Người vợ Liệt sĩ gần nửa thế kỷ 'thủ tiết thờ chồng' (Bài cuối: khắc khoải ngày đoàn tụ)
Hòa bình lập lại, bà đau đớn nhận giấy báo tử của chồng, thế nhưng sự chờ đợi, niềm hy vọng vẫn không dứt bởi mộ liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy. Mãi đến năm 2009, khi đồng đội của chồng gửi thư báo tin tìm thấy mộ liệt sĩ Kiền thì bà mới hết hy vọng...
Nuôi hy vọng chồng còn sống sót
Tháng 4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, non sông thu về một mối, hàng triệu gia đình được đoàn tụ, thế nhưng ông Nguyễn Văn Kiền vẫn chưa về. Linh tính điều xấu đã xảy ra nhưng rồi bà Lương lại gạt bỏ và tự an ủi mình: “Chắc anh ấy đang điều trị vết thương ở đâu đó, rồi sẽ có ngày trở về quê nhà”.
Cuối năm 1976, bà Lương mới nhận được giấy báo tử của chồng. Nhưng khi đọc đến nội dung ghi “liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền hy sinh năm 1972 tại mặt trận phía Nam” thì bà phát hiện có sự sai lệch. Bởi lá thư cuối cùng chồng gửi về ghi mốc tháng 10-1973.
Cũng bởi mốc thời gian trong giấy báo tử ghi sai nên bà Lương vẫn luôn nuôi hy vọng chồng mình vẫn còn sống. Nhưng, bẵng đi một thời gian dài, không nhận được tin tức của chồng, bà mới bắt đầu chấp nhận sự thật là ông đã hy sinh… “Sau khi thấy sự sai lệch trong giấy báo tử, tôi đã lên phòng chính sách của huyện để trình bày. Thực sự trong lòng tôi vẫn nuôi hy vọng là anh ấy còn sống, sẽ trở về với mẹ con tôi. Bởi thực tế, sau khi hòa bình lập lại, nhiều đồng đội dù gia đình đã nhận giấy báo tử nhưng sau đó họ vẫn trở về. Tôi nghĩ chồng mình vẫn còn sống, đến nỗi khi đi ra đường, thấy ai có dáng giống anh ấy, lòng tôi lại khập khởi tia hy vọng. Để rồi lại tuyệt vọng…” – bà Lương gạt nước mắt.
Một mình nuôi con khôn lớn, bà Lương không có ý định đi thêm bước nữa, một phần bởi lời hứa bà nói với chồng trước khi ông đi làm nhiệm vụ, phần sâu thẳm trong lòng bà vẫn không thôi nuôi hy vọng…
Hành trình trở về đất mẹ
Trong suốt nhiều năm, dù gia đình liệt sĩ Kiền đã nỗ lực tìm kiếm khắp mọi nơi những không có kết quả. Năm 2009, mẹ con bà Lương bất ngờ nhận được lá thư của ông Nguyễn Viết Quản (73 tuổi, hiện đang sinh sống tại TP HCM) là đồng đội của chồng mình. Trong thư, ông Quản cho biết, ông là đồng đội chiến đấu cùng Trung đội với anh Kiền và đã có được những manh mối về mộ liệt sĩ Kiền. “Nhận được thư, tôi và gia đình như vỡ òa, sau hơn 30 năm không nhận được tin tức. Trong thư ông Quản cũng trình bày rõ, do có một số sai sót nên cần thời gian để bổ sung và đề nghị gia đình cung cấp một số tài liệu để sửa đổi. Khi nào hoàn thành thì gia đình có thể vào để đưa anh Kiên về” -bà Lương nhớ lại.
