Người về từ Paris
Trong suốt hành trình bôn ba thế giới, dù định cư ở Pháp nhưng họa sĩ Vincent Monluc luôn cháy bỏng khao khát trở về quê hương vẽ tranh. Ở tuổi thất thập, ông vẫn đang thực hiện những chuyến du ký họa khắp mọi miền… và sống trọn vẹn cho tình yêu Việt Nam.
Ngắm Việt Nam bằng tranh vẽ
Tôi gặp họa sĩ Pháp gốc Việt Vincent Monluc khi ông vừa trở về sau hành trình dài trên chặng đường hành hương Santiago de Compostela từ Pháp sang Tây Ban Nha. Trong suốt 50 ngày đi bộ 800km, ông đã vẽ được hơn 100 bức họa về cảnh vật, con người và dấu tích lịch sử trên đường hành hương nổi tiếng thế giới.
- Ở tuổi 71, sức khỏe của ông vẫn rất dẻo dai để làm được điều lớn lao như vậy? - Tôi hỏi.
Ông cười, buông một câu nhẹ nhàng: “Tôi mang theo niềm tin chinh phục, mọi thứ đều bỏ lại phía sau”.
Sau chuyến hành hương, họa sĩ Vincent Monluc quay trở lại TP Hồ Chí Minh để thực hiện những dự án hội họa của mình. Ông đã về Việt Nam 4 năm nay và còn nhiều lưu luyến ở quê hương này, nơi mà những năm tháng tuổi thơ, ông sống với mẹ và em gái tại khu Tân Định – Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh).
Vincent Monluc kể, ông sinh ra tại Sài Gòn và chưa một lần biết mặt cha của mình. Cho đến một ngày, mẹ tiết lộ cho ông biết cha là người Pháp. Năm 1964, khi vừa tròn 11 tuổi, người mẹ đưa Vincent Monluc lên tàu viễn dương rời Việt Nam đến Marseille để đoàn tụ với cha, sau 21 ngày lênh đênh trên con tàu vượt đại dương.
Gặp cha nhưng Vincent Monluc không sống cùng mà được cha gửi vào một trường dòng, mỗi năm về thăm nhà vài lần. Tự lập từ bé đã tạo nên một Vincent Monluc ý chí hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa. Ngày ấy, cậu thích ăn kẹo nhưng không có tiền và thế là cậu nghĩ ra cách bán các bản vẽ của mình cho bạn học. Những tranh vẽ nguệch ngoạc, vô tư và say mê của cậu bé rồi cũng đến tai nhà trường. Cha trong trường dòng cho Vincent Monluc đạo cụ để có thể thỏa thích vẽ bất cứ điều gì cậu muốn nhưng với điều kiện “không được mang đi kinh doanh”. Cha còn giới thiệu Vincent Monluc với gia đình một số bạn cùng lớp để vào cuối tuần, cậu có thể về nhà các bạn chơi. Cứ thế, Vincent Monluc đã nhận được một sự giáo dục theo truyền thống Pháp thuần khiết, phép tắc nghiêm ngặt cùng rất nhiều tình yêu và sự tôn trọng.
20 tuổi, Vincent Monluc bắt đầu vẽ trực họa phong cảnh nước Pháp bằng màu nước bán cho khách du lịch để kiếm sống, trang trải chi phí học đại học. Bằng nỗ lực của bản thân, Vincent Monluc đã tốt nghiệp về nghệ thuật tạo hình tại Trường Đại học Bordeaux Montaigne. Trong thời gian học tập, cậu còn miệt mài nghiên cứu lịch sử mỹ thuật từ cổ đại đến hiện đại, đi thăm nhiều bảo tàng mỹ thuật quan trọng ở Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha), Amsterdam (Hà Lan), Florence (Italy), Luân Đôn (Anh)...
Vincent Monluc đã tạo được một sự nghiệp mỹ thuật ở Pháp. Ông tiếp tục theo học Khoa Hoạt hình của Trường Quốc gia về Nghệ thuật trang trí ở Paris. Bộ phim hoạt hình ngắn đầu tay của Vincent Monluc đã được trao giải thưởng lớn của Ban giám khảo tại Liên hoan phim hoạt hình quốc gia Pháp năm 1983.
