Người vợ bí mật của nguyên soái Josip Broz Tito
Nguyên soái Josip Broz Tito (1892-1980) là Tổng thư ký kiêm Chủ tịch Liên đoàn Những người cộng sản Nam Tư (từ năm 1939 đến năm 1980), ông tham gia và lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Tư trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Sau đó, Tito trở thành Thủ tướng và Tổng thống (1945-1980) của Cộng hòa Liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư cho đến khi mất. Nhiều người đã biết về sự chia rẽ giữa Liên Xô và Nam Tư và những âm mưu thủ tiêu “tên phát xít” Tito của Stalin. Nhưng, còn có một bí mật đóng vai trò nhất định ở đây. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Con người bí ẩn
Josip Broz Tito là một chính khách tầm cỡ. Ông cũng là nhà tiên tri, chiến lược gia và nhà hoạt động quốc gia được thế giới công nhận. Bằng tài năng phi thường và trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, ông đã làm nên một sự nghiệp lẫy lừng.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông và các chiến sĩ du kích của mình đã giải phóng Nam Tư khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức. Đây là sứ mệnh mà ông đã hoàn thành một cách vẻ vang và hợp thức hóa sự cầm quyền lâu dài của mình. Nếu không có “người du kích vĩnh cửu”, nước Nam Tư có thể đã không tồn tại sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trong suốt 35 năm cầm quyền, ông là nhà lãnh đạo không thể thay thế của Nam Tư. Nhưng, nước Nam Tư của Josip Broz Tito chỉ tồn tại lâu hơn người khai sinh ra nó gần 1 thập kỷ và làn sóng bạo lực xảy ra sau đó là điều mà châu Âu chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Josip Broz Tito là con người bí ẩn. Ngay cả ngày sinh của mình ông cũng ghi khác nhau vào những thời điểm khác nhau và viết tên mình theo những cách khác nhau: Khi thì Josef, khi thì Joser, khi thì Josif. Về nguồn gốc của bí danh "Tito" mà ông nhận được ở Moscow vào năm 1935 và trở thành họ thứ hai của ông, cũng có những giả thuyết khác nhau.
Mặt khác, tính cách của Tito rất mâu thuẫn. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình dân, một du kích quân và anh hùng dân tộc, Tito thích sự xa xỉ, ông xây cung điện, sắm du thuyền, nuôi ngựa, hút xì gà đắt tiền, đeo chiếc nhẫn đính một viên kim cương lớn và mặc quân phục nguyên soái màu trắng thêu kim tuyến. Là một người không ngại đối đầu với Stalin, ông đã xây dựng "chủ nghĩa xã hội thị trường" trên đất nước mình, cho phép những người công nhân và tập thể lao động nhiều quyền hơn cả trong thời kỳ cuối của Liên bang Xôviết. Là người đứng đầu các nước "không liên kết", Tito vẫn là một nhà độc tài, thích được tôn sùng và thẳng tay đàn áp các đối thủ chính trị...
Đến Liên Xô với hộ chiếu giả
Một trong những bí mật của Josip Broz Tito đã được Marie-Janine Calic, giáo sư tại Đại học Munich, chuyên gia về lịch sử Đông Âu và Đông Nam Âu, tiết lộ trong cuốn sách "Tito. Người du kích vĩnh cửu". Bí mật này liên quan đến cuộc sống của Tito ở Moscow trong những năm “Đại thanh trừng” (1936-1938) và nguyên nhân bí mật, rất riêng tư của cuộc tranh cãi giữa ông và Stalin. Tất nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất và quan trọng nhất (đã có những bất đồng chính trị rất lớn và nỗ lực của Nam Tư nhằm thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Moscow). Nhưng, xét về nhiều mặt, nguyên nhân này rất căn bản.
