Người Việt sơ tán từ Ukraine: Không ai bị bỏ lại phía sau
Theo kế hoạch, ngày 13/4, đoàn người Việt thứ 3, sơ tán từ Ukraine sang Nga sẽ được lên máy bay để về nước. Hành trình sơ tán gian nan, vất vả của bà con sẽ qua đi, tình người, sự quan tâm giúp đỡ mà họ nhận được, hẳn sẽ còn đọng lại, cho họ niềm tin, nghị lực để bước tiếp.
Mặc dù đã đặt chân tới nơi sơ tán an toàn trong khoảng 2 tuần và di chuyển đến thủ đô Moskva của Nga, nhưng chị Phạm Thị Kim Thủy vẫn chưa hết bàng hoàng với những gì vừa trải qua: “Mất điện, nước, gas, xuống hầm ngày 9/3, ném bom gần nhà, các cửa sổ bung, kính vỡ, nhà nào cũng bị rung hết, hơi bom rất mạnh, đành phải xuống hầm, hai vợ chồng, con”.
Theo lời kể của chị, gần 300 người đã trú ẩn trong một căn hầm, cả người già, trẻ em, bé nhất là 7 tháng tuổi. 7h tối là khóa cửa hầm, 6h sáng hôm sau mới mở. Mỗi ngày, khi nào ngớt tiếng đạn, pháo, mọi người mới có thể tranh thủ ra ngoài lấy nước, nấu ăn. Đồ ăn cũng chỉ có vài gói mỳ tôm mang theo xuống hầm, ít gạo chia ra dùng dần, mỗi ngày cả nhà cùng ăn một bát cơm, còn uống nước để cầm hơi.
Chị Thủy kể trong nước mắt: “Con 15 tuổi, khóc suốt, nó nói-má ơi phải đi thôi, chân má đau, má phải cố gắng, con không thể chết ở đây được”.
Ngày 22/03, gia đình chị quyết định rời khỏi Mariupol-Ukraina sơ tán sang Nga. Chân chị đau, không thể đi nhanh, nhưng phải cố gắng hết sức, men theo những tòa nhà để đi, trong khi đạn pháo vẫn bắn vèo vèo trên đầu.
Chị Thủy nghẹn ngào: “Ám ảnh là khi mất hết tài sản, 34 năm gây dựng ở đất nước Ukraine, rất bàng hoàng, chồng thẫn thờ, mình bảo anh ấy đừng buồn nữa, số phận rồi, về chăm cha mẹ thôi, mình làm hết sức rồi. Chồng cũng nguôi nguôi”.
“Còn người, còn của” là niềm an ủi, tự động viên cho những người Việt phải sơ tán khỏi Ukraine trong suốt thời gian qua.
Ông Phan Nhật Chuyên và gia đình ở Mariupol cũng trải qua gần một tháng trú ẩn dưới hầm, kể lại rằng, trong thời gian cực khổ ấy, người Việt và người dân địa phương đã đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Ngày 2/4, gia đình ông và một cặp vợ chồng nữa, quyết định đi sơ tán để bảo toàn tính mạng:
“Cùng đồng hành, một đoàn đi, chúng tôi không chọn đường trung tâm, chọn đường vành đai, đường tàu điện chạy, mệt thì dừng lại nghỉ. Lúc đầu đi chúng tôi sợ, sợ tính mạng của mình, sợ cướp bóc, nhưng thật ra khi đi lại thấy thuận"-Ông Phan Nhật Chuyên nói.
Khi được bà con người Việt ở Rostov -Nga đến đón, ông Chuyên và mọi người đã vỡ òa trong sự vui mừng. Tiếp theo là những ngày được bà con ở Rostov, Hội người Việt Nam tại LB Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga giúp đỡ, bối trí nơi ăn, ở và đi tàu lên Moskva để trở về Việt Nam.
Ông Chuyên xúc động nói: “Thay mặt bà con Mariupol chúng tôi cảm ơn Đảng, chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán, các ban ngành, cùng với sự giúp đỡ tận tình của Hội người Việt Nam tại Moskva, tại Rostov dành cho chúng tôi không còn gì hơn nữa, cứu giúp những người từ cõi chết trở về với quê hương đất nước. Trong đầu tôi văng vẳng câu nói của Chủ tịch nước- không ai bị bỏ lại phía sau!”
Đoàn người Việt thứ 3 từ Ukraine sang Nga lần này gồm 10 người, trong đó có 8 người từ vùng chiến sự nóng bỏng nhất Mariupol-Ukraina, 2 người khác từ nước cộng hòa Lugansk. Do tình hình Nga-Ukraine, Vietnam Airlines đã tạm dừng đường bay thẳng giữa hai nước, khiến cho hành trình trở về của họ phải kéo dài hơn.
Trong một tuần chờ đợi, bà con được bố trí ở khách sạn, trong khuôn viên Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Moskva. Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga và Hội người Việt Nam tại LB Nga bố trí xe đưa bà con đi chơi, thăm quan thủ đô Moskva. Đại sứ quán cũng sẽ tổ chức buổi gặp mặt thân mật của Đại sứ Đặng Minh Khôi với bà con, để thăm hỏi tình hình, chia sẻ, động viên họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong những ngày tới, bà con sẽ được trở về quê hương, đất nước, trong vòng tay yêu thương của những người thân, họ hàng, làng xóm. Hành trình mới trong cuộc sống đang chờ đón họ./.