Người Việt vượt dư chấn tiến sâu vào vùng động đất tại Nhật hỗ trợ đồng bào gặp khó
13 năm trước thảm họa kép xảy ra tại Nhật Bản, anh Nguyễn Tuấn Ngọc mới sang Nhật đã không ngần ngại vác xe máy lên đường cứu hộ. Nay một lần nữa động đất kinh hoàng ập đến, anh cũng gác lại ngày nghỉ Tết, lên đường hỗ trợ người Việt vùng tâm chấn.
Ròng rã cứu hộ, ngủ ngay nơi lánh nạn
"Ai có bạn bè người thân ở tỉnh Ishikawa khó khăn, liên lạc tụi mình", "ngủ tạm nơi lánh nạn mai lại lên đường"… Đó là những lời nhắn của anh Nguyễn Tuấn Ngọc cùng nhóm tình nguyện viên bám vùng tâm chấn hỗ trợ đồng bào người Việt gặp khó khăn trong suốt một tuần đầu tiên kể từ khi xảy ra động đất kinh hoàng ngày đầu năm mới (1/1/2024).
Anh Nguyễn Tuấn Ngọc là người Việt đang sinh sống và kinh doanh tại Nhật Bản hơn 17 năm.
Trận động đất sóng thần kép gây thiệt hại nặng nề tại Nhật Bản năm 2011, anh cũng đã từng chứng kiến. Tuy không sống trong khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng từ đây anh được học nhiều về cách xử lý khi thảm họa xảy ra cùng nhiều kỹ năng khác.
Thời điểm đó, dù gia đình chưa có điều kiện nhưng anh đã vác chiếc xe máy một mình đi hỗ trợ những người bị ảnh hưởng vì động đất.
Còn trong trận động đất đầu năm 2024 này, gia đình anh một lần nữa may mắn nằm ngoài tâm chấn. Song hiểu rõ sự khó khăn khi thảm họa ập đến nhất là với người Việt mới sang Nhật Bản, chỉ một ngày sau khi động đất xảy ra, anh đã chủ động lên đường tìm đến khu vực tâm chấn để hỗ trợ những bà con người Việt gặp hoạn nạn.
Anh tự bỏ tiền tới cửa hàng đồ Việt mua sắm đồ dùng, thực phẩm và nước cần cho các nạn nhân và lên đường. Sau đó, dù không kêu gọi hỗ trợ nhưng các hội nhóm người Việt tại Nhật Bản được tin anh vào khu vực tâm chấn đã kết nối để cùng chuyển hàng cứu trợ tới những người Việt gặp hoạn nạn.
Bất ngờ là anh Ngọc không đơn độc. Dọc đường đi, anh cũng gặp rất nhiều tình nguyện viên khác vào khu vực tâm chấn để hỗ trợ. Các anh tập hợp nhau để lên kế hoạch, mỗi người một địa điểm, tránh trùng lặp đồng thời giữ liên lạc để có thể hỗ trợ nhau trong trường hợp hoạn nạn.
Anh Nguyễn Tuấn Ngọc
Mình đi đường cũng gặp mấy lần dư chấn nhỏ, mưa rét rồi sạt lở nhưng biết làm sao được. Cứ đi trước đã!
Anh Ngọc tự trang bị đầy đủ đồ sửa chữa xe dự phòng như bơm xe tự động, đồ khô, bánh chưng, quần áo, đồ bảo hộ, đèn pin chiếu sáng để dùng tạm và đề phòng bất trắc trong những ngày đi cứu trợ.
Anh Ngọc đi đến đâu lại xin địa chỉ các trung tâm lánh nạn, khu vực tập kết đồ cứu trợ từ đó kết nối đưa người bị mắc kẹt với những nơi an toàn.
Thường trực đội chiếc mũ bảo hộ trắng trên đầu, anh xếp đầy hàng trên ô tô. di chuyển khắp các điểm cần hỗ trợ từ sáng sớm đến đêm muộn, có hôm làm 2-3 giờ sáng.
Nhà cách khu vực tâm chấn ở Ishikawa khoảng 200km nên để tiết kiệm thời gian, tối anh ngủ luôn tại nơi lánh nạn để hôm sau tiện lên đường.
Dù đường sá hư hỏng, đi lại khó khăn nhưng chỉ trong vài ngày, cả nhóm tình nguyện viên mà anh Ngọc tham gia đã liên lạc, kết nối và hỗ trợ được hàng trăm bạn cần giúp đỡ.
Rớm nước mắt thương đồng bào vùng tâm chấn động đất
Nhớ đến khoảnh khắc gặp đồng bào tại nơi động đất tàn phá, anh Ngọc xúc động đến nghẹn lại. Khi hỏi đến đây, phóng viên bất chợt thấy phía điện thoại của anh Ngọc im lặng, nghĩ rằng điện thoại bị mất sóng nên phóng viên đã hỏi lại.
Nhưng anh Ngọc trả lời: "Anh nghe rõ nhưng chờ anh một chút!". Lúc này, người đàn ông trưởng thành đã rớm nước mắt.
Anh kể, mình rất xúc động khi chứng kiến những bạn trẻ mới từ Việt Nam sang chưa thông thạo tiếng Nhật hoang mang và sợ hãi lúc động đất ập đến, mất điện, mất nước và không có sóng điện thoại để liên lạc về gia đình.
"Gặp được đồng bào ở nơi vừa xảy ra thảm họa, các bạn rất mừng!" – anh Ngọc kể.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết:
Tỉnh Ishikawa có hơn 5.000 người Việt Nam, trong đó có khoảng 600 người đang làm việc tại các công ty và nhà máy ở bán đảo Noto. Đây là khu vực bị thiệt hại nặng nhất do động đất tại tỉnh Ishikawa, đặc biệt là các địa phương Wajima, Nanao và Suzu.
