Người Việt phải học luật trước khi đi câu cá ở Australia

Một số người Việt ở Australia chọn câu cá để thư giãn và giải tỏa căng thẳng. Nhưng ngoài đồ nghề câu, các 'cần thủ' ở đây còn phải trang bị cả kiến thức pháp lý.

“Lúc đầu, tôi tưởng chỉ cần mua bộ cần câu và lưỡi là được nhưng cá kén mồi và lưỡi nên câu nhiều không dính", anh Phước Nguyễn, chủ một khách sạn thú cưng tại Melbourne, kể với Zing.

Ngoài ra, bên cạnh kiến thức về cá, anh Phước, 30 tuổi, cho biết việc đi câu ở Australia còn đòi hỏi nhiều kiến thức khác như quy định pháp lý.

 Anh Phước Nguyễn cùng chiến lợi phẩm trong một lần đi câu. Ảnh: NVCC.

Anh Phước Nguyễn cùng chiến lợi phẩm trong một lần đi câu. Ảnh: NVCC.

Đi câu cũng cần nắm luật

Để được đi câu, các cần thủ tại Australia trước hết phải mua giấy phép câu. “Có thể là 2 ngày, 1 tuần, 1 năm hoặc 3 năm, giấy phép càng dài thì càng rẻ”, anh Phước - người định cư tại Australia đã 14 năm - nói. Khi câu được cá, người dân cần xem loại cá ấy có thuộc loại được phép bắt hay không.

“Ví dụ, cá hồng mỗi ngày một người chỉ được câu 10 con có chiều dài thân 28-40 cm. Nếu thân dài trên 40 cm chỉ được bắt 3 con”, anh Phước kể. “Cá mú chỉ được bắt mỗi ngày một con dài 55-75 cm, không được dài hoặc ngắn hơn”.

 Đối với anh Sang Nguyễn, một người sống tại Melbourne, câu cá cũng là cách gắn kết tình cảm với người thân, đặc biệt là ba. Ảnh: NVCC.

Đối với anh Sang Nguyễn, một người sống tại Melbourne, câu cá cũng là cách gắn kết tình cảm với người thân, đặc biệt là ba. Ảnh: NVCC.

“Có rất nhiều luật, mỗi bang mỗi khác”, anh Phước nói. “Bang Victoria nơi tôi ở là khắt khe nhất. Nhiều khi đi câu sâu trong rừng lúc 1-2h sáng, đỗ xe ở ngoài rồi đi bộ vào hơn 3-4 km vẫn thấy có nhân viên đi kiểm tra giấy phép và kích thước cá”.

Đặc biệt, tại Victoria, cá chép không phải loài cá được chào đón, anh Phước kể. Người dân ở đây cũng thường không coi cá chép làm thực phẩm.

“Nếu câu được, bạn không được quăng lại cá chép sống xuống nước mà phải vứt vào thùng rác hoặc bỏ trên bờ vì chúng bị coi là loài cá có hại”, anh Phước kể.

Chạy đua với cá mập

Một trong những kỷ niệm khiến anh Phước nhớ nhất là lần phải chạy đua với cá mập để câu được con cá ngừ nặng 20 kg trong một chuyến ra khơi.

 Anh Phước trong một lần đi tàu đi đánh cá ngoài khơi. Ảnh: NVCC.

Anh Phước trong một lần đi tàu đi đánh cá ngoài khơi. Ảnh: NVCC.

“Con cá mập này cắn câu của một người trên tàu nhưng vùng vẫy thoát được. Nó ‘tức quá’ nên cứ lượn quanh không chịu rời. Hễ có cá khác đớp mồi câu liền bị con cá mập ấy cắn”, anh Phước kể.

Khi thấy cần câu có động, anh Phước vội lấy hết sức mình để thu dây, không cho con cá chạy vì sợ công sức của mình trở thành mồi ngon cho con cá mập xấu bụng.

“Trong khoảng 10-15 phút, tôi vừa kéo vừa sợ cá mập cắn, lại vừa sợ đứt dây”, anh kể. “Khi kéo được cá lên, tôi cảm thấy vừa sung sướng vì câu được cá lớn, vừa thoát được con cá mập”.

Tương tự anh Phước, anh Sang Nguyễn - sống tại Melbourne - cũng yêu thích bộ môn câu cá. Đối với anh Sang, câu cá còn là một cách để gắn bó với người thân và có lẽ là cả quê hương.

“Lúc tôi ở Việt Nam, ba con tôi khi đi biển từng ở chung một chiếc ghe, ăn ngủ kề nhau”, anh kể với Zing. Trước khi sang Australia, anh Sang lớn lên với biển trên đảo Phú Quý ở tỉnh Bình Thuận.

“Hồi ba tôi sang du lịch năm 2017, ông thèm ăn cá tươi sống, mà bên này đa số là cá muối lạnh”, anh Sang nói. “Vậy là tôi mua hai cây cần cho hai ba con ra biển câu, nhưng mấy tiếng liền mà không có cá đớp mồi. Hai ba con đành xách xô không ra về”.

Nhưng thất bại đầu tiên cũng khơi gợi lại trong anh Sang một miền ký ức về biển. “Thế là tôi đi mày mò và nhờ sự giúp đỡ từ những anh em đi câu. Giờ thì cũng đã tạm ổn”, anh nói.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-viet-phai-hoc-luat-truoc-khi-di-cau-ca-o-australia-post1296432.html