Người viết tiếp câu chuyện đàn đá Tuy An

Một người sở hữu hơn 20 bộ nhạc cụ đá đủ loại, cổ xưa có, tự chế tác có, ghép tự nhiên cũng có, thật là xưa nay hiếm. Một điều đáng quý nữa là tất cả các bộ nhạc cụ này đều do chủ nhân tự cất công tìm kiếm và chế tác vì đam mê âm thanh huyền hoặc lẫn réo rắt của đàn đá.

Anh Nguyễn Minh Nghiệp với bộ sưu tập nhạc cụ đá tại Khu triển lãm Hồn Xưa. Ảnh: TV

Đó là anh Nguyễn Minh Nghiệp, sinh năm 1978, chủ không gian trưng bày Hồn Xưa (huyện Tuy An).

Phải có một bộ đàn đá mới thấy vui

Năm 2002, Nguyễn Minh Nghiệp - khi đó chỉ là chàng trai hơn 20 tuổi, nghe mọi người trong xóm nói nhiều về bộ đàn đá niên đại gần 2.000 năm được phát hiện tại vùng đất nơi anh sinh ra. Và vùng này thỉnh thoảng một số người tìm thấy đá kêu. Từ đó, trong anh như có điều gì thôi thúc, anh tự nhủ phải cố gắng tìm kiếm và “phải có một bộ đàn đá mới thấy vui”.

Rồi anh rủ thêm vài người chung đam mê về đá bắt đầu lặn lội tìm kiếm. Nghe nói khu nào có đá kêu là anh tìm đến. Nhiều khi tìm ngoài trời nắng chang chang mà chẳng được thanh đá nào nhưng anh không thấy nản. Những hôm phát hiện được thanh đá kêu là vui lắm. “Gõ vào nghe âm thanh đá vang cảm giác rất khó tả; không phải âm thanh bình thường, mà như đồng cảm với lòng mình”, anh Nghiệp chia sẻ.

Cứ như vậy, suốt 10 năm ròng rã, lặn lội khắp các vùng núi đá Tuy An, anh Nghiệp đã sưu tầm và chế tác được hơn 20 bộ nhạc cụ đá hoàn chỉnh âm thanh, thang âm không khác gì những chiếc đàn piano hay organ, có thể tấu lên nhiều bản nhạc hiện đại. Đặc biệt có bộ giữ nguyên những thanh đá tự nhiên không qua chỉnh sửa hay chế tác; có bộ đủ 12 thanh, có bộ 20 thanh có quãng âm rộng, trầm bổng ở nhiều sắc thái khác nhau.

Theo ông Nguyễn Danh Hạnh (Sở VH-TT&DL), anh Nghiệp không chỉ đam mê nhạc cụ đá mà còn rất chịu khó học hỏi. Từ những phiến đá sưu tập được, anh mang về, đong đo các loại thang âm, sắp xếp thành nhạc cụ, biểu diễn được những tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh.

Còn anh Nghiệp cho biết, có thanh đá mang về anh giữ nguyên, có thanh phải chế tác cho chuẩn âm. Mới đầu anh chỉ nghe bằng tai thường, sau này mày mò mới biết có dụng cụ đo âm thanh, rồi mua về tự đo, tự làm. Theo anh Nghiệp, chi phí để làm ra một bộ nhạc cụ đá rất lớn, kể cả công tìm kiếm đá kêu, rồi mang về đục đẽo, chế tác. Riêng phần chế tác, nhanh nhất cả tháng trời mới được một bộ, rồi phải tìm người tập luyện đánh đàn, tập đơn, tập đôi, tập phối cùng nhau. “Thuê làm nhạc nền để tập biểu diễn cũng tốn kém vì tiếng đàn đá có cung âm riêng, phải làm nhạc riêng mới hòa âm phối khí với nhau được”, anh Nghiệp nói.

Các bộ đàn đá lớn được anh Nghiệp trưng bày và biểu diễn ở điểm chính là không gian văn hóa Hồn Xưa, bên trong Di tích thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa (huyện Tuy An). Ngoài ra, anh còn bố trí đàn đá ở không gian văn hóa Tháp Nhạn hoặc những nơi có khách yêu cầu biểu diễn. “Nhiều khi khách đến trải nghiệm nhưng cũng quá đà, đánh bể cả nhạc cụ, mình chỉ biết nhắc nhở để khách cẩn thận hơn thôi”, anh Nghiệp chia sẻ.