Năm 1994, một nhà sản xuất người Pháp mời Vincent Monluc lập một studio phim hoạt hình 2D ở TP Hồ Chí Minh. Đây là một yêu cầu vô cùng khó khăn, bởi một họa sĩ dù vẽ tốt đến mấy cũng vẫn cần ít nhất 5 năm để học nghề, thành thạo với quy trình và kỹ thuật liên quan đến tạo hình và sản xuất phim hoạt hình. Nhưng Vincent Monluc vẫn nhận lời, vì nơi đó là Việt Nam, quê hương của ông.
Năm 1994, tròn 30 năm sau khi rời Việt Nam sang Pháp, Vincent Monluc quay trở về quê mẹ, mang theo động lực muốn giúp tạo nên ngành công nghiệp phim hoạt hình ở Việt Nam, đem lại việc làm cho nhiều người. Tuy nhiên, vô số những thăng trầm đã đến với công việc này, một lĩnh vực rất mới mẻ và lạ lẫm bởi khi đó, công nghệ thông tin ở Việt Nam còn chưa phát triển. Sau 8 năm ở Việt Nam, Vincent Monluc quyết định quay về Pháp và cũng kịp để lại một đội ngũ hơn 140 nhân viên có tay nghề trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình đáp đứng đòi hỏi của một số nhà sản xuất nước ngoài.
Trở lại Pháp nhưng nỗi nhớ Việt Nam chưa bao giờ nguôi trong lòng của Vincent Monluc. Ông còn rất nhiều dự định ở Việt Nam. Năm 2019, khi hai con gái đã trưởng thành và gánh nặng gia đình vơi bớt, Vincent Monluc đã quyết định trở lại quê hương một lần nữa và lần này sẽ không có ràng buộc về thời gian.
Vincent Monluc là người theo đuổi sức hấp dẫn của ánh sáng trong tạo hình và của cuộc sống thường ngày nên Việt Nam là nguồn cảm hứng vô tận đối với ông. Ông cố gắng đến nhiều vùng miền, đi khắp mọi nơi trên đất nước mình, để gần hơn với văn hóa Việt Nam, để vẽ được tâm hồn Việt Nam. “Các bạn họa sĩ nói tôi vẽ phong cảnh và cảnh sinh hoạt ở Việt Nam với một tình yêu chỉn chu và nghiêm túc. Công chúng thì nói họ ít thấy người khác vẽ những cảnh giản dị đời thường như tôi vẽ, cảnh công nhân làm việc trên phố hay cảnh người bán hàng rong trong nắng trưa... Mọi người nhận xét tranh của tôi sống động và chứa đựng nhiều sự chuyển động”, Vincent Monluc chia sẻ.
Giấc mơ quê hương
Dành phần lớn thời gian ở TP Hồ Chí Minh, họa sĩ Vincent Monluc mê đắm những tiếng rao của người bán chiếu, bán hàng rong, mài kéo, mài dao… Đó là những phận người mà ông yêu quý và tôn trọng qua những bức vẽ chân thật. Đó còn là một thành phố hiện đại, sôi động, vội vã, tất bật với cuộc sống thường nhật nhưng ẩn chứa bài học về sự tử tế, về lòng nhân hậu. Nhịp sống ở thành phố cuộn trôi hối hả, ai cũng vội vã, cuộc sống có buồn vui, có trong đục xen giữa mưa nắng giao mùa. Họa sĩ Vincent Monluc nhìn tất cả với thật nhiều cảm xúc.
Ông bảo rằng, để vẽ một bức tranh cuộc sống và con người lao động trên đường phố chằng chéo ngang dọc những dòng xe qua lại, ông đã phải vất vả tìm kiếm tiểm tựa và chỗ đứng cho giá vẽ. Giữa âm thanh xô bồ và ồn ã của tiếng xe chạy, tiếng người nói, người họa sĩ phải giữ cho tâm lắng lại, đứng im, vẽ như quên hết thảy mọi sự xung quanh mình.
