Người Việt Nam tại Nga không quên tiếng mẹ đẻ
Trong ngôi nhà có một khoảng tường lớn được thiết kế làm giá sách, chị Hồ Thị Xuân (quê Nghệ An) khi có thời gian rảnh lại tranh thủ dạy tiếng Việt cho con mình. Trong sáu đứa con của chị, đứa lớn nhất năm nay 12 tuổi, đứa nhỏ nhất mới hơn một tuổi, cậu anh cả có thể đọc, viết tiếng Việt, và còn có thể dạy những điều vỡ lòng cho các em.
Hơn 10 năm sang Nga sinh sống tại thành phố Voronezh, chị Xuân luôn đau đáu nỗi lo các con không thông thạo tiếng Việt. Chị cố gắng lấp đầy giá sách gia đình bằng những cuốn sách giáo khoa về tiếng Việt, Toán, ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích Việt Nam…
Chị tâm sự, dạy tiếng Việt cho con để con biết về nguồn cội, văn hóa, cũng như lịch sử, con người Việt Nam, và có thể giao tiếp, nói chuyện với người Việt. Mỗi khi về quê hương, các con sẽ thấy gần gũi, thân thương, thấy yêu thêm đất nước, con người Việt Nam mình.
Nhiều em nhỏ Việt Nam tại Voronezh ở độ tuổi đi học đều có thể nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt ở mức khá. Để đạt được kết quả này, theo chị Nguyễn Phương Hoa, Thư ký Hội người Việt Nam tại Voronezh, là nhờ cộng đồng người Việt sống gần nhau, thường xuyên tổ chức các hoạt động chung, như đón Tết cổ truyền, Tết Trung thu, giao lưu văn hóa...
Quan trọng hơn, nhận thức của phụ huynh về trau dồi tiếng Việt cho con em mình đã thay đổi rõ rệt. Không còn vì chợ búa, mưu sinh mà phó mặc con cho trường, lớp, các bố mẹ giờ đã sát sao hơn với con mình, thường xuyên đưa con đến thăm hỏi để gần gũi với cộng đồng. Ngoài việc chủ động dạy con học tiếng Việt, họ cũng nhờ sinh viên hoặc đăng ký cho con theo học tại các lớp học trực tuyến.
Ở nước Nga rộng lớn, không phải khu vực nào người Việt cũng có thể sống gần nhau và có điều kiện thuận lợi để tạo ra môi trường tốt cho con em học tiếng Việt. Ông Nguyễn Đăng Hiền, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok lắng nghe ý kiến từ cộng đồng người Việt Nam ở vùng Viễn Đông (Nga) cho biết, nhiều trẻ trong vùng có bố, mẹ đều là người Việt Nam, song vẫn gặp khó khăn nhất định trong giao tiếp tiếng Việt.
Còn số trẻ chỉ có bố hoặc mẹ là người Việt thì hầu như các em nói tiếng Việt kém, hoặc không biết tiếng Việt. Nhiều em mặc dù được phụ huynh dạy tiếng Việt, song vì không bài bản, cho nên nói tiếng Việt bị ngọng, hoặc không biết đọc, không biết viết. Cộng đồng người Việt Nam tại đây rất mong có những lớp dạy tiếng Việt do các thầy, cô giáo được tập huấn bài bản, có chuyên môn tốt đứng lớp.
Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi nhận định, thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam, các hội đoàn người Việt tại Nga rất nỗ lực thúc đẩy công tác giảng dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng, song kết quả còn khiêm tốn. Đại sứ bày tỏ mong muốn các bộ, ban, ngành trong nước sớm xuất bản bộ giáo trình chuẩn học tiếng Việt, cùng chương trình giảng dạy tiếng Việt trực tuyến, để người dân dễ dàng tiếp cận.
Đại sứ cũng hy vọng quy mô trại hè tại Việt Nam cho con em người Việt Nam ở nước ngoài được mở rộng; các đoàn văn công biểu diễn văn nghệ tại nước ngoài được tổ chức thường xuyên, để động viên bà con học tiếng Việt nhiều hơn. Đại sứ quán Việt Nam tại Nga nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ các hội đoàn tổ chức các lớp giảng dạy tiếng Việt, đồng thời tiếp tục tăng cường triển khai các hoạt động giao lưu văn hóa sử dụng tiếng Việt để đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá tiếng Việt tại Xứ sở Bạch dương.
Nhu cầu cho con trẻ học tiếng Việt đang tăng lên tại Nga. Nhiều bậc phụ huynh dần thay đổi nhận thức, từ yêu cầu đơn giản là trẻ nói được tiếng Việt sang nói được, viết được, hiểu tốt tiếng mẹ đẻ. Bằng cách đó, họ mong muốn thế hệ trẻ cảm nhận rõ những giá trị thiêng liêng của cội nguồn dân tộc, ngôn ngữ dân tộc, cũng như có thể kết nối mọi người, chuẩn bị hành trang tốt nhất vào đời.
Сàng nhiều người Việt ở nước ngoài sử dụng tiếng Việt cũng sẽ giúp phổ biến và quảng bá rộng rãi hơn những nét đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, giá trị Việt Nam, thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguoi-viet-nam-tai-nga-khong-quen-tieng-me-de-post714046.html