Du khách rất thích thú khi được thử chơi nhạc cụ đá. Ảnh: TV

Mơ về một bảo tàng tư nhân

Hiện anh Nguyễn Minh Nghiệp đã đào tạo được một nhóm bạn trẻ có đam mê và khả năng chơi đàn đá. Anh mời các nhạc sĩ ở Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển về luyện cho các em những bài hát phù hợp với âm vang đàn đá, như “Rừng xanh vang tiếng ta lư”, “La Hai tháng tư”, “Tiếng chày trên sóc Bombo”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”…

Trong Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc mở rộng tỉnh Phú Yên lần thứ nhất vừa qua, cả quảng trường 1 Tháng 4 sôi động bỗng trầm lắng khi tiếng đàn đá của ban nhạc Hồn Xưa cất lên. Tiếng đàn ở nốt trầm vang lên thật đậm như chạm vào sâu thẳm lòng người, rồi réo rắt vút lên linh thiêng, huyền hoặc. Trong không gian quảng trường rộng lớn, sóng biển Tuy Hòa dào dạt, gió biển lồng lộng, tiếng đàn đá như thêm hương vị của quê hương dệt nên những giai điệu diệu kỳ, độc đáo, như tiếng tiền nhân vọng về. Những tràng pháo tay giòn giã của khán giả đã giúp ban nhạc Hồn Xưa thuyết phục giám khảo trong cuộc tranh tài sôi nổi giữa các ban nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh, xuất sắc đạt giải nhì.

Khi được hỏi vì sao chọn hướng bảo tồn theo âm nhạc hiện đại trong khi các nghiên cứu trước đây thường đi tìm chủ nhân của đàn đá, anh Nghiệp trả lời rất mộc mạc: “Đàn đá Tuy An tìm thấy ở đây thì chắc chắn của ông bà, tổ tiên mình. Của dân tộc nào thì giờ cũng là người Việt Nam. Mình đâu biết ngày xưa ông bà mình chơi đàn ra sao. Giờ mình tiếp tục sưu tầm làm nên các bộ đàn đá mới, chơi theo kiểu nhạc bây giờ, mọi người mới nghe được. Họ nghe hay mới giữ gìn và bảo tồn được”.

Có lẽ nhờ sự lưu giữ một cách đặc trưng như vậy mà không gian văn hóa Hồn Xưa đã chào đón rất nhiều nhà nghiên cứu và du khách thập phương. Tháng 2/2023, một đoàn khách tham quan và nghiên cứu đàn đá ở nhiều quốc gia đã dừng chân tại đây. Thán phục trước tình yêu và sự đam mê đàn đá của chủ nhân, cũng như hài lòng về các tiết mục biểu diễn đàn đá của các bạn trẻ, họ đã để lại bút tích “... sự cống hiến của Nguyễn Minh Nghiệp đã ghi dấu ấn tốt đẹp về sự phát triển đàn đá trong thế kỷ XXI ở Việt Nam”. Ông Mike Adcock, chuyên gia về bảo tồn và giữ gìn âm nhạc truyền thống đến từ Vương quốc Anh - người đã có nhiều nghiên cứu về đàn đá Việt Nam - thốt lên: “Tôi thấy rất thú vị khi nghe các bạn trẻ chơi nhạc điêu luyện từ những phiến đá. Đây hẳn là nơi độc nhất với một lượng lớn hiện vật được trưng bày cá nhân trong không gian xung quanh đẹp đến vậy”.

Tiếng đàn đá Phú Yên đã được gần xa biết đến, không chỉ du khách đến tận mắt nghe xem, mà còn lan nhanh trong và ngoài nước nhờ vào mạng xã hội. Một số nghệ nhân chơi đàn đá ở những vùng lân cận cũng tìm đến, dò hỏi về những thanh âm mà họ chưa có và hỏi mua. Nhưng anh Nghiệp tâm sự với chúng tôi: “Những thanh đá có thang âm nửa cung rất khó tìm, và có nó thì mới đánh được các bài hát hay và hiện đại. Dù họ có trả giá cao bao nhiêu tôi cũng không bán vì bán đi thì đàn đá Phú Yên không còn đặc biệt nữa. Tôi muốn giữ nét đặc trưng và độc đáo của đàn đá Phú Yên với 12 thanh âm chuẩn mà ít nơi có được”.

Mong muốn của anh Nghiệp là có một nơi trưng bày đủ rộng, “vì có đến hơn 20 bộ mà không gian chật quá, trưng bày không hết”. Anh Nghiệp cũng chia sẻ, nếu có kinh phí, trong tương lai anh muốn lập một bảo tàng tư nhân và số hóa các hiện vật. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Hạnh cho biết: “Anh Nghiệp đã chọn hướng đi đúng trong việc bảo tồn nhạc cụ đá, thời gian tới anh nên tiếp tục trưng bày hiện vật và biểu diễn ở những nơi có đông khách du lịch. Còn muốn số hóa các hiện vật, anh cần phối hợp với các chuyên gia về cổ vật giám định niên đại, chất liệu, cập nhật các thông tin về kích thước, đặc điểm, công dụng… của từng hiện vật. Nếu anh có yêu cầu, các cơ quan chuyên môn sẽ hỗ trợ anh”.

Với sự cạnh tranh quảng bá du lịch trong khu vực và quốc tế, những sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm nét văn hóa bản địa đang chiếm ưu thế. Do vậy, đàn đá Phú Yên phát triển trong hệ thống ban nhạc hiện đại như cách anh Nghiệp đang làm sẽ khơi dậy tiềm năng và tăng lợi thế cho du lịch tỉnh nhà. Trong tương lai, anh Nghiệp cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các chuyên gia để tiếng đàn đá Phú Yên vang vọng xa hơn.

THÙY VÂN - THÙY LINH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/298230/nguoi-viet-tiep-cau-chuyen-dan-da-tuy-an.html