Người Việt ở Anh lo sợ cảnh sát, không tố giác kẻ buôn người

Các băng đảng buôn người Việt Nam có tổ chức chặt chẽ, hoạt động 'hiệu quả một cách tàn bạo', theo người từng đứng đầu đơn vị chống buôn người của cảnh sát London.

Tháng 1/2018, một nam thanh niên 18 tuổi đang hoảng sợ, chạy tới đồn cảnh sát ở London và nói cậu bị những băng đảng buôn người bắt làm việc ở các trại cần sa khắp thủ đô nước Anh.

Với vốn tiếng Anh ít ỏi, cậu cố gắng giải thích mình đã bị đưa đi từ Việt Nam, qua lục địa châu Âu, trước khi bị đẩy lên thùng xe tải đông lạnh ở Pháp rồi đưa sang Anh để trồng cần sa.

Nhưng thay vì phỏng vấn và coi cậu như nạn nhân của nô lệ hiện đại, cảnh sát đã thông báo cho Bộ Nội vụ Anh, các luật sư cho biết. Cậu bị giới chức nhập cư bắt giữ và đưa đến trung tâm trục xuất người nhập cư Brook House, cho tới khi luật sư từ công ty Duncan Lewis tìm cách cho cậu được tại ngoại.

Một trung tâm giam giữ người nhập cư chuẩn bị trục xuất ở Anh. Ảnh: Reuters.

Một trung tâm giam giữ người nhập cư chuẩn bị trục xuất ở Anh. Ảnh: Reuters.

Nạn nhân buôn người hay nhập cư bất hợp pháp?

Thanh niên này, được gọi bằng tên KQT trong hồ sơ pháp lý, giờ đã kiện cảnh sát London lên tòa án tối cao Anh vì đã không làm tròn trách nhiệm hỗ trợ cho người có khả năng là nạn nhân của buôn bán người, được quy định trong Luật Chống Nô lệ Hiện đại của Anh năm 2015.

Cảnh sát London cho biết sẽ bào chữa vụ kiện, và không bình luận thêm, theo Guardian.

Thế nhưng, luật sư từ công ty Duncan Lewis, ông Ahmed Aydeed, đang đại diện cho KQT cho biết thân chủ của ông là một trong nhiều trường hợp mà cảnh sát đã coi những người bị ép buộc làm nô lệ thời hiện đại là tội phạm, thay vì là nạn nhân.

Ông nói với Guardian rằng cảnh sát đang kêu gọi các nạn nhân hãy tố giác các hành vi bóc lột, nhưng các nạn nhân sợ bị xử lý, nên họ không tố giác. Những kẻ buôn người và vận chuyển người sẽ thoát tội.

Sau vụ 39 người chết trong container lạnh ở Essex vào tuần trước, các điều tra viên đã kêu gọi cộng đồng người Việt nhập cư bất hợp pháp ở Anh “đặt lòng tin” và liên hệ với giới chức. Nhưng ông Aydeed cảnh báo rằng vụ việc của KQT sẽ khiến họ không dám làm vậy.

“Các nạn nhân sẽ không tố giác những kẻ đã buôn bán họ, hoặc hỗ trợ cảnh sát, nếu có hậu quả dành cho họ”, ông Aydeed nói với Guardian. “Những kẻ buôn người nói với họ rằng cảnh sát sẽ chuyển họ cho Bộ Nội vụ và trong nhiều trường hợp, điều đó đã đúng”.

Cảnh tái hiện một trại trồng cần sa và một nạn nhân buôn bán người bị buộc phải làm việc tại đó. Ảnh: Cơ quan Chống Tội phạm Quốc gia Anh.

Cảnh tái hiện một trại trồng cần sa và một nạn nhân buôn bán người bị buộc phải làm việc tại đó. Ảnh: Cơ quan Chống Tội phạm Quốc gia Anh.

Ngày 25/10, cảnh sát Anh cố gắng giải thích rằng nếu những người đang lưu trú bất hợp pháp ở Anh cung cấp thông tin giúp điều tra vụ 39 thi thể, họ “sẽ không bị xử lý hình sự”, đồng thời mọi tin tố giác sẽ được xử lý “theo cách bảo mật nghiêm ngặt nhất”.

