Người Việt còn dễ dãi trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân

Trước thềm Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10, ngày 8-10, tại Đường sách TPHCM, Sở TT-TT TPHCM kết hợp với NXB Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình giao lưu giới thiệu sách Hướng dẫn của Determann về pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ngày nay, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm trong xu thế phát triển của thời đại số, tuy nhiên làm thế nào để nâng cao nhận thức, giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn cũng như hiểu biết pháp luật về bảo vệ dữ liệu nói chung và dữ liệu cá nhân nói riêng vẫn là nội dung được các nhà quản lý, mỗi tổ chức doanh nghiệp, cá nhân không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng.

Đứng trước yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân và việc tuân thủ pháp luật, NXB Thông tin và Truyền thông giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm Hướng dẫn của Determann về pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân của tác giả Lothar Determann.

Tác giả Lothar Determann là giáo sư luật đã làm việc và giảng dạy hơn hai mươi năm trong lĩnh vực bảo mật dữ liệu quốc tế, luật thương mại và sở hữu trí tuệ, luật máy tính, luật Internet… ở Đức, Mỹ. Ông đã có nhiều bài viết và cuốn sách về các lĩnh vực này, qua đó trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về xây dựng, thu thập, bảo vệ, bảo mật và an ninh đối với dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số trước tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ số.

ThS Trần Mạnh Hùng và MC Phương Thảo tại chương trình giao lưu

ThS Trần Mạnh Hùng và MC Phương Thảo tại chương trình giao lưu

Hướng dẫn của Determann về pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân hướng đến đông đảo đối tượng độc giả. Trước tiếng Việt, cuốn sách đã được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới như Trung Quốc, Đức, Hungary, Ý, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Nga, Tây Ban Nha và tiếp tục được xuất bản thêm các thứ tiếng trong thời gian tới.

Ấn phẩm do nhiều người dịch, trong đó ThS Trần Mạnh Hùng và Trương Tấn Dũng là hai người dịch chính. Có mặt tại chương trình giao lưu, ThS Trần Mạnh Hùng chia sẻ vui rằng, trước đây chúng ta nói đến vàng, kim cương; còn bây giờ chúng ta nói nhiều đến data (dữ liệu).

“Trên thế giới hiện nay, bản thân dữ liệu đang được đưa vào khai thác và sử dụng, trở thành lợi thế thương mại rất cao cho các doanh nghiệp, đặc biệt là cho các công ty công nghệ trên thế giới. Đồng thời, các báo cáo của Hoa Kỳ cũng nói rất rõ rằng, bất cứ một cú nhấp chuột nào ở trên mạng cũng được ghi lại và nó trở thành lịch sử trên mạng”, ông Hùng nói thêm.

Cũng theo ThS Trần Mạnh Hùng, dữ liệu cá nhân là tài sản vô hình quý như vậy nhưng đồng thời đây là cũng đối tượng bị xâm hại nhiều nhất trên không gian mạng cũng như bị tấn công mạnh nhất trên thế giới. “Chính vì vậy, bảo vệ dữ liệu trở thành vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam, trong khu vực mà trên toàn thế giới. Điều này đặt ra cho chính phủ của các nước, đặc biệt là Việt Nam, phải có cơ sở pháp lý để bảo vệ dữ liệu cá nhân”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tại chương trình, ThS Trần Mạnh Hùng cho rằng, người Việt Nam vẫn còn dễ dãi trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chỉ đến gần đây, khi Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân được ban hành thì ý thức của người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, mới bắt đầu cao hơn.

QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-viet-con-de-dai-trong-viec-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-post708948.html