Người Việt Nam yêu cờ Tổ quốc mình

'Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới. Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than'. Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp cuối năm 1940. Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh thành lập, trong Chương trình Việt Minh ghi rõ: 'Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ ngôi sao vàng 5 cánh làm quốc kỳ'. Đó là văn bản đầu tiên nói về Quốc kỳ nước ta. Trung tuần tháng 8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh là cờ khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 5/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh quyết định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/3/1946 đã biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hiến pháp năm 1946 ghi nhận từ ngày 9/11/1946: Quốc kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

Tráng ca Ngọn quốc kỳ của thi sỹ Xuân Diệu viết năm đó, sau cuộc cách mạng đổi đời, có đoạn nghe thật hào sảng:

Dân quân du kích dao chen ánh
Giữ lá cờ sao vàng lấp lánh
Cờ như mắt mở thức thâu canh
Như lửa đốt hoài trên đỉnh chốt.
Cờ như nắng ấm mãi luôn luôn
Sưởi khắp lòng ai nghe vắng lạnh
Sớm hôm canh giữ lấy hồn thiêng
Bay mãi trên trời, treo sứ mệnh.

Ngày 2/7/1976, Quốc hội thống nhất sau hiệp thương Tổng tuyển cử năm 1976 xác định đây là Quốc kỳ chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Điều 13, Hiến pháp năm 2013, Quốc kỳ có hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài. Nền màu đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Nền cờ đỏ tượng trưng cho dòng máu đỏ, màu nhiệt huyết cách mạng, màu chiến đấu và chiến thắng. Màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho màu da vàng, tượng trưng cho sự sáng ngời linh hồn dân tộc Việt Nam. 5 cánh sao tượng trưng cho sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân (sỹ, nông, công, thương, binh) cùng nhau chiến đấu giành độc lập, tự do và xây dựng Tổ quốc.

Lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên nóc hầm tướng De Castries trong lòng chảo Điện Biên tháng 5/1954; phất cao trên dinh Tổng thống chính quyền ngụy Sài Gòn ngày 30/4/1975. Những năm đất nước bị chia cắt, năm 1962, bên bờ Bắc cầu Hiền Lương, ta dựng cột cờ 38,6 m. Cờ may bằng xa tanh đỏ, rộng 108 m2. Hằng ngày bên bờ Nam, bà con vẫn nhìn thấy lá cờ nền đỏ sao vàng lộng lẫy tung bay, hiện thân của linh hồn bất diệt của Tổ quốc. Từ năm 1956 đến năm 1967, cột cờ đã bị địch bắn phá 192 lần, trong đó có 62 lần bị máy bay B52 oanh tạc. Trong 2 năm 1967 - 1968, liên tục có những phụ nữ gần như đêm nào cũng phải ngồi vá cờ.

Cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cao 1.700 m Lũng Cú (Hà Giang) bay cao rộng 54 m2 biểu trưng cho sự đoàn kết sắt son của 54 dân tộc anh em. Lá cờ hiên ngang bay trong gió lộng tại các lễ thượng cờ trong các hội họp với bè bạn năm châu bốn biển. Cờ rực đỏ trên vai quàng của các vận động viên huy chương vàng trong các kỳ thi đấu thể thao quốc tế. Cờ đỏ sao vàng rực rỡ đẹp tươi tràn ngập phố xá, làng quê những ngày hội hè, lễ, tết. Nhìn lá cờ thiêng, lòng ta rưng rưng trong nỗi niềm tri ân bao vị tiên liệt anh hùng đã đổ máu đào cho nền độc lập tự do thống nhất của Tổ quốc!

Cờ đỏ sao vàng, nguồn cảm hứng bất tận của nghệ thuật, của thi ca. Trong tiếng nhạc Tiến quân ca hùng tráng mỗi sớm mai thức giấc cùng hình ảnh cờ đỏ vàng sao bay cuồn cuộn trên nền trời xanh của Tổ quốc. Trong thơ Tố Hữu: Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ. Trong bài ca Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi: Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao. Trong khúc hát Nắng Ba Đình của Bùi Công Kỳ: Cờ đỏ sao vàng ôi vĩ đại! Trong khúc quân hành Dưới cờ oai nghiêm sao vàng bay. Trên ngực áo căng nở niềm kiêu hãnh của các chàng trai, cô gái. Trên cặp má bầu bĩnh bụ sữa của các em thơ. Trên tay của triệu triệu con người trong cảm hứng tự hào và tràn ngập tình yêu thương.

Người Việt yêu lá cờ của Tổ quốc mình. Tôi giật mình khi đọc được nhận xét này của Itô Tetsuji - nhà nghiên cứu tâm lý xã hội Nhật Bản trong một cuốn sách của ông sau khi ông đã sống trong một ngõ nhỏ Hà Nội 10 tháng. Ông viết: Không phải dân tộc nào cũng yêu lá cờ của đất nước mình đâu. Lá cờ Nhật có hình mặt trời ở giữa nền trắng đó từng là biểu trưng của chủ nghĩa đế quốc phát xít. Ngay cả tôi, một người thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh cũng mang một tâm trạng hoài nghi với lá quốc kỳ đó.

Người Việt chúng ta nhìn lá cờ Tổ quốc thấy đó là biểu trưng của ý chí quật cường, của lòng yêu nước chân chính, là niềm tự hào chính nghĩa của dân tộc.

Vừ Già Pố, người Mông, quê ở Mèo Vạc (Hà Giang), đi lao động ở Trung Quốc. Hai năm qua bị mất tích. Gần đây nhà cầm quyền Pakistan bắt giữ ông. Thì ra, ông bị lưu lạc gần 7.000 cây số. Nghĩa là, đôi chân ông đi qua cả dải sơn mạch Himalaya, đến tận bang Azad Kashmir thuộc nước Pakistan. Được hỏi: Ông là người nước nào? Vừ Già Pố không biết tiếng nước sở tại, tất nhiên, nên không hiểu họ nói gì, không biết đáp lại thế nào!

Về phía người Pakistan, làm cách nào để biết Vừ Già Pố là ai, là người nước nào bây giờ? Nghĩ ngợi hồi lâu, người Pakistan liền dùng kế: đưa Pố xem các loại cờ và tiền của các nước. Qua các loại cờ và tiền giấy, Pố lắc đầu hoài. Tới lá cờ đỏ sao vàng và tờ tiền có hình Hồ Chủ tịch, Pố reo to: Việt Nam là của tôi! Tôi là của Việt Nam đây rồi!

Không hiểu biết hết từng chi tiết lịch sử oai hùng của lá cờ Tổ quốc, nhưng đồng tiền Việt là biểu hiện cuộc sống vật chất hằng ngày quen thuộc của Vừ Già Pố. Và lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh là hồn thiêng đất nước đã in dấu lâu bền trong tâm khảm ông, một người Mông sống trên vùng cao heo hút tận mãi tỉnh Hà Giang...

Ma Văn Kháng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/nguoi-viet-nam-yeu-co-to-quoc-minh-z8n202004301123599.htm