Người Việt trẻ không rời xa lý tưởng

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, SVVN là nguồn nhân lực quan trọng phục vụ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nhân tố quyết định thịnh suy của quốc gia trong tương lai. Gửi gắm nhiều tin yêu, kỳ vọng vào thế hệ sinh viên, Chủ tịch nước khẳng định: 'Tổ quốc nhìn thấy tương lai tươi sáng của mình trong sức sống căng tràn và trong những ước mơ, hoài bão cao đẹp của các bạn'…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi gắm nhiều tin yêu, kỳ vọng vào thế hệ sinh viên. (Ảnh: T.Ư Đoàn)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi gắm nhiều tin yêu, kỳ vọng vào thế hệ sinh viên. (Ảnh: T.Ư Đoàn)

Lý tưởng bắt đầu từ nguồn cội trong tim người trẻ

Vũ Thu Hằng, sinh viên (SV) 5 tốt Thành phố Hà Nội, Ủy viên Đoàn trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại tại ĐH SV XI vừa qua về lý tưởng của thanh niên, SV thời nào cũng bất biến theo thời gian. Bởi mỗi người Việt đều lớn lên từ nguồn cội, tình yêu nước nồng nàn, về những mất mát, hy sinh xương máu của lớp lớp các thế hệ cha anh. Dưới mỗi mái nhà trên dải đất hình chữ S phần lớn đều có Bằng Tổ quốc ghi công…

Còn đó những dòng nhật ký của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, SV Đại học Y khoa Hà Nội vừa tốt nghiệp đã lên đường vào Nam chiến đấu:“Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm… con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc”…

Và đó chính là sức mạnh, là vẻ đẹp lấp lánh của lý tưởng, đã đưa những người thanh niên, SV thủ đô ấy vượt qua mọi khó khăn sợ hãi, sống và cống hiến hết mình, hóa thân thành những điều thật cao đẹp và thiêng liêng. Đó cũng chính là cơ sở để chúng ta khẳng định vai trò nền tảng của lý tưởng sống trong cuộc đời mỗi người, và đặc biệt là với SV, những người trẻ hôm nay đang ở chặng đường đẹp nhất, rực rỡ nhất của cuộc đời. Dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào, mỗi chúng ta cần tâm niệm sâu sắc lẽ sống cao đẹp của chúng ta chính là kiên định với con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Tại Đại hội SV lần thứ hai, ngày 7/5/1958, Bác Hồ đã căn dặn SV: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng”. Và đến ngày hôm nay, sau 65 năm, lời dặn dò của Bác về hành trình chiêm nghiệm, trải nghiệm và tìm kiếm “ lý tưởng” trong SV vẫn còn nguyên giá trị.

Vũ Thu Hằng bày tỏ: “Trong một xã hội đầy biến động, đổi thay và những thử thách, đòi hỏi thế hệ trẻ phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, thích ứng với thời cuộc, thì chúng tôi vẫn tin rằng có một nền tảng bất biến, không đổi, chính là nền tảng lý tưởng và bản lĩnh chính trị mà mỗi SV cần bồi dưỡng và gìn giữ.

Mỗi người trong chúng ta sẽ đều có những mong muốn ước mơ riêng của cá nhân, nhưng khi nói về lý tưởng của SV Việt Nam thì điểm hội tụ chính là những giá trị đã trường tồn cùng lịch sử dân tộc, là lòng yêu nước nồng nàn, là ý thức tự cường dân tộc, là khát vọng cống hiến trách nhiệm, hết mình,... Những giá trị ấy được hun đúc từ cội nguồn dân tộc, từ nghìn năm lịch sử, từ hy sinh máu xương của cha ông ta đã trở thành mạch nguồn của tình cảm, của lòng biết ơn và của lý tưởng dân tộc không ngừng chảy trong mỗi người Việt Nam ta, mà trong đó tầng lớp SV chính là đại diện tiêu biểu. Khi đất nước còn chiến tranh, lý tưởng của nhân dân Việt Nam là đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, lý tưởng chung của đất nước ta là thực hiện được mục tiêu đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; là phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Cùng với đó, Nguyễn Thanh Vân - Hội SV TP Hà Nội cho rằng, cốt lõi mỗi bạn trẻ trở nên vững vàng trước thử thách không chỉ ở lý tưởng và đạo đức của bản thân, mà xuất phát điểm chính là niềm tự hào dân tộc và sự kiêu hãnh khi là một SV Việt Nam.

Khơi dậy khát vọng, lý tưởng cho sinh viên

Theo Vân, Hội SVVN cần phải đẩy mạnh hơn nữa các mô hình trải nghiệm thực tế, tạo điều kiện cho SV được tham gia vào các công trình xã hội, rèn luyện ý thức trách nhiệm cũng như nét đẹp về cuộc sống, và người dân Việt Nam.

Bạn Ngô Lê Xuân Đức, Chủ tịch Hội SV Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đề xuất tổ chức Hội cần xây dựng nhiều diễn đàn, người khởi nghiệp có ảnh hưởng truyền đến các SV, tuyên truyền các tấm gương tốt. Cùng đó, cần đa dạng truyền thông, như trên mạng xã hội TikTok, Facebook... Đảng ủy BGH nhà trường cần ủng hộ, có ý kiến để đưa các chủ trương của TƯ, thành phố, triển khai quyết liệt mới có hiệu quả…

Bạn Trần Kim Oanh - Hội SV tỉnh Thanh Hóa cho hay, hiện nhiều SV chưa có thái độ nhận thức đúng đắn đối với việc học tập, không thực sự hứng thú với việc học tập. Một bộ phận SV còn tỏ thái độ vô lễ với giảng viên, có những phát ngôn chưa đúng đắn...

