Người vô gia cư Mỹ giữa đại dịch Covid-19: Ổ dịch tiềm tàng, nỗi khổ giữa thiên đường

Hàng tỷ người đã được lệnh ở nhà để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Nhưng những người vô gia cư thì sao? Họ biết về đâu, làm gì để thoát nguy cơ tử vong cao từ đại dịch? Cách ly xã hội là không thể trong các lều trại và nơi trú ẩn đông đúc của họ.

“Cô ấy đã 9 ngày không tắm”, Harry Sanchez - một người vô gia cư ở thành phố đông đúc Los Angeles (Mỹ) nói về cô bạn của mình. Sanchez biết tầm quan trọng của việc rửa tay trong những ngày này, nhưng anh không bao giờ chắc chắn liệu có thể được tiếp xúc với nước và xà phòng một cách thường xuyên.

Cũng giống vô số người gia cư ở Mỹ, hành lý của Sanchez chẳng có gì. Nháy mắt vui vẻ với một cái radio cầm tay, trong khi đồ đạc xếp tất cả bên trong cái túi đặt bên cạnh chiếc xe đạp leo núi, trong Công viên Lincoln, người đàn ông 58 tuổi cũng bày tỏ sự quan tâm như bất cứ ai khi bàn về tình hình virus Corona.

Vô gia cư từ năm 2014, Sanchez cho biết, anh thường cố gắng giữ sạch sẽ bằng cách đến các công ty có nhà vệ sinh công cộng hoặc cố tích cóp để có thể đủ mua khăn lau tay. Tuy nhiên, khi mà ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Los Angeles phải đóng cửa vì số lượng người nhiễm nCoV tăng mạnh, thì những lựa chọn ít ỏi để Sanchez duy trì vệ sinh cơ bản cũng cạn dần.

“Tất cả mọi thứ đều đóng cửa, ngay cả những nơi mọi người thường “giải quyết” cũng đóng nốt… Có rất nhiều cơ hội để bạn chứng kiến những thứ bẩn thỉu, mất vệ sinh ở ngoài đường”, Sanchez ngao ngán.

Rita Rios và con gái bên ngoài một phòng tắm di động

Sự nguy hiểm của virus Corona là điều đã được chứng minh và nhiều người lo ngại rằng dịch bệnh có thể bùng phát trong cộng đồng người vô gia cư dễ bị tổn thương của Los Angeles. Nó có thể trở nên đặc biệt nguy hiểm, gây căng thẳng hơn nữa cho các bệnh viện vốn đã quá tải.

Với việc vệ sinh là điều quan trọng để ngăn chặn tình trạng đó, nhưng những người trong tình huống của Sanchez thậm chí còn phụ thuộc vào mạng lưới vòi sen di động, trạm vệ sinh công cộng và một phần bởi các tình nguyện viên sẵn sàng mạo hiểm sức khỏe của họ để giúp đỡ người khác.

Mel Tillekeratne, người sáng lập tổ chức "Vòi hoa sen Hy vọng", bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ lây nhiễm virus Corona từ những người vô gia cư:

“Điều mà chúng tôi nói với các nhân viên là đó (người vô gia cư) thực sự là con quái vật. Nó có thể lây lan mà không loại trừ bất kỳ ai. Mọi người được khuyến khích nếu họ muốn nghỉ phép. Mạng lưới các xe kéo với các trạm giặt hoạt động trên khắp Hạt Los Angeles. Nhưng tôi thực sự nghĩ chúng tôi sẽ dừng hoạt động. Tôi nghĩ các chàng trai của chúng tôi sẽ lây nhiễm nhanh chóng như có thể. Ôi không! Chúng tôi cần họ hơn bao giờ hết”.

Người đàn ông chuẩn bị vào phòng tắm tại Lincoln Heights của tổ chức phi lợi nhuận với sáng kiến "Vòi hoa sen Hy vọng"

Vẫn chưa có trường hợp nào được xác nhận nhiễm Covid-19 trong dân số vô gia cư của Los Angeles, nhưng đã có ít nhất sáu sĩ quan cảnh sát Los Angeles có kết quả xét nghiệm dương tính ở Đồn cảnh sát Trung tâm Los Angeles (LAPD’s Central Division) - nơi điều hành tuần tra khu trung tâm thành phố và các khu vực khác.

