Người Việt trong cơn hoạn nạn ở Sri Lanka

Trong tình cảnh thiếu thốn, cộng đồng người Việt ở Sri Lanka không chỉ phải tìm cách thích nghi với thực tế, mà còn triển khai một số hoạt động chia sẻ với khó khăn của bạn, Ðại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Hồ Thị Thanh Trúc chia sẻ với phóng viên Tiền Phong.

Tăng ni, phật tử Việt Nam trao tiền ủng hộ nhân dân Sri Lanka.Ảnh: ÐSQ Việt Nam ở Sri Lanka cung cấp

Nỗ lực thích nghi

Đại sứ Hồ Thị Thanh Trúc cho biết, đúng là nhiều người Việt hiện nay phải sống trong tình trạng thiếu cả điện, gas và xăng dầu. Bà con ở ngoại ô có thể chuyển sang đun củi, đun dầu, nhưng người dân ở thành phố vẫn phải đun điện, trong khi điện bị cắt theo giờ, vì thế họ phải thích nghi bằng cách khi nào có điện thì tranh thủ nấu.

Đại sứ cho biết, đúng là có một số trường hợp quá khó khăn, muốn về nước cũng không có tiền vé. Đó cũng điều mà các cán bộ Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam trăn trở, nhưng ĐSQ chỉ có thể giúp trong khả năng cho phép, như thăm hỏi, tặng một số món quà nhỏ như quạt sạc điện, lương thực, chứ chưa có điều kiện hỗ trợ nhiều hơn. Đại sứ cho biết, Tết thiếu nhi vừa qua, vì biết một số gia đình khó khăn nên ĐSQ đã tổ chức đưa con em của họ vào khu vui chơi để động viên. Ngược lại, cộng đồng cũng rất yêu quý ĐSQ, thường mang rau quả tự trồng đến tặng.

Đối với ĐSQ, bà Trúc cho biết, Bộ Ngoại giao Sri Lanka vẫn rất quan tâm, khi nào xăng về họ đều ưu tiên cho mua. “Hằng tuần, ĐSQ Việt Nam gửi phiếu đăng ký và Bộ Ngoại giao bạn thu xếp theo khả năng, tuần 25 lít, tuần 40 lít. Khi nào mất điện, ĐSQ dùng máy phát điện, nhưng máy phát điện chạy bằng dầu diesel, nên các cán bộ cũng phải tiết kiệm. Nếu bạn không có xăng thì mình cũng không mua được”, bà kể.

Hoàn cảnh đó gây ảnh hưởng nhất định lên hoạt động của ĐSQ, phải hủy hoặc hoãn nhiều hoạt động, để dành xăng cho những tình huống khẩn cấp. Các chuyến đi địa phương phải lùi lại, vì không có đủ nhiên liệu để ra khỏi thủ đô Colombo.

Người Việt ở Sri Lanka tặng bánh và nước cho người dân Sri Lanka ở Colombo

Hỗ trợ bạn

Đại sứ Trúc cho biết, bà con người Việt khó khăn như vậy nhưng vẫn phát huy tinh thần tương thân tương ái, vừa giúp nhau vừa giúp bạn. Vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Sri Lanka và phật tử Việt Nam vận động quyên góp được 2 tỷ đồng, trao cho ĐSQ Sri Lanka tại Việt Nam. Số tiền này được dùng để mua thuốc men tặng bạn. Lô đầu tiên đã được đưa đến Sri Lanka nhưng chưa thể trao vì phải chờ chính phủ bạn ổn định.

Đại sứ kể, gần đây, xung quanh ĐSQ có những hàng dài xe máy, xe tuk tuk và ôtô xếp hàng chờ mua xăng dầu. Bốn dãy xe cứ lòng vòng hết phố này sang phố khác xung quanh ĐSQ. Thấy họ vất vả, các phu nhân, gia đình ĐSQ và bà con người Việt cùng nhau pha nước chanh, quất hoặc làm bánh để tặng, với mong muốn chia sẻ một phần nỗi vất vả của họ.

Thầy Pháp Quang, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm ở Sri Lanka, thường xuyên chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống và nỗ lực của các sư thầy nhằm vượt qua khó khăn và thực hiện nguyện vọng của mình. “Giai đoạn này xi măng được ví như vàng. Thiền viện tận dụng lá dừa có sẵn trong vườn chùa làm lá lợp cho nhà kho đựng củi. Thích nghi với điều kiện sống hiện tại và thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh nên làm trong giai đoạn khó khăn”, Thầy Pháp Quang chia sẻ trên Facebook ngày 19/7. Sư thầy còn đăng hình ảnh về luống rau mới nảy mầm, về việc chia sẻ mô hình trồng rau củ cho các ngôi chùa xung quanh để cùng nhau làm vườn. Sư thầy cho biết, ở Sri Lanka, chùa có ảnh hưởng rất lớn đến người dân, vì thế nếu các chùa trồng trọt trước, người dân cũng học tập, làm theo. Các phật tử Việt Nam đã tặng hạt giống cho Sri Lanka. Bên cạnh đó, dù điều kiện khó khăn, Thiền viện vẫn tổ chức dạy tiếng Việt cho một số trẻ em và người già Sri Lanka.

Thiền viện Trúc Lâm là ngôi chùa Việt đầu tiên tại Sri Lanka, với mong muốn duy trì, phát triển văn hóa Việt Nam tại quốc gia Nam Á này. Đây là nơi đào tạo các nhà sư nhỏ sau này có thể trở về quê hương và quốc tế hoằng pháp. Đây cũng là ngôi nhà tâm linh cho cộng đồng người Việt, là nơi trở về của các đoàn hành hương khi đến Sri Lanka.

Cộng đồng người Việt ở Sri Lanka trước đây có khoảng 300 người, nhưng nhiều người đã về nước từ khi xảy ra khủng hoảng nên giờ chỉ còn dưới 200 người, bao gồm phụ nữ lập gia đình ở đó, tăng ni, công nhân làm việc theo hợp đồng với các công ty xây dựng.

Chuẩn bị cho tình hình sắp tới

Đánh giá về tình hình Sri Lanka hiện nay, Đại sứ Trúc cho biết, nước bạn đang nỗ lực để ổn định tình hình, trước mắt là tổ chức sự kiện bầu tổng thống hôm nay, để chọn ra người chèo lái đất nước đến hết nhiệm kỳ của tổng thống cũ, tức là đến năm 2024. “ĐSQ đang tiếp tục theo dõi, mong muốn bạn sớm ổn định tình hình để cuộc sống của cộng đồng người Việt ở đây sớm bình thường trở lại”, bà Trúc nói.

Về quan hệ thương mại Việt Nam - Sri Lanka, Đại sứ Trúc cho biết, hai bên còn nhiều tiềm năng. Năm ngoái, bất chấp đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương đạt 350 triệu USD, dù còn khiêm tốn nhưng đang trên đà tăng. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, hoạt động xúc tiến gặp nhiều trở ngại vì Sri Lanka khó khăn về tài chính, bà cho biết.

Thu Loan

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-viet-trong-con-hoan-nan-o-sri-lanka-post1454965.tpo