Josip Broz Tito đến Moscow theo đường vòng và với hộ chiếu giả sau khi bị bỏ tù (ông bị kết án 5 năm tù ở Nam Tư vì tham gia Đảng Cộng sản bị cấm và sở hữu súng) vào tháng 2 năm 1935. Ông đến Moscow, nói một cách nhẹ nhàng, không đúng lúc lắm. Ở hai thành phố Moscow và Leningrad đang diễn ra các vụ bắt bớ và các cuộc họp hành triền miên, tại đó người ta vạch mặt "những kẻ theo chủ nghĩa Trotsky", kể cả các đảng viên cộng sản nước ngoài. Tại Quốc tế Cộng sản, Tito mang bí danh "Friedrich Walter" và được bố trí ở trong căn phòng nhỏ số 275 của khách sạn "The Luxe" trên phố Gorky. Các cán bộ của Quốc tế Cộng sản và đại biểu của các đảng cộng sản nước ngoài đều sống ở đây, cách biệt với thế giới Xôviết bên ngoài.
Tòa nhà kiểu mẫu này do doanh nhân Filippov xây dựng năm 1911 và từ đó chưa được sửa chữa. Những người cộng sản Đức sống ở đây phàn nàn về điều kiện sinh hoạt tồi tệ của "The Luxe": Phòng ở chật chội, thiếu tiện nghi, nhà vệ sinh được bố trí ngoài hành lang, bếp chung, bẩn thỉu, nhiều chuột, mỗi tuần chỉ được tắm một lần... Nhưng, đối với Tito, người sinh ra và lớn lên ở Nam Tư trong những điều kiện khác, cuộc sống ở khách sạn là một sự xa hoa: Ở "The Luxe" có hệ thống sưởi ấm trung tâm, điện thoại, nước nóng, tầng nào cũng có bếp ga, nhà ăn, tiệm bánh, thậm chí cả hiệu cắt tóc...
Huấn luyện đặc biệt ở Moscow
Josip Broz Tito đã làm gì ở Moscow? Điều này cũng không hoàn toàn rõ ràng. Trong vòng mấy tháng trời, dường như ông biến mất. Rất có thể, ông tham gia khóa huấn luyện đặc biệt tại các lớp học bí mật của Quốc tế Cộng sản, nơi người ta đào tạo các tình báo viên và quân nhân. Điều này chắc chắn rất bổ ích đối với Josip Broz Tito trong cuộc chiến tranh du kích chống phát xít Đức tại các vùng rừng núi của Nam Tư trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Josip Broz Tito nhiều lần gặp gỡ với các cán bộ của Quốc tế Cộng sản, thảo luận với họ về tình hình Nam Tư và Đảng Cộng sản Nam Tư, viết bản “nhận xét” về các đồng chí của mình... Tất cả những người cộng sản đều có nghĩa vụ thực hiện điều này. Nhưng, các "nhận xét" do Tito cung cấp và được lưu giữ tại phòng nhân sự của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản không phải là những bản tố giác chính trị (như Marie-Janine Calic nhấn mạnh trong cuốn sách của bà và có bằng chứng đáng tin cậy). Nếu ông nêu ra những mặt tiêu cực nào đó của các cán bộ lãnh đạo đảng thì chỉ thuần túy mang tính chất cá tính, ví dụ: Người này can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ và chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân, người kia phản bội vợ, v.v...
Chuyện tình ở khách sạn "The Luxe"
Về đời tư, bản thân Josip Broz Tito không phải là người hoàn toàn trong sáng. Ở Moscow, ông ly hôn vợ mình là Pelageya Belousova, người mà ông không gặp kể từ năm 1929, khi bà cùng con trai Zharko di cư sang Liên Xô. Tito rất giận vợ vì bà ta hoàn toàn bỏ rơi con trai của họ khi ông đang ngồi tù ở Nam Tư. Zharko là một thiếu niên hư và chẳng bao lâu bị đưa vào trại cải tạo, nhưng bà Pelageya thậm chí không biết trại nào. Sang Moscow, Tito nhanh chóng tìm được con trai và đưa về sống với mình, nhưng ông không làm sao quản lý được cậu bé: Zharko giao du với một nhóm côn đồ, trộm cướp...
