Người xã Ngọc Sơn trồng đào lo lắng vì không có đầu ra

Qua rằm tháng chạp, Tết đã cận kề nhưng vườn đào gần 1.000 gốc của gia đình anh Bùi Văn Tiền, xóm Vâng, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) vẫn còn nguyên vẹn, chưa bán được cành nào. Mỗi ngày trôi qua, hoa đào bung nở nhiều hơn mà tư thương vẫn vắng bóng. Anh Tiền cũng như hàng trăm hộ dân xã Ngọc Sơn đang lao đao vì đào ế ẩm, không có đầu ra.

Đã qua rằm tháng Chạp mà vườn đào gần 1.000 gốc của hộ anh Bùi Văn Tiền, xóm Vâng, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) chưa bán được cành nào.

Đã qua rằm tháng Chạp mà vườn đào gần 1.000 gốc của hộ anh Bùi Văn Tiền, xóm Vâng, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) chưa bán được cành nào.

Đồng chí Bùi Văn Chúc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có 4 hộ trồng đào ở quy mô lớn và khoảng hàng trăm hộ trồng trên dưới 10 gốc quanh vườn nhà. Như mọi năm, từ đầu tháng chạp, xe mua đào của tư thương từ khắp nơi đã đổ về Ngọc Sơn, đến từng hộ chọn mua cành đào mang về xuôi bán. Nhưng năm nay tuyệt nhiên vắng bóng. Từ đầu vụ đến nay, chỉ có 3 xe đến xã mua đào, có xin xác nhận của trưởng xóm, cán bộ nông lâm nghiệp và lãnh đạo UBND xã đây là đào do bà con trồng để vận chuyển mang về xuôi. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện trong việc xác nhận nguồn gốc để thuận lợi cho tư thương trong quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, ngoài 3 trường hợp đó chưa thấy có thêm tư thương nào đến xã mua đào. Tầm này mọi năm, những cành đào to, đẹp đã được tư thương mua hết, còn lại cành nhỏ, xấu bán dần đến cận Tết là vừa hết. Đào Ngọc Sơn chưa bị ế bao giờ. Nhờ cây đào mà nhiều hộ đã thoát nghèo, nếu không cũng có một cái Tết ấm no, đủ đầy. Nhưng năm nay việc tiêu thụ đào khó khăn quá. Nhiều hộ trông vào vườn đào, giờ lo ngại rằng sẽ mất Tết. Tôi khẳng định rằng, 100% đào Ngọc Sơn là đào do bà con trồng, ở đây không có đào rừng.

Theo khảo sát, cây đào được bà con Nhân dân xã Ngọc Sơn trồng rải rác trong vườn nhà, trên các sườn đồi. Hộ nhiều hàng nghìn gốc, hộ ít trên dưới chục gốc. Khí hậu quanh năm mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp nên cây đào phát triển tốt, ra cành khỏe, nụ mập, hoa bền. Theo nhẩm tính của bà con, trồng đào cho hiệu quả kinh tế hơn trồng ngô gấp 6 - 7 lần. Vậy nên, nhiều hộ đã chuyển từ diện tích trồng ngô sang trồng đào.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Bùi Văn Tiền, xóm Vâng, xã Ngọc Sơn - một trong những hộ trồng đào nhiều nhất xã xót xa: Gia đình tôi có 1 ha đất canh tác, đã chuyển 5.000 m đất sang trồng đào được 6 năm nay. Giống đào nhà tôi trồng là đào phai, đào đá, ươm giống từ hạt. Đào trồng đến năm thứ 4 có thể chặt cành bán. Đào cành bán tại vườn giá dao động khoảng 100 - 500 nghìn đồng tùy theo cành. Vụ năm ngoái cây còn nhỏ, ít cành, tôi bán được hơn 30 triệu đồng, tôi đưa tư thương đi gom mua được khoảng 800 gốc đào của người dân trong xã. Đang hy vọng vào vụ năm nay vì cây đào đã to, thời tiết thuận lợi, đào phát triển tốt, nở hoa đúng dịp Tết, nhưng đến nay, vườn vẫn chưa bán được cành nào. Tôi đã gọi điện cho khắp các mối trước đây hay đến mua nhưng họ đều từ chối. Vì quy định cấm chặt đào rừng, đào bà con Ngọc Sơn trồng là đào phai, đào đá, dễ bị lầm tưởng là đào rừng nên họ e ngại khó khăn trong việc vận chuyển về xuôi bán.

Cùng chung khó khăn với anh Tiền là hàng trăm hộ dân xã Ngọc Sơn lo lắng sẽ mất Tết vì không bán được đào. Người dân nơi đây đề xuất chính quyền các cấp, ngành liên quan sớm có giải pháp phù hợp để "mở đường” cho cây đào trồng của bà con Ngọc Sơn xuống núi.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/149341/nguoi-xa-ngoc-son-trong-dao-lo-lang-vi-khong-co-dau-ra.htm