Người vi phạm nồng độ cồn bị tạm giữ xe phải trả phí trông giữ bao nhiêu?
Theo quy định hiện hành, người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn có thể bị tạm giữ xe 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ và cá nhân vi phạm phải trả phí trông giữ xe (phí lưu kho).
Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định, tất cả các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông ngoài việc bị xử phạt còn có thể bị tạm giữ xe.
Theo Nghị định 138 /2021/NĐ-CP, chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ được quy định như sau:
Tổ chức, cá nhân vi phạm khi đến nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ không thuộc trường hợp bị tịch thu phải trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian bị tạm giữ;
Tổ chức, cá nhân vi phạm không phải trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện hoặc tổ chức, cá nhân vi phạm được giao giữ, bảo quản phương tiện theo quy định;
Cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện trong trường hợp tự tổ chức lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc tổ chức được cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện thuê để lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện được trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian bị tạm giữ.
Mức chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Việc trả lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.
Người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ, tịch thu thực hiện việc trả lại hoặc chuyển tang vật, phương tiện khi đã có quyết định trả lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc quyết định chuyển tang vật, phương tiện theo trình tự quy định.
Như vậy, người vi phạm bị thu giữ xe do vi phạm nồng độ cồn có trách nhiệm chi trả chi phí lưu kho. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. V ới những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh, thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài nhưng tối đa không quá 30 ngày.
Ngoài ra, theo quy định của Thông tư 85/2019/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Các khoản lệ phí trông giữ phương tiện có sự khác nhau giữa các địa phương.