Người Việt chi hàng chục triệu đồng để lặn biển

Trong những năm gần đây, số lượng người chơi bộ môn lặn biển đang tăng lên nhanh chóng.

Trao đổi với Zing, nhiều người trong giới lặn biển ở Việt Nam nói cộng đồng phát triển mạnh mẽ trong khoảng một năm trở lại đây. Họ sẵn sàng bỏ số tiền khá lớn để theo học khóa đào tạo lặn ngắn ngày. Mặt khác, chi phí mua thiết bị cũng không hề rẻ.

Terry Nguyen, giám đốc một công ty chuyên phân phối và cung cấp thiết bị lặn, nhận xét Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển bộ môn này. Ngoài ra, ngày càng nhiều người Việt Nam dành sự quan tâm đến hệ sinh thái biển. Do đó, phong trào lặn cũng lớn mạnh nhanh chóng.

Khoảng 5 năm trước, các đơn vị cung cấp dịch vụ lặn biển thường chỉ tập trung phục vụ khách nước ngoài. Khách Việt thường chỉ tham gia lặn ống thở (snokerling) hoặc đi bộ dưới biển (sea walking). Đây đều là những loại hình lặn tương đối đơn giản, không cần kinh nghiệm.

"Vài năm gần đây, tôi thấy nhiều người Việt còn bỏ tiền mua du thuyền. Đã có du thuyền, kiểu gì họ cũng tìm đến môn lặn để kết hợp với chuyến nghỉ dưỡng", Terry cho biết.

Anh chia sẻ thêm đã mở công ty được 3 năm, doanh thu qua mỗi năm đều tăng. Ngoài ra, khi trao đổi với các đối tác là trung tâm dạy lặn, Terry được biết lượng học viên đăng ký đang đông hơn hẳn trong 2 năm trở lại đây.

 Ngày càng nhiều người Việt thích lặn biển. Ảnh: Trúc Linh.

Ngày càng nhiều người Việt thích lặn biển. Ảnh: Trúc Linh.

Theo tìm hiểu của Zing, các khóa học lặn thường kéo dài khoảng 3 ngày (cho loại hình freediving - lặn tự do) với học phí khoảng 6 triệu đồng/người. Các trung tâm dạy lặn chủ yếu ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành vùng biển như Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng.

Học viên sẽ có một ngày đầu học lý thuyết và thực hành tại hồ bơi. Buổi học này có thể được tổ chức ở các thành phố như TP.HCM, Hà Nội. Tuy nhiên, 2 buổi học sau sẽ được thực hành ngoài biển. Học viên sẽ di chuyển đến Nha Trang, Phú Quốc hoặc Đà Nẵng để hoàn thành khóa học và lấy chứng chỉ.

"Đa số học viên kết thúc khóa học sẽ sắm riêng một bộ thiết bị gồm chân vịt, ống thở và kính. Mức giá sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ chuyên nghiệp họ hướng tới, dao động 4-50 triệu đồng/bộ.

Những người thích lặn với bình dưỡng khí (scuba diving) sẽ cần đầu tư nhiều thiết bị hơn. Họ thậm chí còn mua tàu riêng để chứa thiết bị và thuận tiện trong việc đi lặn", Võ Trọng Tiến, giáo viên dạy lặn tự do của một câu lạc bộ lặn ở TP.HCM, nói với Zing.

 Một số người có kỹ thuật tốt thường sử dụng thêm đuôi cá khi lặn. Ảnh: Trúc Linh.

Một số người có kỹ thuật tốt thường sử dụng thêm đuôi cá khi lặn. Ảnh: Trúc Linh.

Theo quan sát của anh Tiến, xu hướng lặn biển ở Việt Nam đã bùng nổ từ khi du lịch mở cửa trở lại. Từ đầu năm nay, lượng học viên của anh rơi vào khoảng 20 người/tháng - con số tương đối cao. Trước kia, nhiều người ngần ngại chi số tiền khoảng 6 triệu đồng chỉ để học lặn 3 ngày. Suy nghĩ này đã thay đổi khi sự đam mê tăng lên và mọi người ý thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn trong lúc lặn.

Chỉ cần lướt một vòng trên các diễn đàn lặn, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô gái thướt tha như tiên cá dưới nước. Theo các chuyên gia trong giới lặn biển, loại hình lặn tự do đang là xu thế ngày nay và được nhiều phụ nữ yêu thích.

Ưu điểm của loại hình này là dễ dàng phô diễn những đường nét cơ thể, không bị vướng víu bởi nhiều thiết bị. Do đó, với những người có đam mê chụp ảnh du lịch, lặn tự do là loại hình được quan tâm đặc biệt.