Theo Guardian, cảnh sát Essex không giải thích thêm về tuyên bố này. Như vậy, các cơ quan cảnh sát vẫn có thể chuyển bất kỳ người nhập cư nào cho Bộ Nội vụ nếu tin tố giác của họ không liên quan đến vụ Essex. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng bản thân nhiều người nhập cư cũng không tin vào bảo đảm của chính quyền.

Nguy cơ bị trục xuất

Giới chuyên môn phân biệt giữa “người nhập cư” với “nạn nhân bị buôn bán”, tức những người bị vận chuyển (thậm chí mua bán) một cách ép buộc, và “nô lệ hiện đại”, tức những người bị cưỡng bức lao động, bóc lột.

Tương tự, khái niệm đường dây “buôn người” có sự phân biệt giữa những kẻ “vận chuyển di dân” (smuggler) và những kẻ “buôn bán người” (trafficker), tức bao gồm hành vi cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục.

Tuy nhiên, ranh giới giữa những khái niệm này mờ nhạt. Nhiều trường hợp người di cư ban đầu vượt biên một cách tự nguyện, sau rơi vào tay những kẻ buôn bán người và bị ép làm nô lệ hiện đại hoặc bị cưỡng hiếp, ép hành nghề mại dâm.

Theo hướng dẫn đưa ra năm 2018, chính sách của cảnh sát là chia sẻ thông tin với Bộ Nội vụ nếu họ tin rằng một nạn nhân của tội hình sự cũng có thể là một người nhập cư bất hợp pháp.

Luật Chống Nô lệ Hiện đại 2015 quy định những người bị phát hiện trong điều kiện nô lệ hiện đại phải được coi là nạn nhân, thay vì là tội phạm. Nhưng các nạn nhân bị buôn bán vẫn có thể bị giam giữ bởi cơ quan thực thi nhập cư.

Cảnh sát Anh kêu gọi công chúng giúp đỡ nhận dạng các nạn nhân trong container đông lạnh. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát Anh kêu gọi công chúng giúp đỡ nhận dạng các nạn nhân trong container đông lạnh. Ảnh: Reuters.

Những người không bị giam giữ có thể bị trục xuất về Việt Nam, dù nghiên cứu cho thấy điều đó là nguy hiểm, khi có nhiều nạn nhân nhanh chóng bị buôn bán về lại Anh bởi cùng một băng nhóm, theo Guardian.

Guardian dẫn ví dụ về 3 người đàn ông Việt Nam bị nhốt trong hầm trú bom ở Wiltshire vào năm 2017. Họ phải chăm sóc 4.600 cây cần sa trong 20 phòng và ngủ trên sàn nhà. Cảnh sát cho biết “không có nghi ngờ gì” trong việc họ đã bị bắt làm nô lệ. Nhưng họ vẫn bị trục xuất.

Trường hợp khác, Nam (không phải tên thật), vào Anh ở tuổi 12, được cảnh sát giải cứu khi 16 tuổi. Những kẻ buôn người đã đưa cậu qua Anh trên xe tải đông lạnh, và nói cậu nợ chúng 100.000 USD cho chuyến đi sang Anh.

Nam được xác định là nạn nhân của buôn bán người, và được nhận nuôi. Nhưng cậu bị sốc khi nhận thư hai năm trước nói cậu sẽ phải về Việt Nam. “Tôi lo lắng những kẻ buôn người sẽ lại bắt và đưa tôi trở lại đây, lại mạo hiểm tính mạng”, Nam cho biết.

Sau cuộc chiến pháp lý kéo dài, quyết định của Bộ Nội vụ đã bị bác bỏ.

Nam, nay 21 tuổi, cho biết anh gặp ác mộng sau vụ 39 thi thể. “Tôi đặt mình vào hoàn cảnh những người trong xe tải đó. Tôi cũng đã đi theo cách đó. Tôi có thể cảm thấy nỗi tuyệt vọng mà họ cảm thấy ngay trước khi chết. Tôi không thể dừng nghĩ về điều đó”.