Mức độ lan truyền thực sự của virus Corona không thể biết chính xác, bởi không có kiểm tra hay xét nghiệm. Một số nhà hoạt động lo ngại rằng việc bùng phát dịch bệnh chỉ còn là vấn đề thời gian. Đã có một số người vô gia cư có triệu chứng giống cúm đang cách ly và chờ kết quả xét nghiệm.

Một nghiên cứu mới cho thấy, có tới 2.600 người vô gia cư ở khu vực Los Angeles có thể phải nhập viện nếu virus lây lan giữa những người sống trong vùng bị phong tỏa.

Các quan chức thành phố và quận đã công bố các biện pháp mở rộng để đưa những người vô gia cư ra khỏi cuộc sống đường phố như một phần trong nỗ lực lớn hơn để chống lại virus.

Thành phố đang mở các nhà tạm trú trong các trung tâm giải trí trên khắp Los Angeles; đặt tổng cộng 360 trạm rửa tay ở nhiều khu phố khác nhau và tung ra hàng tá xe tải tắm di động, theo hồ sơ công bố ngày 23/3 liên quan đến tình trạng người vô gia cư ở Hạt Los Angeles.

Tuy nhiên, những người ủng hộ đã nói rằng, một số trạm rửa tay đã hết nước hoặc trở nên quá bẩn để sử dụng. Với những thành phố vẫn đang triển khai ứng phó khủng hoảng, các nguồn lực lâu đời như sáng kiến "Vòi hoa sen Hy vọng""Điểm làm mới Cộng đồng Skid Row" có khả năng chứng minh thậm chí còn cần thiết hơn trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus Corona.

Vào thứ Năm tuần trước, một số người vô gia cư đã vội vã rời khỏi một khu nhà tạm cạnh Công viên Lincoln tại Lincoln Heights, và một loạt các nhà xe di động gần đó trên Đại lộ Valley quay đầu hướng về xe moóc tắm di động "Vòi hoa sen Hy vọng". Một giờ sau, một hàng dài người vô gia cư có nhu cầu sử dụng tràn ra đường Crocker, làm tắc nghẽn giao thông.

“Tôi đã nhìn thấy nó sáng nay. Ồ, cảm ơn Chúa, họ đã trở lại", Rita Rios, 25 tuổi, người đã nắm bắt cơ hội vàng để tắm rửa tại xe moóc tắm di động "Vòi hoa sen Hy vọng", với con gái lớn 8 tuổi, Shailene. Hai mẹ con họ sống trong một chiếc ô tô gần đó và cho biết họ rất khó giữ sạch sẽ với thời tiết mưa trong những tuần gần đây.

“Xe moóc tắm di động "Sen vòi Hy vọng" hoạt động ít nhất một lần mỗi tuần tại Công viên Highland, Lincoln Heights, Hollywood, Koreatown, Công viên MacArthur, El Monte và Pasadena”, Tillekeratne nói.

Daniel Monreal, tình nguyện viên 58 tuổi, dọn dẹp xe moóc di động "Vòi hoa sen Hy vọng" tại Công viên Lincoln, ở Lincoln Heights

Mặc dù bắt đầu như một nỗ lực tình nguyện, nhóm phi lợi nhuận đã bắt đầu nhận được tài trợ và hợp tác với Cơ quan Dịch vụ Vô gia cư Los Angeles và văn phòng của Ủy viên Hội đồng Thành phố Los Angeles Gil Cedillo vào năm 2018.

Tillekeratne cho biết, các biện pháp cách ly xã hội và phản ứng cộng đồng đối với virus Corona đã có tác động khủng khiếp tới người vô gia cư.

Ngoài việc đóng cửa các doanh nghiệp có thể cung cấp cho họ một phòng tắm hoặc ít nhất là nơi trú ẩn ngắn ngủi, thì chuyện tích trữ vật tư từ các cửa hàng tạp hóa hay kho xưởng lớn cũng ảnh hưởng đến người vô gia cư, những người không đủ khả năng để dự trữ và thiếu không gian an toàn để lưu trú.

Một người phụ nữ thường ghé thăm địa điểm của nhóm "Công viên Highland", đã để lại một tin nhắn tuyệt vọng trên địa chỉ Facebook của Tillekeratne trong tháng này.