Báo cáo của chính quyền tỉnh Ishikawa cho biết hiện chưa có thương vong cộng đồng người Việt Nam tại đây.
Chính những hình ảnh này đã thôi thúc anh Ngọc không quay trở về sau hai ngày đi cứu trợ mà dành trọn thời gian nghỉ lễ để miệt mài đưa nước, thực phẩm, dẫn đường cho các hội nhóm hỗ trợ vào vùng động đất.
Người thân ở Việt Nam, vợ con ở Nhật cũng lo lắng nhưng anh chấn an mọi người sẽ cẩn thận hết sức.
Trong số các đoàn mà anh Ngọc hỗ trợ đưa tới các vùng khó khăn có đoàn của Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka cùng các hội đoàn người Việt tại Kansai, Aichi đến thành phố Nanao, tỉnh Ishikawa hôm 6/1.
Đoàn đã tới gặp một vài trung tâm lánh nạn, cứu hộ và bàn giao nhu yếu phẩm, nước cho chính quyền địa phương để gửi đến người dân, đồng thời trao trực tiếp cho đại diện chính quyền địa phương tiền mặt để đóng góp vào quỹ hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả sau động đất của khu vực Ishikawa.
Đáp lại tấm lòng của các cơ quan ngoại giao, hội đoàn người Việt, Thị trưởng thành phố đã sắp xếp gặp mặt và cảm ơn.
Hiện tại công tác cứu hộ vẫn đang được chính phủ Nhật Bản tiếp tục thực hiện nhưng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tuyết phủ trắng nên lực lượng cảnh sát, quân đội địa phương hạn chế người ngoài vào khu vực tâm chấn.
Anh Ngọc cùng nhóm tình nguyện viên cũng dần phải trở về với công việc nhưng cả nhóm đã lập một đội xe (khoảng 12-15 lái xe), nắm danh sách các tình nguyện viên và phân chia nhau lịch trình hỗ trợ các nạn nhân vùng tâm chấn về lâu dài.
Con số mất tích giảm nhưng số người thiệt mạng tăng cao
Theo thông tin mới nhất về trận động đất mạnh 7,6 độ richter ngày đầu năm mới tại Nhật Bản, công tác cứu hộ ở bán đảo Noto, miền trung Nhật Bản, vẫn tiếp tục.
Càng rà soát sâu khu vực tâm chấn, các đội tìm kiếm cứu nạn phát hiện số lượng người mất tích giảm nhưng số người thiệt mạng tăng cao.
Tính đến 9 giờ sáng 10/1, giới chức ở tỉnh Ishikawa cho biết đã xác nhận được 203 người thiệt mạng và 68 người mất tích.
Cảnh sát địa phương đã tăng cường tìm kiếm người mất tích sau vụ hỏa hoạn ở thành phố Wajima gần tâm chấn của trận động đất. Ước tính, hỏa hoạn gây ảnh hưởng trên phạm vi 48.000 mét vuông và phá hủy hơn 200 nhà cửa.
Công tác cứu trợ đang gặp khó khăn do đường sá bị hư hỏng và điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Tính đến tối 9/1, hơn 3.000 người ở khu vực phía bắc của bán đảo vẫn bị cô lập. Ngoài ra có khoảng 15.000 hộ gia đình vẫn đang bị mất điện, gần 59.000 người vẫn chưa có nước.
Theo NHK, hiện các điểm sơ tán đang cung cấp nơi ở tạm cho hơn 26.000 người, nhiều nơi ngày càng thiếu tình nguyện viên.
Dự kiến, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ thị sát các khu vực bị thiên tai sớm nhất vào ngày 13/1 tới để nắm bắt tình hình và xác định cần làm gì để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.
Trong cuộc họp trực tuyến với các hội đoàn người Việt ngày 6/1, theo TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu đánh giá một số tình nguyện viên người Việt đang rất tích cực hỗ trợ vùng chịu thiệt hại nặng nề bởi động đất ở tỉnh Ishikawa, miền trung Nhật Bản. Nhiều người đã đến tận nơi để hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho người Việt bị ảnh hưởng.
Chia sẻ với các tình nguyện viên, ông nhận định nỗ lực hỗ trợ cần được thực hiện có tổ chức và trên diện rộng. Các kế hoạch phải phối hợp với chính quyền địa phương, không làm ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, cứu trợ của chính quyền sở tại.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu kêu gọi cộng đồng người Việt sẵn sàng hỗ trợ mọi trường hợp khó khăn, bất kể quốc tịch, trong quá trình cứu trợ ở vùng động đất.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thành lập ba nhóm cứu trợ
Để hỗ trợ người Việt trong vùng động đất, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu đề xuất thành lập ba nhóm trong nỗ lực cứu trợ. Nhóm thứ nhất gồm tình nguyện viên người Việt hoạt động trong vùng xảy ra động đất, xác định khu vực có người Việt bị ảnh hưởng và thu thập thông tin nhu cầu địa phương.
Qua hỗ trợ kết nối giữa Đại sứ quán Việt Nam và chính quyền địa phương, nhóm có thể tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ hiệu quả hơn, cũng như hỗ trợ các đoàn tình nguyện từ nơi khác đến.
Nhóm thứ hai có tham gia của liên hiệp hội, các hội đoàn, đại sứ quán và tổng lãnh sự quán có nhiệm vụ điều phối, đảm bảo thông suốt thông tin và cứu trợ hiệu quả.
Nhóm thứ ba gồm lãnh đạo các hội đoàn người Việt và hội đoàn địa phương, tập trung vận động nguồn lực cho cứu trợ.