Băng đảng tội phạm rất tinh vi

Các tổ chức hoạt động đã đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa nô lệ thời hiện đại và dòng người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh.

Việt Nam là nước đứng thứ hai về số nạn nhân nước ngoài của nô lệ hiện đại ở Anh vào năm 2018, theo National Referral Mechanism, cơ quan nhận dạng và hỗ trợ các nạn nhân buôn bán người. Theo đó, có 702 nạn nhân người Việt, sau Albania (947 người).

Nhưng ông Phil Brewer, từng là người đứng đầu đơn vị chống buôn bán người và bắt cóc của cảnh sát London, cho biết vẫn chưa có đủ nhận thức về cách thức hoạt động có tổ chức và hiệu quả một cách tàn bạo của các băng đảng vận chuyển người.

Các băng đảng tội phạm có tổ chức chặt chẽ, có hệ thống một cách tinh vi nhằm cưỡng ép, kiểm soát, đẩy người di cư vào cảnh lệ thuộc nợ, khiến người di cư phụ thuộc hoàn toàn vào chúng, ông nói với Guardian. “Khó khăn lớn của cảnh sát là những kẻ đang đưa người vào Anh bất hợp pháp có thể khiến những người đó biến mất trên đất Anh”.

Nam cho biết mình bị đưa vào Anh năm 12 tuổi và được cảnh sát giải cứu năm 16 tuổi. Ảnh: Guardian.

Nam cho biết mình bị đưa vào Anh năm 12 tuổi và được cảnh sát giải cứu năm 16 tuổi. Ảnh: Guardian.

Các nhóm hoạt động từ nhiều năm nay đã nêu bật vấn đề về trẻ em bị buôn bán, được tìm thấy ở các cảng. Sau khi được nhận nuôi vài ngày, các em bỏ trốn, trở về với những kẻ buôn người, vì biết rằng gia đình ở nhà có thể gặp nguy hiểm nếu các em không quay về tiếp tục làm việc cho chúng.

“Tôi nghĩ họ cho rằng làm việc chui vẫn là lựa chọn dễ chấp nhận hơn, và như thế những kẻ buôn người càng được lợi”, Debbie Beadle, từ nhóm chống buôn người ECPAT UK, nói với Guardian.

Lucy Leon, từ tổ chức Children’s Society, đã làm việc với hàng trăm nạn nhân trẻ người Việt Nam bị buôn bán, nói tin về 39 người di cư thiệt mạng đã khiến người Việt tại Anh bị sốc. “Họ đi trong những xe tải chật chội, chứng kiến cảnh bạo lực và kinh hoàng.

Philip Ishola, giám đốc điều hành tổ chức Love146, một tổ chức chống buôn bán người, nói tác động của tin này “thật kinh khủng”.”Họ đều biết đó có thể là chính họ hay bạn bè họ... Hiện có sự thiếu tin tưởng với cảnh sát và cho đến khi điều đó thay đổi, người di cư biết mình được bảo vệ, họ sẽ không lên tiếng và sẽ không có gì thay đổi”.

Bà Mimi Vũ, chuyên gia hàng đầu về chống buôn người, cho biết tin về vụ 39 thi thể đã gây sốc ở Việt Nam, nơi mọi người chưa hiểu đúng về rủi ro đối với việc vượt biên sang Anh.

“Nhiều người lớn lên nghĩ cuộc sống ở Anh toàn màu hồng. Một điều tích cực ở đây là mọi người giờ đã biết sự thật. Sẽ thuận lợi hơn cho chúng tôi khi đi vận động, cố gắng thuyết phục mọi người là các bạn sẽ không kiếm được số tiền bạn nghĩ sẽ kiếm được. Những kẻ buôn người nói dối về sự nguy hiểm và về số tiền kiếm được”, bà nói với Guardian.

“Nhưng một khi các vụ việc lắng xuống, mọi người vẫn sẽ sang Anh vì họ không còn lựa chọn nào khác”, bà nói. “Chỉ có điều họ biết đi như thế là nguy hiểm”.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-viet-o-anh-lo-so-canh-sat-khong-to-giac-ke-buon-nguoi-post1008595.html