Người Việt trẻ và ý thức bảo tồn di sản
Di sản nếu không được tiếp nối bởi nhiều thế hệ thì việc biến mất hoàn toàn có thể xảy ra. Thế hệ trẻ ngày nay được trang bị những kiến thức, kỹ năng về công nghệ, là một lực lượng đã và đang góp phần giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Việt Nam.
Trong khoảng thời gian 4-5 năm trở lại đây, việc phục dựng các trang phục của người Việt xưa đang trở thành một xu hướng được đông đảo người trẻ hưởng ứng. Đây là thành quả từ nỗ lực bảo tồn, quảng bá cổ phục Việt của các nhà thiết kế, thương hiệu, và tập thể mong muốn lưu giữ những giá trị lịch sử, truyền thống của nước ta.
Mang trong mình tình yêu đặc biệt với trang phục cổ, anh Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Công ty CP Ỷ Vân Hiên đã dành trọn tuổi trẻ của mình để phục dựng với mong muốn đưa cổ phục Việt đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Đức Lộc cho rằng ở thời kỳ hiện đại với vô vàn các xu hướng thời trang nở rộ, muốn lan tỏa Việt phục đến với mọi người đầu tiên phải thay đổi được tư duy công chúng và tìm ra lời giải hợp lí cho bài toán trong sự cân bằng về vấn đề kinh tế với văn hóa, giữa tính khoa học và thời trang.
Về cổ phục, không thể không nhắc đến Vũ Đức - người sáng lập Great Vietnam. Được thành lập vào năm 2019 và chính thức đi vào hoạt động năm 2020, nhóm đã và đang tập trung nghiên cứu, phục dựng y trang của người Việt từ hàng trăm năm trước.
Với đam mê và sự sáng tạo của những người trẻ đến từ Great Vietnam, những bộ cổ phục của triều đại nhà Nguyễn bỗng nhiên được hồi sinh. Nhóm đã tạo ra sự khác biệt với những nghiên cứu cẩn thận, chính xác và tỉ mỉ, đi theo tôn chỉ cố gắng làm đúng nhất có thể theo những đặc trưng về chi tiết trên từng chiếc áo xưa để giữ được bản sắc.
Một lĩnh vực khác về hội họa, những dòng tranh như tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng hiện nay đã dần bị mai một. Là họa sĩ thế hệ 9X, Nam Chi (tên thật là Nguyễn Văn Bắc) là người trẻ theo đuổi và say mê với các dòng tranh dân gian này. Càng tìm hiểu và nghiên cứu sâu, Nam Chi càng nhận thức một cách rõ ràng những giá trị độc đáo của nghệ thuật Việt Nam. Theo Nam Chi, những họa sĩ trẻ như anh, vẽ tranh dân gian không phải chỉ để duy trì và bảo tồn mà phải phát triển để có thể tồn tại với cuộc sống mới.
Những năm qua, bằng nỗ lực của mình, Nam Chi đã cho ra mắt nhiều mẫu tranh mới kế thừa từ những dòng tranh truyền thống nhưng cũng kết hợp cả kỹ thuật đồ họa, như: Miêu ngư đồ, Miêu điệp đồ (tranh Kim Hoàng); Tiên thiên tống tử (tranh Hàng Trống)...
Những bức tranh này không chỉ đơn thuần sử dụng các hoa văn của tranh Hàng Trống như hoa văn xoáy, hoa văn chữ thọ mà còn được Nam Chi nghiên cứu tư liệu lịch sử về trang phục các thời như thời Lê, thời Nguyễn để đưa vào tác phẩm của mình, để có thể đem đến những giá trị nghệ thuật cao hơn cho bức tranh.
Trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, có một thế hệ trẻ đã và đang tiếp tục nối gót tiền nhân, chăm chỉ gìn giữ những điệu hát dân gian Việt Nam. Lê Doãn Thái Bình, sinh viên năm nhất Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh cho biết, cũng giống bao bạn trẻ khác, cậu lớn lên trong giai đoạn âm nhạc thị trường bùng nổ.
Có chút năng khiếu ca hát nhưng lạ ở chỗ, nghe nhiều nhạc trẻ nhưng cậu lại quyết định theo học các điệu hát dân gian, đặc biệt là hát chèo cùng các loại nhạc cụ dân tộc.
Thái Bình luôn quan niệm, thế hệ trẻ phải mang trong mình sứ mệnh tiếp nối, bảo tồn các giá trị nghệ thuật của cha ông. Nếu giới trẻ thờ ơ, quay lưng, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất đi bản sắc riêng biệt. Nỗ lực từng ngày, Thái Bình chỉ đơn giản mong muốn được trực tiếp tham gia vào công cuộc giữ gìn, phát huy những “báu vật ngàn đời” mà cha ông để lại và truyền cảm hứng ấy cho các bạn trẻ khác.
Tương tự, Nguyễn Thị Huyền - sinh viên năm cuối tại khoa Quản trị kinh doanh - Học viện Ngân hàng cũng rất đam mê với việc lữu giữ những giá trị âm nhạc, đặc biệt là hát Xẩm. Hiện Huyền đang là Phó Chủ nhiệm CLB Chèo 48h, tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật nhằm bảo tồn và phát triển các bộ môn nghệ thuật văn hóa dân gian Việt Nam đành cho các bạn trẻ.
Với Xẩm 48h (thuộc CLB Chèo 48h), Huyền luôn đặt ra mục tiêu đưa hát Xẩm vào trường học, tham gia biểu diễn ở các chương trình, sự kiện dành cho sinh viên trên thành phố Hà Nội và trong cả nước. Có thêm một người biết về Xẩm ấy là niềm vui lớn với cô gái yêu làn điệu dân ca này.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, việc thế hệ trẻ tham gia bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, ngoài việc góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, còn là thể hiện trách nhiệm, chung sức vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-viet-tre-va-y-thuc-bao-ton-di-san-5716340.html