Người Việt vượt biên sang Anh: 'Đó không phải thiên đường'
Hủy hộ chiếu, từ bỏ thân phận, chui luồn trong rừng giữa giá lạnh, chẳng còn nghĩ đến cái chết, nhưng khi đặt chân đến Anh nhiều người nhận ra đó không phải thiên đường.
Một ngày tháng 11/2012, khi đường băng sân bay Nội Bài mờ dần trong sương, đồng ruộng bờ bãi ở lại phía sau, Hưng (tên nhân vật đã thay đổi - PV) bắt đầu chuyến hành trình đến Pháp cùng với 6 người khác. Họ nhận ra đồng hương vì cùng nói giọng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Với nhiều người, đó là chuyến bay đầu tiên trong đời và là một chuyến bay rất dài.
Không biết bằng cách nào “đường dây” lo được visa du lịch đi Pháp, Hưng chỉ biết mức giá, hình thức giao tiền. Hưng không biết người lo cho mình tên gì, nhà ở đâu, hoặc có biết, anh cũng không muốn kể. Những người tổ chức các chuyến vượt biên cho người Việt chỉ tồn tại qua khái niệm “đường dây”. Không ai muốn nói cụ thể về họ. Nó giống như một giao ước ngầm.
Sau chuyến bay dài, máy bay hạ cánh thì đã có người chờ sẵn ở Pháp. Thủ tục đầu tiên là hủy hộ chiếu Việt Nam. Hưng và những người đi cùng trở thành những kẻ mà anh gọi là “Người từ trên trời rơi xuống”. Không gia đình, không quê hương bản quán. Chất giọng xứ Nghệ không đủ để xác định thân phận. Nhưng bằng cách đó, họ sẽ không bị trục xuất về Việt Nam nếu không may bị cảnh sát bắt. Trở về nghĩa là dồn gia đình vào ngõ cụt của nợ nần. Hơn 20.000 euro trả cho “đường dây” là khoản vay nóng, lãi tính theo từng ngày.
"Người từ trên trời rơi xuống"
Chẳng ai sốc hay kinh ngạc vì những thủ tục tiếp theo của chuyến hành trình. Đó là những ngày sống trong trại tị nạn của Liên Hợp Quốc ở Paris (Pháp). Những “người từ trên trời rơi xuống” - như cách Hưng tự gọi mình - chờ ngày ra tòa và chờ ngày được thả.
Hưng ở trong trại 12 ngày. “Đi đông người thì thấy bình thường, chỉ thi thoảng lo lắng người ta nhốt lại luôn, không thả ra nữa”, anh nói. Giáng sinh đầu tiên trên đất lạ của Hưng trôi qua trong trại tị nạn đó.
12 ngày sau, một chiếc xe thả Hưng giữa đường. Người từ “đường dây” đến đón và mua vé tàu cho cả nhóm đi Đức. Những ánh đèn trang trí lấp lánh trên đường đi gợi nhớ quê nhà. Quê Hưng là một giáo xứ, đường vào làng luôn rực rỡ dịp lễ Giáng sinh và năm mới.
Ở Đức, Hưng tìm được công việc đầu tiên là bán thuốc lá trên đường phố. Mỏi mệt với việc chạy trốn cảnh sát, anh chuyển sang làm việc trong những quán ăn của người Việt. “Tôi 9h30 sáng ra khỏi nhà thì 23h mới xong, mỗi ngày làm việc 12 giờ”. Mùa đông đầu tiên ở Đức, Hưng chỉ muốn về nhà.
Số phận mình phụ thuộc vào đường dây, phó thác cho may rủi. May thì kiếm đủ tiền vốn, không may thì mất hết
Ngay tháng đầu tiên, những người đồng hương cho vay 50-100 euro để gửi về. Ở quê, món nợ theo lãi ngày vẫn là nỗi canh cánh của gia đình. Như mọi lao động bất hợp pháp người Việt, Hưng không chuyển tiền qua ngân hàng. Anh gửi tiền cho một người Việt sống ở Đức rồi người nhà sẽ đến gia đình những người đó để rút tiền. Lúc nào cũng mất một khoản phí và thứ duy nhất ràng buộc nhau là lòng tin.
Ở Đức 2 năm rưỡi, Hưng muốn về. Người vợ trẻ ở nhà cũng nhắn chồng về. Những giấy tờ tạm phía Đức cấp cho cũng đã hết hạn. Đó cũng là lúc những người đồng hương nói về việc đến Anh với thu nhập cao hơn. Hưng quyết định mạo hiểm bởi vì khoản tiền tiết kiệm sau khi trả hết nợ cũng không nhiều nhặn gì.