 Lặn tự do là loại hình thu hút nữ giới. Ảnh: Hà Mò.

Lặn tự do là loại hình thu hút nữ giới. Ảnh: Hà Mò.

"Không chỉ mang đến những bức hình đẹp, lặn tự do còn là loại hình dành cho những người thích mạo hiểm, khám phá. Tôi thấy nhiều phụ nữ thường tập yoga và kết hợp với lặn tự do", Terry chia sẻ.

Chung quan điểm, giáo viên lặn Thuận Tiến nói các học viên nữ của anh thích kiểu lặn tự do vì muốn có những bức ảnh đẹp, uyển chuyển dưới nước.

Anh nói: "Họ thường lặn khoảng 10-20 m. Thực ra, phụ nữ lặn tự do nhìn sẽ đẹp hơn. Các bức ảnh dưới nước trông cũng ấn tượng hơn nhiều trên bờ".

Tuy nhiên, lặn tự do không phải loại hình đơn giản. Với Thuận Tiến, anh thích lặn tự do để thử thách khả năng chịu đựng, nâng cao sức khỏe. Thông thường, anh có thể lặn được sâu khoảng hơn 50 m.

Lặn tự do có một nhánh khác được nhiều phụ nữ yêu thích là lặn với đuôi cá (mermaid). Lặn đuôi cá đòi hỏi nhiều sức lực hơn vì các đuôi rất nặng, vướng víu trong việc di chuyển cả trên bờ lẫn dưới nước.

Để có thể lặn uyển chuyển, thướt tha, người lặn cần tập luyện nhiều để làm chủ kỹ thuật. Những người tập yoga có lợi thế hơn khi tham gia lặn đuôi cá bởi họ biết kiểm soát hơi thở và sở hữu thân hình uyển chuyển.

 Người lặn săn bắn cá thường không dùng bình oxy và luôn trang bị vũ khí như súng, lao. Ảnh: Terry Nguyen.

Người lặn săn bắn cá thường không dùng bình oxy và luôn trang bị vũ khí như súng, lao. Ảnh: Terry Nguyen.

Bên cạnh lặn tự do, lặn với bình dưỡng khí cũng là loại hình được nhiều người Việt ưa chuộng. Tại Việt Nam hay nước ngoài, để tham gia bộ môn này, người chơi đều cần chứng chỉ. Trong nhánh của lặn biển còn có lặn săn bắt cá (spearfishing). Đây là bộ môn dành cho những người thích mạo hiểm.

"Hầu như dân lặn bình khí, lặn tự do ở Việt Nam đều trải qua môi trường đào tạo trường lớp bài bản và được cấp bằng. Nếu nói về chuyên nghiệp, tôi nghĩ cũng không được 100%. Tuy nhiên, các bạn đa số có kỹ năng xử lý sự cố dưới nước.

Lặn biển là một môn mạo hiểm nhưng nếu tuân thủ các quy tắc, bạn sẽ an toàn. Tôi chưa gặp nhiều sự cố khi lặn. Dù vậy, tai nạn thường xảy ra với loại hình lặn săn bắn cá, có thể do lặn một mình và không biết được giới hạn bản thân để dừng lại. Có thợ lặn tử vong vì ham bắn con cá to mà quên mất lượng oxy trong phổi mình gần hết", một giáo viên dạy lặn tại Hà Nội, nói.

Thông thường, một khóa học lặn sẽ có giá 6-8 triệu đồng/người, tùy vào trình độ học. Để đạt tới mức độ chuyên nghiệp, bạn phải trải qua ít nhất 3 khóa học. Dù vậy, ít người học đến 3 khóa, trừ những hướng dẫn viên lặn.

Các thiết bị lặn tốt thường được nhập khẩu từ châu Âu hoặc Mỹ nên giá thành sẽ rất cao. Tuy nhiên, nếu so với Thái Lan, giá thành những món đồ này ở Việt Nam vẫn khá "mềm" do hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam) giúp giảm thuế nhập khẩu.

Lặn bình dưỡng khí là loại hình cần đầu tư thiết bị và đắt đỏ nhất. Tuy nhiên, không nhiều cá nhân tự chi tiền mua đồ. Thay vào đó, họ sẽ thuê ở trung tâm lặn. Những người lặn tự do hoặc lặn săn bắn cá thường đầu tư đồ cá nhân. Mức giá có thể cao hoặc thấp tùy nhu cầu chơi.

Anh Tú

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-viet-chi-hang-chuc-trieu-dong-de-lan-bien-post1348306.html