“Cô ấy đã vào một trong những trang của chúng tôi và đăng bài viết đau lòng này… nói rằng cô ấy đã không tắm trong chín ngày và một trạm xăng đã ngăn cô ấy sử dụng phòng tắm”, Tillekeratne chia sẻ. “Cô không thể mua giấy vệ sinh ở bất cứ đâu”.

Pete White - Giám đốc điều hành của Mạng lưới hành động cộng đồng có trụ sở tại Los Angeles, nói rằng mặc dù ông hoan nghênh cư dân thành phố Los Angeles đã tuân thủ phần lớn Lệnh “Ở nhà an toàn hơn” của Thị trưởng Eric Garcetti, để giảm sự lây lan của Corona virus và Covid-19, nhưng việc phong tỏa toàn thành phố đã có những hậu quả không lường trước được.

“Kết quả của sự tự cô lập và các đơn đặt hàng tại nhà như những gì chúng ta đang thấy là sự sụt giảm trong việc cung cấp thực phẩm từ thiện”, Pete White nói.

“Vấn đề đã trở nên tồi tệ hơn bởi điều kiện đông đúc, chật chội và mất vệ sinh ở khu ổ chuột, nơi mà chuyện cách ly xã hội và vệ sinh cơ bản gần như không thể. Bốn trong số sáu trạm rửa tay mà thành phố đặt trong khu “xóm liều” đã bị rút nước và không được đổ đầy lại”, White nói.

Alex Comisar - phát ngôn viên của Thị trưởng Garcetti, cho biết các nhân viên vệ sinh đang dọn dẹp trạm rửa tay hàng ngày và thông báo cho thành phố khi cần bổ sung xà phòng và nước. "Thành phố sau đó chuyển tiếp thông tin đó cho United Site Services, nhà cung cấp phụ trách việc nạp lại các trạm”, ông nói.

Một cặp vợ chồng người vô gia cư tại công viên Lincoln Park

Tại Lincoln Heights, Daniel Monreal (58 tuổi) đeo một đôi găng tay mới trước khi quét sạch một phòng bên trong xe moóc di động "Vòi hoa sen Hy vọng". Anh quyết định vào nhóm tình nguyện lần đầu tiên hôm thứ Năm tuần trước, trong khi đang làm công việc thợ sửa ống nước tại trường Pasadena.

Monreal cho biết anh tự tin rằng mình đã thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo vệ bản thân khỏi bị phơi nhiễm và nghĩ rằng điều quan trọng là phải giúp đỡ cộng đồng trong đại dịch.

“Có lẽ một ngày nào đó, chúng ta có thể ở cùng một vị trí. Chúng ta cũng sẽ vô gia cư vì không thể trả tiền thuê nhà bởi không có việc làm và bởi vì toàn bộ chuyện này”, ông nói. “Tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu có ai giúp chúng tôi?”.

Những chia sẻ của Monreal, Tillekeratne hay Harry Sanchez chỉ là những ví dụ cụ thể trong vô số những ví dụ của hàng ngàn người vô gia cư Mỹ vẫn đang sống khốn khổ và tội nghiệp giữa đất nước giàu có như Mỹ.

Các nhà nghiên cứu tại một số trường đại học ước tính rằng, nếu 40% của khoảng 600.000 người vô gia cư ở Mỹ bị nhiễm bệnh, hơn 21.000 người có thể phải nhập viện và gần 3.500 người có thể chết.

Vì vậy, các quan chức cố gắng giúp người vô gia cư có chỗ trú ngụ để không còn phải ngủ trên đường phố. Một lựa chọn an toàn hơn là thuê phòng khách sạn cho họ, cho phép họ tự cách ly. Có điều, người ta sẽ phải tốn rất nhiều tiền trong bối cảnh những mối lo khác dần hiển hiện.

Người ta dự báo, một lo ngại khác sẽ hiện hữu ở Mỹ là sẽ có thêm nhiều người có thể trở thành vô gia cư nếu các lao động bị sa thải do dịch bệnh không thể trả tiền thuê nhà...

Hoài Đức

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-vo-gia-cu-my-giua-dai-dich-covid-19-o-dich-tiem-tang-noi-kho-giua-thien-duong-post75713.html