Dù ở Pháp từ bé nhưng với vốn tiếng Việt kha khá, họa sĩ Vincent Monluc đã có nhiều lợi thế hơn những họa sĩ nước ngoài khác, khi ông có thể nói chuyện với người dân, có thể nghe được người ta nói. Từ đó, ông hiểu được số phận từng nhân vật trong tranh của mình.
Dù đi rất nhiều nơi vẽ tranh ở nhiều vùng miền nhưng Vincent Monluc luôn có cảm xúc sâu lắng với Hà Nội. Con phố Hà Nội sáng thu vẫn như đang còn mê mải im lìm nối dài giấc mơ, ông vội vã đeo ba lô xuống phố để trọn vẹn đắm mình trong một ban mai trong trẻo tĩnh lặng, phóng khoáng bước chân, thênh thang ánh mắt. Hít một hơi thật sâu, hình như người họa sĩ vừa chạm vào làn hương thơm quyến rũ của hoa sữa. Phố rộn ràng, một dáng tất tả xa xa, một gánh hoa đong đưa chao nhẹ như đang khuấy động khoảng không gian vô hình, rảo nhanh bước chân để thu nó vào tầm mắt, ông đã ngồi sụp xuống đưa những nét vẽ tinh ý đầu tiên.
Nếu tranh về Hà Nội của họa sĩ Vincent Monluc đời thường, bình dị, mộc mạc và rất “duyên” thì Hội An (Quảng Nam) lại là những gì cổ kính nhất, mộc mạc nhất của một không gian Việt Nam với con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo nối đuôi nhau chạy dài như bất tận. “Những lúc về Hội An, tôi luôn thèm khát cái ánh nắng hanh hao, cái gió mát dịu nhẹ thổi từ phía sông Thu Bồn. Hội An buổi tối mang trong mình một vẻ đẹp lãng mạn, sâu lắng và bình yên dưới ánh đèn lồng huyền ảo. Ánh sáng của đèn lồng dìu dịu và phảng phất dấu ấn của thời gian xưa cũ. Nó gợi cho tôi nỗi hoài niệm về tuổi thơ, những tháng ngày lang thang trên các con hẻm nhỏ của quê hương Việt Nam”, họa sĩ Vincent Monluc bộc bạch.
Kể từ năm 2020, mỗi khi có thể, họa sĩ Vincent Monluc đã tới Sa Pa, Hà Nội, Huế, Hội An, vùng Tây Nguyên, Côn Đảo... Người ta nói Vincent Monluc đi để vẽ "tâm hồn Việt Nam". Còn ông thì cho rằng, mình vẽ những gì cảm nhận thực tế, bằng góc tiếp cận, bố cục trên mỗi bức tranh. Ông không ngần ngại vẽ những chủ đề mà có thể nhiều họa sĩ Việt Nam thấy "không đẹp" theo kiểu trữ tình hay lãng mạn. Ông cũng tìm kiếm cái thực hơn là cái đẹp thuần túy, song điều đó không ngăn ông vẽ một phong cảnh đẹp hay một ánh sáng đẹp của quê hương mình.
Nhận xét tranh của Vincent Monluc, họa sĩ Hứa Thanh Bình, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh nói rằng: “Ông ấy vẽ màu nước theo cách truyền thống của chất liệu màu và đạt hiệu quả rất tốt. Để có được các tranh màu nước đẹp như vậy, nhất là khi vẽ trực tiếp thì họa sĩ Vincent Monluc phải là người có khả năng hình họa rất vững vàng”.
Còn với TS. Mã Thanh Cao - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nhìn ra được Vincent Monluc là một người vô cùng lạc quan ngay từ lần đầu gặp gỡ. “Nếu như những đường dây điện chằng chịt hay con kênh đầy rác có thể làm một người phiền lòng thì Vincent Monluc lại tìm thấy nét đẹp đặc biệt trong hình ảnh đó. Ông ấy luôn tìm được một góc trời riêng để bộc lộ cảm xúc dù ở bất kì đâu, ông đem vào những bức tranh tình yêu nồng nàn, tha thiết với mảnh đất này”, TS. Mã Thanh Cao chia sẻ.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nguoi-ve-tu-paris-i713388/