa sĩ Đặng Thành Long với bộ tranh Thị xã Hải Dương xưa

"Hải Dương là quê hương thứ 2 của tôi, vì vậy tôi muốn lưu lại chút gì có ý nghĩa với thành phố cũng như mong muốn gửi chút tấm lòng của người làm nghệ thuật cho mai sau", họa sĩ Đặng Thành Long từng tâm sự như vậy.

Sinh ra ở Nam Định, nhưng họa sĩ Đặng Thành Long gắn bó với Hải Dương. Anh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương. Anh thành danh ở mảng điêu khắc với các tác phẩm nổi tiếng như: Hạnh phúc người lính, Ký ức Biển Đông, Đợi, Mẫu tử… Anh đã đoạt rất nhiều giải thưởng về mỹ thuật của các địa phương, bộ, ngành, Trung ương và từng 3 lần đoạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Côn Sơn vào các năm 2005, 2010 và 2015.

Ngoài điêu khắc, anh còn sáng tác nhiều thể loại gồm: tranh bột màu, tranh sơn dầu, tranh trên chất liệu gốm sứ, tranh bộ...

Có thể kể đến những tranh bộ nổi tiếng của anh như Chủ tịch Hồ Chí Minh 79 mùa xuân gồm 79 tranh được vẽ trên gốm sứ; Bát Tràng làng gốm gồm 22 tranh bột màu, được in thành tập do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc phát hành năm 2019; bộ tranh gồm 23 tranh…

Đặc biệt, anh thành công với các tranh vẽ về TP Hải Dương, nổi bật là bộ tranh Thị xã Hải Dương xưa được hoàn thành vào năm 2016, đã được tặng cho Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Bộ tranh đang được trưng bày tại Nhà gốm sứ của Bảo tàng tỉnh gồm 21 tấm gốm sứ ghép lại, mỗi tấm rộng 30 cm, cao 60 cm, tổng chiều dài bộ tranh là 6,3 m.

Bộ tranh Thị xã Hải Dương xưa được vẽ tỉ mỉ, công phu với nhiều chi tiết là điểm nhấn của thị xã Hải Dương xưa và TP Hải Dương nay. Tranh lấy bối cảnh thị xã Hải Dương trước năm 1954, được họa sĩ chọn thể hiện từ cầu Cất đến cầu Phú Lương, bố cục làm 3 khu vực: 2 khu vực xung quanh gồm đoạn từ cầu Cất đến quảng trường Thống Nhất; từ đầu phố Tam Giang đến cầu Phú Lương và khu vực trung tâm thị xã. 2 khu vực xung quanh thị xã khi đó chủ yếu là cánh đồng lúa, bến thuyền và vạn chài… Khu vực trung tâm thị xã từ quảng trường Thống Nhất (hiện nay) đến đầu phố Tam Giang được thể hiện chi tiết với khung cảnh trên bến, dưới thuyền dọc bờ sông Sặt, cảnh sinh hoạt mua bán tấp nập dọc bến sông (nay là đường Bạch Đằng). Chạy dọc bờ sông từ quảng trường Thống Nhất đến phố Tam Giang là các nhà biệt thự cổ, quán Hoa Kiều, miếu ven sông xen lẫn với nhà và quán hàng. Khu vực phía trong nội thị là các phố được gắn với nghề nghiệp thủ công: Hàng Đồng, Hàng Lọng, Hàng Bạc… nay là các phố: Tuy An, Đồng Xuân, Xuân Đài, chợ Lớn nay là chợ Phú Yên, khu vực ngã tư Đông Thị … Toàn bộ đều được miêu tả chi tiết, sinh động, sát thực tế, đưa người xem trở về những tháng năm xưa.

Để thực hiện bộ tranh này, họa sĩ Đặng Thành Long đã dành hơn 1 năm vừa vẽ vừa đi thực địa, nghiên cứu tài liệu, hình ảnh thị xã xưa, tìm đến những người gắn bó lâu năm với thành phố. Anh đã dành thời gian trao đổi, tìm hiểu qua nhiều "pho sử sống" như ông Đặng Duy Dần trên 80 tuổi ở phố Hoàng Văn Thụ; anh em ông Tử Anh, Tử Hùng từng là chủ quán cà phê Đà Lạt ở phố Trần Bình Trọng ... Anh đã đi lại thực địa nhiều lần, vẽ đi vẽ lại, tìm hiểu chi tiết, tìm lại các điểm nhấn để tạo nên hồn cốt chân thực cho bộ tranh.

Một phần trong bộ tranh Thị xã Hải Dương xưa

Một phần trong bộ tranh Thị xã Hải Dương xưa

Ngoài thời gian, để thực hiện bộ tranh này họa sĩ Đặng Thành Long còn tốn nhiều tiền bạc nhưng khi được hỏi tại sao anh lại hiến tặng cho bảo tàng, anh tâm sự: "Tôi không phải người gốc Hải Dương, quê tôi ở Nam Định. Tuy nhiên Hải Dương thân thương gắn bó với gia đình tôi và cả quãng đời thanh xuân và sự nghiệp của tôi". Với anh, Hải Dương là quê hương thứ 2 với đầy ắp yêu thương và những kỷ niệm. Do đó, anh đã vẽ nhiều về TP Hải Dương bằng nhiều chất liệu: bột mầu, sơn dầu, lụa…

Họa sĩ Nguyễn Tiến Quân, Trưởng Ban Mỹ thuật, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhận xét bộ tác phẩm Thị xã Hải Dương xưa đã thể hiện trang sử Hải Dương xưa bằng ngôn ngữ tạo hình, với nội dung và hình thức cô đọng có ý nghĩa về mặt lịch sử trong tiến trình phát triển đô thị Hải Dương.

THIỆN TÍN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguoi-ve-tinh-yeu-voi-thanh-pho-hai-duong-376824.html