'Người Việt đang chọn xe bằng tiêu chuẩn kép?'
Sự tranh cãi xung quanh mẫu xe Trung Quốc được ra mắt gần đây khiến tôi hoài nghi liệu người Việt đang áp đặt tiêu chuẩn kép khi chọn mua ôtô?
Mẫu xe BAIC Beijing X7 vừa ra mắt đang đón nhận nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng. Không chỉ riêng Beijing X7 mà theo tôi thấy, hầu hết ôtô Trung Quốc được bán tại Việt Nam khoảng một, hai năm trở lại đây đều kéo theo những tranh cãi, chủ yếu xoay quanh chất lượng và độ bền của xe.
Tôi không bàn tới việc Beijing X7 nói riêng hay ôtô Trung Quốc nói chung đẹp hay nhiều trang bị, công nghệ ra sao vì những khía cạnh này đã được các trang báo, trang thông tin, mạng xã hội và cả bên phân phối nhắc đến quá nhiều. Điều khiến tôi băn khoăn là phải chăng người dùng Việt đang chọn xe dựa trên tiêu chuẩn kép, đặc biệt với ôtô Trung Quốc?
Tại sao tôi nghĩ vậy? Hãy cùng nhìn lại ý kiến tiêu cực thường được đưa ra nhất khi cộng đồng nhìn nhận một chiếc ôtô Trung Quốc.
"Đẹp, nhiều option, giá rẻ mà không bền, hay hỏng vặt, nhanh mất giá thì cũng chẳng đáng mua".
Bền, ít lỗi vặt, giữ giá, chi phí sử dụng thấp... trước giờ vốn được người dùng Việt ví von là giá trị cốt lõi và nó được quan niệm thường có trên các mẫu xe Nhật như Toyota hay Honda. Bản thân tôi đang đi Mazda CX-5 thì thấy xe Nhật cũng vẫn có lỗi vặt, ví dụ như lỗi gương chiếu hậu.
Vậy xe Toyota có bị chê không? Xin thưa rằng có, thậm chí bị chê nhiều nhất chính bởi cái giá trị cốt lõi ấy, vì ngoài bền với giữ giá ra xe Toyota chẳng có nhiều trang bị, giá bán lại không rẻ. Không ít lần tôi thấy những bình luận với nội dung kiểu như "xe chẳng khác nào thùng tôn di động thế thì mua làm gì?".
Cứ tạm đồng ý rằng xe bền, giá cao mà option nghèo nàn thì không đáng mua. Vậy mua xe gì? Chắc hẳn câu trả lời của nhiều người là xe Hàn, cụ thể hơn là Hyundai và Kia: đẹp, nhiều trang bị so với xe Nhật cùng giá tiền.
Vậy xe Hàn có bền không, có giữ giá không? Vài năm gần đây, xe Hàn bán ngày một tốt hơn tại Việt Nam nhưng chỉ 7, 8 năm trước thôi, xe Hàn cũng bị đặt dấu hỏi lớn về độ bền. Thời điểm đó, rất nhiều ý kiến cho rằng xe Hàn đi vài năm là xuống mã, xuống máy và bán lại mất giá - chẳng khác gì xe Trung Quốc bây giờ.
Nhưng Hyundai hay Kia từng bước thuyết phục người dùng bằng cách đều đặn giới thiệu các mẫu ôtô giá rẻ, thiết kế đẹp, trang bị nhiều để rồi 7, 8 năm sau, người dùng nhận ra rằng xe Hàn cũng không "tã" nhanh như họ nghĩ. Nhờ vậy, xe bán được nhiều hơn, hệ thống đại lý phủ rộng hơn, linh kiện thay thế chính hãng hay mua ngoài cũng dễ kiếm hơn, chi phí bảo dưỡng giảm xuống.
Thứ mà xe Hàn Quốc cần để thuyết phục người dùng là thời gian và tôi thấy xe Trung Quốc bây giờ cũng vậy. Chúng ta nên dành cho xe Trung Quốc thời gian đủ để chứng minh độ bền, chi phí sử dụng và chế độ hậu mãi, đừng vội vã áp đặt quá nhiều sự hoài nghi, thậm chí kết luận luôn một hãng xe hay mẫu xe nào đó không bền khi nó chỉ mới có mặt trên thị trường.
Ngon, bổ, rẻ mà độ bền chưa được kiểm chứng thì không nên mua. Bền nhưng giá không rẻ, option không nhiều cũng không nên mua. Liệu đây có phải tiêu chuẩn kép mà người Việt đang dùng để chọn ôtô không?
Tôi cho rằng nếu có tìm ra được một mẫu xe bán tại Việt Nam đến từ thương hiệu mạnh, bền bỉ, chi phí sử dụng thấp, option nhiều ngang xe sang và giá rẻ thì cuối cùng mẫu xe ấy cũng sẽ bị tìm ra điểm yếu để chê thôi.
Cá nhân tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, ôtô vẫn là một món tài sản lớn và đa số người dùng khi bỏ tiền mua xe đều đã có sự cân nhắc riêng. Với những người thực dụng, họ thấy xe Trung Quốc rẻ, đẹp, nhiều trang bị, phục vụ tốt nhu cầu thì họ mua. Cũng như điện thoại thôi, ai thích bền, ổn định, giữ giá thì chọn iPhone, ai cần cấu hình tương đương, nhiều tính năng nhưng giá rẻ hơn thì mua Xiaomi, OnePlus.
Đừng vội thần thánh hóa xe Trung Quốc nhưng cũng đừng vội kết luận hay áp đặt tiêu chuẩn kép cho xe Trung Quốc và những người mua xe Trung Quốc.
Đây là ý kiến của bạn đọc Hùng Quân. Độc giả có thể chia sẻ ý kiến của mình vào bình luận dưới đây hoặc email về xe@zing.vn
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-viet-dang-chon-xe-bang-tieu-chuan-kep-post1146514.html