Còn một lý do khác dẫn tới vụ ly hôn của họ. Ở khách sạn “The Luxe”, Tito gặp cô gái trẻ người Đức Lucie Bauer (tên thật là Johanna Elsa König). Cô sinh ra và lớn lên ở thành phố Chemnitz của Đức, trong một gia đình công nhân, là đoàn viên Thanh niên cộng sản Đức. Năm 19 tuổi, Lucie sinh con gái. Một năm sau, Đảng Cộng sản cử cô đến Moscow tham gia các khóa đào tạo những người hoạt động bí mật. Con gái cô ở lại với ông bà bên Đức.
Ngay sau đó, Lucie rơi vào danh sách những người bị Gestapo truy nã, vì vậy cô không thể trở về quê hương. Trở thành chính trị gia lưu vong, cô tốt nghiệp khóa đào tạo nhân viên đồ họa và làm việc tại nhà máy vô tuyến điện ở Moscow. Vì nói tiếng Nga kém, cô giao tiếp với "đồng chí Walter" bằng tiếng Đức (Tito biết tiếng Đức và một vài ngôn ngữ khác). Lucie chuyển đến sống với Tito và con trai ông ở phòng 275. Thật bất ngờ, cậu bé tỏ ra quý mến mẹ kế và nghe lời cô.
Số phận bi thảm của Lucie Bauer
Nhưng, mối tình của nhà cách mạng Josip Broz Tito 44 tuổi và cô gái trẻ Lucie Bauer 22 tuổi không kéo dài được bao lâu. Ngày 13/10/1936, họ chính thức kết hôn và 3 ngày sau, theo chỉ thị của Georgy Dimitrov (Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đệ tam Quốc tế từ năm 1935 đến năm 1943), Tito về nước để lập lại trật tự trong Đảng Cộng sản Nam Tư đang bị chia rẽ bởi các cuộc tranh giành quyền lực. Dimitrov hứa với Tito rằng Lucie và Zharko sẽ trở về Nam Tư ngay khi cuộc sống của ông được thu xếp ổn định. Nhưng, điều này đã không bao giờ xảy ra.
Mãi đến tháng 3/1937, Lucie mới nhận được bức thư đầu tiên của chồng mình. Bức thư bắt đầu bằng dòng chữ: "Em thương yêu của anh!". Tito viết rằng ông đang tìm mọi cách để đưa cô và Zharko trở về Nam Tư càng sớm càng tốt. Và, đó là sự thật. Tito đã nhiều lần viết thư cho Dimitrov cầu xin ông giải quyết nhưng ông ta chỉ trả lời chung chung.
Lucie Bauer bị Bộ Dân ủy nội vụ Liên Xô bắt cùng hơn 4.000 người Đức lưu vong khác bị buộc tội oan là gián điệp, phá hoại ngầm và đặc vụ của Gestapo. Cô bị buộc tội theo Điều 58 khét tiếng và mặc dù Lucie không thừa nhận mình là gián điệp nhưng cô vẫn bị kết án tử hình. Ngày 29/12/1937, Lucy bị bắn ở Butovo, Moscow.
Một thời gian dài, Tito cố gắng tìm hiểu số phận của Lucie nhưng những người mà ông có thể hỏi thăm đều lần lượt biến mất. Thật khó nói ông nhận được tin về cái chết của Lucie từ bao giờ. Ông không nói với ai rằng cô là vợ ông. Nhưng, năm 1948, khi diễn ra xung đột giữa Tito và Stalin, nhiều người nhìn thấy sức chịu đựng đáng kinh ngạc, sự kiên trì và lòng dũng cảm của Tito (rõ ràng là Stalin tìm mọi cách để thủ tiêu ông) không những khát vọng bảo vệ nền độc lập của Nam Tư mà còn những nguyên nhân riêng tư nào đấy. Rất có thể, một trong những nguyên nhân đó là số phận bi thảm của người vợ trẻ của ông?