Một số khác lại lao vào các trò vô bổ trong thế giới ảo. Hơn nữa, một số đông bạn trẻ đang chạy theo vòng xoáy của “văn hóa tốc độ”. Một số SV có biểu hiện xem nhẹ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chạy theo thị hiếu không lành mạnh.

Vì thế, Hội SV cần thường xuyên chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh cho SV, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội. Hội tổ chức tốt các phong trào hành động cách mạng của SV như “Thanh niên lập nghiệp và tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”, “Chiến dịch mùa hè xanh”…

Bạn Bùi Thị Thu Hải - Hội SV tỉnh Đắk Lắk cho rằng, Hội SV cần chú trọng rèn luyện lý tưởng, đạo đức SV dân tộc thiểu số và tôn giáo. Hội cần tìm kiếm, nuôi dưỡng và phát huy các gương SV dân tộc thiểu số điển hình, tạo điều kiện cho các bạn SV dân tộc thiểu số phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thông qua các gương đó, có thể tạo môi trường, động lực, niềm tin để các bạn phát triển, tạo niềm tin vào Đảng và Nhà nước.

Đồng thời, tổ chức thêm nhiều cuộc thi về bản sắc, văn hóa để các bạn SVdân tộc thiểu số tự tin, mạnh dạn, bản lĩnh hơn. Các chương trình là nơi các bạn SV dân tộc thiểu số gặp mặt nhau, giao lưu, Hội SV cũng kịp thời nắm bắt tình hình, thực trạng của SV hơn. Tạo điều kiện bồi dưỡng đảng viên trẻ

Bạn Phan Thùy Linh - Phó Chủ tịch Hội SV Việt Nam Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh chia sẻ ý kiến mong muốn, cần tiếp tục duy trì và phát huy đội ngũ Đảng viên trẻ là sinh viên, tạo thêm động lực, cơ hội cho hội viên, SV có môi trường tiếp cận đối với các đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước nhằm tiếp ý chí phấn đấu cho các bạn SV ưu tú nỗ lực phấn đấu phát triển toàn diện, trở thành người lãnh đạo, Đảng viên tốt và công dân tốt cho xã hội, đất nước Việt Nam.

Bạn Nguyễn Thúy Quỳnh - Đại diện Hội SV Việt Nam tại Singapore, chia sẻ một câu chuyện thực tế, mới đây Hội SV Việt Nam tại Singapore đã được cử 1 đại biểu tham dự đoàn công tác đến Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bạn này, sau khi đi chuyến đó về, ngoài việc mong muốn cống hiến nhiều hơn cho đất nước mà còn lan tỏa điều đó đến các bạn khác trong Hội. Vì vậy, mong rằng các Hội cơ sở và Trung ương cần tích cực tổ chức thêm nhiều các hoạt động như “SV với biển đảo Tổ quốc” và biến chúng thành thường niên để trao dồi lòng yêu nước trong cộng đồng…

Bạn Nguyễn Tuấn Đạt, Chủ tịch Hội SV Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, SV ngày nay hầu hết đều sử dụng mạng xã hội. Nhưng các ứng dụng mạng xã hội cũng là một “mảnh đất”, công cụ mà các thế lực thù địch có thể sử dụng để xuyên tạc thông tin và kích động chống phá hệ thống chính trị. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận mạng xã hội không chỉ là một thách thức mà còn là một cơ hội để tiếp cận SV, truyền đạt thông tin chính trị đúng đắn và khơi gợi tinh thần yêu nước của các bạn.

Chủ tịch Hội SV Việt Nam trường Đại học Sài Gòn Trần Thanh Mẫn bày tỏ quan điểm, việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị là trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt là SV - những người sẽ định hình tương lai của đất nước.

Hiện nay, SV của chúng ta đa phần thuộc thế hệ GenZ và tiệm cận Gen Alpha, chính vì vậy họ có thể mang đến những ý tưởng mới, sáng tạo và cách nhìn đa dạng, đa chiều về các vấn đề xã hội và chính trị. Nên việc khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên thể hiện quan điểm của mình sẽ làm giàu thêm bức tranh chính trị và đem lại sự đa dạng trong các quyết định, chính sách xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.

Có thể nói, các bạn SV ngày nay cần một sự gắn kết để khơi dậy những lý tưởng, khát vọng sâu thẳm trong mỗi bạn trẻ. Họ đang ở thời thanh xuân tươi đẹp cho những hoài bão, khát vọng, lý tưởng. Bởi nguồn cội luôn ở đó, bất biến trong tim mỗi con người với những vẻ đẹp bình dị và lấp lánh…

Khát vọng kiến tạo tương lai, xây dựng đất nước

Vừa qua, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội SV Việt Nam lần thứ XI, với tinh thần hành động “SV Việt Nam Vững bản sắc - Giàu khát vọng - Kiến tạo tương lai - Dựng xây đất nước”, ông Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SV Việt Nam chia sẻ: “ Thành tố “giàu khát vọng” được tiếp thu từ khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, văn minh, hạnh phúc mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Từ bản sắc và khát vọng mới kiến tạo được tương lai, dựng xây đất nước.

Chúng tôi kỳ vọng từ Đại hội XI sẽ xây dựng lớp SV thời kỳ này thực sự bản lĩnh, trí tuệ, có đóng góp thiết thực vào xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tiếp thêm nguồn nhân lực chất lượng cho Đảng, trở thành những đảng viên mới có năng lực, trách nhiệm, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của Đảng, đất nước”...

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguoi-viet-tre-khong-roi-xa-ly-tuong-post501139.html