Theo sách “100 điều nên biết về phong tục Việt Nam”, sau ngày 23 tháng Chạp, một số địa phương có tục trồng cây nêu trước sân nhà để xua đuổi ma quỷ. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Việt, vào dịp Tết Nguyên Đán, khi các vị thần trông coi nhà cửa lên thiên đình báo cáo công việc với Ngọc Hoàng, nhà cửa không được trông coi, quỷ sẽ lợi dụng vào nhà hại người. Việc trồng cây nêu là để xua đuổi ma quỷ.
Cây nêu được làm từ tre, trúc, bương, lồ ô, có chiều dài vào khoảng 5-6 m, chặt sạch lá, chỉ để lại trên ngọn nhánh lá. Trong phong tục dân gian của người Việt, cây nêu được dựng trước sân nhà vào 23 tháng Chạp - ngày cúng ông Công, ông Táo.
Ngọn cây có buộc nhiều thứ như túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo và những miếng kim loại lớn nhỏ... hoặc những vật dụng có tính chất biểu tượng của địa phương, dân tộc như chuông gió. Khi gió thổi, những vật dụng này chạm vào nhau, phát ra tiếng kêu. Người ta cho rằng những vật treo ở cây nêu và những vật phát ra tiếng động để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng đây là nhà có chủ, không được phép quấy nhiễu. Vào buổi tối, người ta thường treo thêm chiếc đèn lồng để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu.
Theo sách “Lễ tết ăn chơi trong cung Nguyễn”, ngay từ thời phong kiến, tục dựng cây nêu đã ra đời ở nước ta. Dưới thời Nguyễn, cây nêu được dựng đầu tiên trong Hoàng thành. Chỉ khi nào cây nêu ở Tử Cấm thành được dựng lên, dân chúng mới dựng nêu, báo hiệu lễ tết bắt đầu.
Ngoài người Kinh, người Mường và Mông cũng có tục trồng cây nêu vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Người Mường trồng cây nêu vào 28 Tết. Người Mông trồng cây nêu vào khoảng mùng 3-5 Tết. Người Sán Dìu cũng trồng cây nêu nhưng vào mỗi dịp đại lễ mùa màng.
Theo tín ngưỡng dân gian, cây nêu được trồng đến ngày mồng 7 Tết, các gia đình sẽ làm lễ hạ. Khi ấy, dịp nghỉ Tết Nguyên Đán xem như chấm dứt hẳn. Ông Táo sẽ quay lại giữ nhà cửa.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/ Zing