Một lần nữa, Hưng quay trở lại Pháp trên một chiếc xe buýt. Chuyến xe đó dẫn anh đến khu rừng cạnh cảng Calais. Hưng chọn “đi cỏ” (trốn trên những chiếc container. Hình thức này khác với “đi VIP” là tài xế biết được sự hiện diện của những người di cư trên xe của mình - PV). 2.200 euro là số tiền anh phải trả cho “đường dây”. Số tiền là mồ hôi nước mắt của những ngày lang thang bán thuốc lá, chạy trốn cảnh sát trên đường phố Berlin.
Những ngày ở Calais (Pháp), Hưng và hàng chục người khác sống trong một nhà kho bỏ hoang. Cuối tuần, tình nguyện viên của các tổ chức nhân đạo đưa đi tắm, đi đá bóng. “Chúng tôi cũng nấu cơm, có thịt như ở nhà”, anh nhớ lại.
Ở đó, có những người đã ở Pháp cả năm chờ vận may sang Anh, có người ở vài tháng. Hưng là người mới.
Hưng đi vào mùa hè để tránh cái lạnh tê tái của mùa đông. Mỗi ngày, cứ 22h30, những người như anh, dưới sự dẫn dắt của 1 người trong đường dây, sẽ đi bộ xuyên rừng ra đường lớn. Mỗi lần có ánh đèn quét qua, cả nhóm phải nằm rạp xuống. “Muốn qua được trạm phải mất 7-8 công đoạn”, Hưng kể.
Những người đi lậu không mang gì ngoài 1-2 bộ quần áo, không giấy tờ, không kỷ vật. Có điện thoại cũng không được dùng.
Chui lủi giữa rừng
Lần 1, Hưng được đẩy lên một xe container chở linh kiện. Lái xe nghi ngờ và chở thẳng vào trạm cảnh sát. Hưng lại phải đi bộ về từ cảng. Những cảnh sát kiểm tra, thả về và nói thêm: "Hẹn gặp lại ngày mai".
“Họ biết, ngày mai chúng tôi sẽ tìm cách quay lại trên một chiếc xe khác”.
Ở Calais cùng với Hưng có đến 300 người, hầu hết là người Việt không thể vượt qua được biên giới để tới Anh. “Chúng tôi chen chúc, không có chỗ mà ngủ. Đêm đêm, người này ra đi thì người kia đến thế chỗ. Đêm nào cũng có người vượt. Chẳng ai nghĩ đến cái chết. Đã đi đến đây rồi…”
Sau 2 lần bị phát hiện và phải đi bộ về, Hưng thử lần thứ 3 trong vòng 15 ngày. Vẫn 22h30, gói ghém một bộ quần áo, Hưng đi xuyên rừng. Lần này, “đường dây” chỉ cho Hưng leo lên một xe container chở gỗ. “Tôi nằm yên giữa những khúc gỗ to gấp mấy lần cơ thể mình. Nếu gỗ rơi xuống chắc tôi cũng bẹp dí”.
Đêm nào cũng có người vượt. Chẳng ai nghĩ đến cái chết. Đã đi đến đây rồi…
0h, Hưng nằm yên trên xe. Mùi gỗ gợi nhớ quê nhà. Nhưng chiếc xe container phải chờ ở cảng Calais đến tận 16h. Ít nhất, anh vẫn thở được giữa những khe gỗ. Rồi container được chuyển lên phà. Hưng biết chính xác thời gian nào mình được cẩu lên. Anh nghe rõ cả tiếng máy cẩu lẫn tiếng container được xếp vào chỗ.
Vào đến Anh, xe chạy thêm 2 tiếng nữa sâu vào nội địa. Hưng thở phào vì sẽ không bị trục xuất về Pháp nữa. “Tôi là người may mắn. Phía bên kia cánh rừng, cả trăm người vẫn vượt hàng đêm và phần lớn đều phải thất vọng trở về”.
Trốn khỏi container, Hưng đã thấy trực thăng bay vù vù trên đầu. Đinh ninh họ đang truy tìm mình, anh chỉ còn cách chạy vào rừng trốn.
