Người Việt Nam đang đọc nhiều hơn, có nhiều cách đọc hơn
Hiện nay, người Việt Nam không đọc ít đi mà đang đọc nhiều hơn, nhưng họ có nhiều cách đọc hơn, kể cả cách đọc mà không đọc, tức là hỏi trợ lý ảo... Đây là nhận định của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản năm 2024.
Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 22/3.
Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tặng cờ thi đua cho 9 đơn vị xuất sắc, dẫn đầu trong phong trào thi đua lĩnh vực xuất bản và phát hành năm 2023, trao bằng khen 13 tập thể, 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lĩnh vực xuất bản và phát hành năm 2023. Trong đó, NXB Công an Nhân dân được tặng cờ thi đua; Đại tá Trần Cao Kiều – Giám đốc, Tổng biên tập NXB Công an Nhân dân, Thượng tá Phạm Thị Mỹ Nương Phó Giám đốc NXB Công an Nhân dân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Doanh thu NXB Giáo dục Việt Nam chiếm trên 50% toàn ngành
Báo cáo hoạt động xuất bản năm 2023, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành – ông Nguyễn Nguyên khẳng định các NXB đều nỗ lực, chủ động trong việc giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng. Tuy nhiên, ông Nguyên cũng cho rằng, ngành xuất bản còn nhiều vấn đề. hiện nay cả nước có 57 NXB thuộc 53 cơ quan chủ quản. Trong đó, 48 NXB thuộc Trung ương và 9 NXB thuộc địa phương.
Đáng chú ý, ông Nguyên cho biết, năm 2023, tổng doanh thu toàn ngành đạt trên 4.105 tỷ đồng (tăng 4,98%); nộp ngân sách gần 383,5 tỷ đồng (tăng 8,5%); lợi nhuận (sau thuế) đạt 455,510 tỷ đồng (tăng 8,4%). Trong đó, riêng NXB Giáo dục Việt Nam đã chiếm hơn nửa (trên 2.654 tỷ đồng). Thống kê tổng xuất bản phẩm lưu chiểu năm 2023 cũng cho thấy, trong số 37.487 xuất bản phẩm với 536.179.131 bản/lượt truy cập (giảm 1,4% về xuất bản phẩm và giảm 10,5% về bản/lượt truy cập) thì sách giáo khoa - giáo trình - tham khảo có 10.882 xuất bản phẩm và có số bản in, lượt truy cập đạt 388.012.076. Năng lực sản xuất tính theo tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 5,36 bản xuất bản phẩm (giảm 11%). Trong đó, 3,88 bản là sách giáo khoa, bài tập, giáo viên; 1,48 bản là các loại xuất bản phẩm khác.
Trừ NXB Chính trị quốc gia Sự thật và 1 số đơn vị khác, các đơn vị xuất bản chưa tâm đến công tác truyền thông, chưa khai thác các sách đạt giải đề truyền thông, quảng bá. Các vấn đề sách lậu, thuế, liên kết xuất bản còn nhiều bất cập, đòi hòi phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan để có những giải pháp quyết liệt, triệu để hơn, từ đó bảo vệ và cũng là phát triển thị trường xuất bản.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận về nhiều vấn để, chia sẻ nhiều giải pháp. Chủ tịch Công ty Cổ phần sách Thái Hà – TS Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất, Việt Nam cần có các tập đoàn xuất bản tầm cỡ khu vực và thế giới. Ông Hùng cũng cho rằng, tỷ lệ bình quân gần 6 đầu sách/người Việt Nam hiện nay còn rất thấp, chưa kể tỷ lệ bình quân gần 4 đầu sách là sách giáo khoa, bài tập, giáo viên/ người là con số đáng suy ngẫm.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cần tăng cường hợp tác thúc đẩy thực thi bảo hộ bản quyền sách trong kỷ nguyên số.
Chia sẻ dưới góc nhìn từ một người làm giáo dục và cũng là một người viết sách, TS Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED nhấn mạnh về khát vọng dân trí, doanh trí, giáo trí và sứ mệnh mới của ngành xuất bản. Thông tin về thực trạng phát hành sách trên nền tảng Tiktok, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tiktok cho biết, Tiktok sẽ có các hội thảo hỗ trợ các đơn vị phát hành sách hiệu quả hơn trên nền tảng này....
Tích cực hợp tác với các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra chuyển đổi số, tạo ra không gian mới. Khi có cuộc cách mạng công nghiệp mới thì sẽ xuất hiện những doanh nghiệp mới sử dụng công nghệ mới để làm ra các sản phẩm thay thế ở nhiều ngành. Trong ngành xuất bản xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp mới về công nghệ số, chưa từng làm xuất bản. Để kịp thời thích ứng, ngành xuất bản cần tích cực đổi mới, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, để có những công nghệ xuất sắc. Xuất bản phải hoạt động đồng thời ở hai không gian: Không gian cũ, truyền thống với sự trợ giúp của công nghệ mới sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng; không gian mới sẽ giúp cho phát triển, mở rộng thị trường và phát triển.
“Xuất bản vừa chính trị, vừa văn hóa, vừa kinh tế. Nhuần nhuyễn 3 yếu tố này thì xuất bản sẽ thành công. Chính trị có sự trợ giúp của nhà nước. Văn hóa có sự trợ giúp của nhân dân. Kinh tế có sự trợ giúp của thị trường. Hãy khai thác và kết hợp thật khéo 3 nội dung này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, người Việt Nam không đọc ít đi mà đang đọc nhiều hơn, nhưng họ có nhiều cách đọc hơn, kể cả cách đọc mà không đọc, tức là hỏi trợ lý ảo... Khi có nhiều cách đọc hơn tức là không gian của xuất bản rộng hơn, không gian để sáng tạo cũng vì thế rộng hơn rất nhiều. Xuất bản phải nhìn đến những cách đọc khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp. Độc giả ở đâu thì chúng ta phải đến đó.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, đổi mới, sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của xuất bản. Cần đổi mới sáng tạo về cách làm sách, phân phối sách, mô hình kinh doanh, hợp tác mới. Mỗi NXB phải có một bản sắc riêng. Cần tiếp tục xây dựng nền tảng số cho các NXB, cung cấp các công cụ tự động, thông minh cho người làm sách từ khâu sáng tác, biên tập, giới thiệu truyền thông, phân phối đa nền tảng, thu thập phản hồi của độc giả, phân tích dữ liệu. Nền tảng số mở sẽ thu hút được nhiều nguồn lực để làm sách. Vì thế, xuất bản cần mở rông hợp tác, nhất là các công ty công nghệ…