Qua bà Lương, chúng tôi vô cùng xúc động được biết, trong suốt 20 năm, ông Nguyễn Viết Quản cùng đồng đội đã tìm kiếm và đưa được gần 120 hài cốt liệt sĩ về quê nhà. Ông Quản tham gia kháng chiến năm 1969 -1975 ở chiến trường miền Đông Nam Bộ và Campuchia, nguyên Tiểu đội trưởng, Tiểu đoàn 18 đặc công miền Đông Nam Bộ. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông về nhận nhiệm vụ tại Công an TP HCM. Công việc bộn bề khiến ông phải tạm gác lại lời thề “sau này hòa bình thống nhất, ai là người còn sống nhớ đi tìm người đã chết đưa về quê cha đất tổ” bởi ông hiểu rằng, hành trình tìm mộ không phải là ngày một ngày hai mà mất rất nhiều công sức, kinh phí.
Năm 2008, sau khi nghỉ hưu, ông Quản cùng một số cựu chiến binh của Tiểu đoàn 18 bắt đầu lên kế hoạch thực hiện lời thề năm xưa. Với số tiền lương hưu ít ỏi, ông huy động những thành viên trong gia đình nuôi heo tiết kiệm để làm kinh phí đi tìm đồng đội. Một ngày giữa tháng 5-2009, ông Quản về lại chiến trường xưa ở Tây Ninh và đi tìm kiếm hết 4 Nghĩa trang liệt sỹ (NTLS) của 4 huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Tân Biên, Hòa Thành. Sau nhiều ngày tìm kiếm, ông Quản phát hiện ra phần mộ liệt sĩ có tên Nguyễn Lương Kiền tại NTLS Hòa Thành. “Từ linh cảm của người từng đi qua nhiều cuộc chiến, tôi đưa ra suy diễn rằng, đây chính là mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền. Để chắc chắn về giả thuyết này, tôi quay về TP HCM vào Phòng Chính sách, Cục chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 để xác minh tìm thân nhân liệt sĩ. Tại đây, trong hồ sơ có ghi đầy đủ thông tin về tên cha, tên mẹ, tên vợ và tên con rất trùng khớp. Đặc biệt, tên vợ là Nguyễn Thị Lương, có thể sau khi vào miền Nam vì thương nhớ vợ con nên anh Kiền đã lấy tên vợ làm tên đệm. Tôi viết thư báo tin cho chị Lương và đề nghị nếu gia đình muốn đưa hài cốt anh Kiền về với quê hương thì tôi xin sẵn sàng giúp nhưng với một điều kiện là kinh phí phải do tôi lo. Tôi nói gia đình gửi Giấy báo tử bản photocoppy vào…”- ông Nguyễn Viết Quản trao đổi qua điện thoại.
Cũng theo ông Quản, để chỉnh sửa hồ sơ, ông đã phải nhiều lần lặn lội từ Quân khu 7, TP HCM lên Tây Ninh và ngược lại. Ông Quản chia sẻ, việc chỉnh sửa thông tin liệt sĩ đòi hỏi phải có sự tham gia của thân nhân liệt sỹ. Vì muốn tiết kiệm cho gia đình cả về tiền bạc, thời gian, sức khỏe nên các hồ sơ, tài liệu đều gửi qua bưu điện. May mắn, cuối cùng công việc cũng xong, liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền cũng được về với quê cha đất tổ, về với vợ con vào cuối năm 2009. Công việc của ông và đồng đội vẫn chưa dừng lại, khi còn nhiều đồng đội vẫn chưa được trở về với gia đình...
“Nếu không có ông Nguyễn Viết Quản và đồng đội, gia đình tôi mãi không tìm được mộ anh Kiền. Tôi ngỏ ý gửi anh gọi là một chút kinh phí trong quá trình đưa hài cốt chồng về quê hương, nhưng ông ấy từ chối. Ông chia sẻ, thân nhân gia đình liệt sĩ đã chịu nhiều đớn đau, thiệt thòi khi mất đi người thân nên muốn góp một chút công sức nhỏ của mình…” – bà Lương nghẹn ngào chia sẻ.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nguoi-vo-liet-si-gan-nua-the-ky-thu-tiet-tho-chong-post280993.html