Đó là những giây phút kể cả lúc ở quê, ngồi trong trại tị nạn ở Pháp hay rong ruổi trên đường phố Berlin ở Đức, Hưng chưa từng nghĩ đến. Hai ngày trời, người đàn ông quê Nghệ An trốn trong rừng ở Anh quốc. Mưa phùn lạnh thấu xương. Không đồ ăn, chỉ biết bứt táo hoặc nho dại chống đói.
“Tôi không có gì cả. Không có gì ăn, không có gì mặc, không có gì che mưa”. Đêm trong rừng, Hưng như con thú hoang, thấy ánh đèn là nằm rạp xuống im lặng và sợ hãi.
Rồi cũng không thể ở mãi trong rừng, anh lần theo đường đi tìm khu dân cư. “Thật khó để nói về cảm giác lúc đó. Đói và lạnh. Tôi xin ăn bất cứ người nào tôi gặp. Tôi ra hiệu nhờ điện thoại để gọi cho người quen nhưng dân bản địa cũng không dám”. Rồi Hưng cũng kết thúc ngày của mình ở đồn cảnh sát.
Ở đồn 2 tuần, cảnh sát chuyển Hưng vào trại di dân. Cũng như ở Pháp năm 2012, tiếp tục là những cuộc phỏng vấn, xác minh thân nhân qua người phiên dịch. Hưng chỉ biết chờ đợi.
"Mình là người rơm, không giấy tờ, không thân phận"
Cuối cùng Hưng cũng được thả ra. Những người quen đón về nhà, cho ăn ở và tìm việc. “Không giấy tờ. Chút tiếng bập bẹ cũng không biết. Tôi đi học làm nail nhưng thấy không ổn lắm nên kiếm việc khác”.
Hưng đi trồng cần sa gần 1 năm. Thu nhập cao hơn nhưng cũng nguy hiểm. Có thời gian cứ gần đến thu hoạch thì bị cướp. “Họ không giết bọn tôi mà chỉ trói lại, lấy hết cần sa đi. Nhưng cũng có người bị đánh gần chết” - Hưng nhớ lại - “Tôi sống một mình trong trại cần sa. Hàng tuần có người tiếp thực phẩm. Vụ đầu tiên kéo dài 2,5 tháng. Thu hoạch xong tôi mới ra ngoài 1 lần, mua sắm vài thứ đồ cần thiết”.
Đó là sức lao động, tuổi thanh xuân, thậm chí là cả mạng sống. Nếu không vì đồng tiền, chẳng ai muốn đánh đổi cả
Mùa đông của Hưng trôi qua trong trang trại cần sa, giữa những bóng đèn thắp sáng ngày đêm. “Tôi chỉ ăn, chăm sóc cây, rồi ngồi nhìn ra cửa sổ. Nếu không vì đồng tiền, chẳng ai muốn đánh đổi cả. Ở một mình thì buồn, đi ra đường thì sợ cướp bóc”.
“Mình là người rơm, không giấy tờ, không thân phận. Làm nail, làm quán dễ bị bắt hơn chứ trồng cỏ thì không phải đi ra ngoài, không ai biết hết”.
Hưng cứ lang bạt từ Sunderland, Newcatlse, đến Plynmouth trước khi quyết định về nhà năm 2018. Hưng nói anh chẳng bao giờ có ý định quay lại nước Anh thêm lần nào nữa. “Mỗi lần nghĩ lại là sợ hãi. Đó là sức lao động, tuổi thanh xuân, thậm chí là cả mạng mình”.
“Đi cũng là cái đúng, mà cũng là cái sai. Được cái này thì phải hy sinh cái kia. Nhưng đó không phải là thiên đường như mình nghĩ. Mình phải cày như một con trâu. Đó là đi tìm vận may”, anh thở dài.
“Đã sang đó ai cũng như ai. Vay cả tỷ đồng, có thể chết mà cũng có thể sống. Lên chuyến xe đó rồi không quay lại được nữa. Ở nhà nợ quá lớn. Vay nợ lãi ngày. Mình về cũng chết. Số phận mình phụ thuộc vào đường dây, phó thác cho may rủi. May thì kiếm đủ tiền vốn, không may thì mất hết”.
Ít nhất Hưng vẫn có thể trở về. Mùa hè năm 2018, lúc anh đang lang bạt ở giữa rừng, có một chuyến bay từ Anh về Việt Nam. Chuyến bay đó chở theo thi hài của một người đồng hương. Không may mắn như Hưng, anh này gục ngã ở "thiên đường". Ngày về của anh chỉ là chiếc quan tài lạnh lẽo sau nhiều năm phiêu bạt trên đất Anh.