Người xây dựng ý chí quyết thắng cho bộ đội Trường Sơn

Nhớ lại những ngày được làm việc trực tiếp với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trên tuyến đường Trường Sơn, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Chủ nhiệm về chính trị, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), nay là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, vẫn không quên những kỷ niệm về phong cách chỉ huy, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của vị tướng huyền thoại.

“Dưới mặt đất ta mới là người làm chủ”

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể lại, năm 1961, ông đi bộ đội, học lái xe rồi được biên chế về đại đội 1, đoàn 245, Tổng cục Hậu cần, sau đó được biệt phái vào Đoàn 559, làm nhiệm vụ chuyên trở bộ đội từ thị xã Đồng Hới. “Các chuyến xe bấy giờ đều phải vận chuyển vào ban đêm, chúng tôi phải vượt phà Long Đại theo đường nông trường Lệ Ninh, đi vào bản Bang (chân núi Trường Sơn) để từ đây bộ đội vượt Trường Sơn vào Nam chống Mỹ. Quảng Bình hồi này chưa có đường 15, chỉ lên đến bản Làng Ho, thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy là hết. Trong suốt những năm tháng chiến tranh khốc liệt, Làng Ho như địa chỉ đầu tiên tập kết vận chuyển vào chiến trường miền Nam”.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn

Những năm này, địch đánh phá rất ác liệt, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhớ rất rõ, lần đầu tiên ông được tiếp xúc trực tiếp với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là tại hội nghị tập huấn chuẩn bị cho chiến dịch vận tải mùa khô 1967 - 1968, khi ông đang là Đại đội phó, Đại đội 1, Tiểu đoàn xe 52. "Tư lệnh khi ấy trẻ lắm, khuôn dung sáng đẹp, vóc dáng, tâm thế rất phong độ. Ông đội mũ mềm, mặc quân phục Tô Châu gọn gàng, có điều khi nói ông cứ khụt khịt mũi liên tục".

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nằm trong số 12 cán bộ được triệu tập lên Bộ Tư lệnh học điều khiển vô tuyến điện máy 2W, P105 của Liên Xô về chỉ huy đội hình. Bởi trước đó, cả đại đội mạnh xe nào xe ấy chạy, có khi trên một cung đường tập trung tới mấy chục xe của nhiều đơn vị. Với số lượng lớn xe vận chuyển, Trường Sơn bấy giờ không thể đi lại dễ dàng mà phải theo đội hình, muốn vậy phải có tổ chức chỉ huy, phải sử dụng thông tin để hiệp đồng tác chiến...

Lớp phổ biến kỹ thuật của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên rất đặc biệt, được lập ngay tại sở chỉ huy, để đơn vị học tập các cơ quan Bộ Tham mưu trực tiếp chỉ huy chiến trường, học cách sử dụng vô tuyến điện tổ chức tuyến vận tải nhằm kịp thời báo cáo chỉ huy.

“Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên giao Cục trưởng Cục Tham mưu vận chuyển là Trung tá Nguyễn An, Phó phòng Thông tin Hoàng Quý trực tiếp lên lớp cho chúng tôi. Nói là học về chỉ huy vận chuyển binh chủng hợp thành thì rất khó hình dung vì đây là kỹ thuật hoàn toàn mới đối với cánh lính trẻ, hơn thế lại diễn ra trong thực tiễn chiến tranh. Tôi nhớ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên ngay khi nhận nhiệm vụ, ông và cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh Đoàn 559 tiến hành đợt khảo sát cầu đường và hoạt động của các lực lượng trên tuyến, đặc biệt là những trọng điểm”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Sau khảo sát, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên báo cáo trước Đảng ủy thực trạng tình hình, biểu dương ý chí, nỗ lực lớn của bộ đội, thanh niên xung phong. Tư lệnh phân tích, thực chất không quân Mỹ có làm chủ ở mức độ nhất định chứ không phải làm chủ hoàn toàn về thời gian và không gian. Dưới mặt đất ta mới là người làm chủ. Ta có nhiều lợi thế, am hiểu tình hình, có công sự, có cây rừng che phủ; cán bộ, chiến sĩ đều dũng cảm mưu trí, nếu được trang bị kiến thức quân sự và tư tưởng chủ động tiến công, thực sự biến tuyến vận tải thành chiến trường “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” thì nhất định hiệu quả sẽ khác, sức mạnh của địch càng hạn chế hơn nữa.

Chỉ đạo kịp thời, sẵn sàng đồng hành với chiến sĩ

Thời điểm này, chiến tranh ác liệt, địch thực hiện chiến dịch phá hoại, huy động các loại máy bay, vũ khí, bom mìn tấn công hàng trăm căn cứ trọng điểm của ta. Chỉ trong thời gian ngắn, Trường Sơn trơ trụi, số ô tô vận tải của tuyến chi viện chiến lược bị máy bay Mỹ bắn cháy lên tới 52%. Tuy nhiên, do được động viên kịp thời, các đơn vị thêm vững vàng; ý chí quyết chiến, quyết thắng được lan truyền trên toàn mặt trận. Tư tưởng, tinh thần của Tư lệnh được thông suốt, đó là khắc phục tư tưởng phòng tránh bị động, cụ thể hóa tư tưởng tiến công, đặc biệt ở các binh chủng bộ đội cao xạ, bộ đội công binh, bộ đội xe vận tải, bộ đội giao liên, bộ đội thông tin, bộ binh… Các cơ quan đơn vị không chui sâu vào rừng mà phải bám đường, bám xe, bám trọng điểm, sống chết với chiến sĩ lái xe cao xạ để làm gương cho các binh trạm và các đơn vị trực thuộc.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm, động viên chiến sĩ lái xe trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Tư liệu

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm, động viên chiến sĩ lái xe trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Tư liệu

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể tiếp, Tư lệnh chủ trương đội hình vận chuyển phải là binh chủng hợp thành, bộ đội phòng không đánh máy bay trên cao để bảo vệ đội hình xe; bộ đội công binh không những chống lầy, xử lý tại chỗ mà còn phải mở rộng đường. “Trong chiến tranh, việc mở rộng đường khó khăn vô cùng, thế nhưng nếu vận chuyển hàng trăm xe trong một cung đội thế này chỉ cần một xe bị hỏng, cháy dọc đường thì cả đoàn xe tắc lại, trở thành mục tiêu của máy bay địch. Chúng tôi đều hiểu, để chỉ huy vận chuyển cần có vô tuyến, cần mở rộng đường, cần có pháo cao xạ bảo vệ… để cho các chiến sĩ lái xe thấy được sự an toàn, yên tâm khi có binh chủng hợp thành đánh địch. Chỉ có Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là con người chỉ huy trực tiếp, tầm nhìn chiến lược về tổ chức chỉ huy binh chủng hợp thành mới giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Năm 1972, trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Binh trạm 19 được thành lập để tổ chức vận chuyển hàng từ Đồng Hới vào Bắc Quảng Trị. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn được giao chức Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 19. "Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên dặn tôi phải về dời sở chỉ huy binh trạm ra lô cốt cũ của Pháp gần nhà thờ Tam Tòa, Đồng Hới để chỉ huy. Lúc ấy, thị xã Đồng Hới bị phá tan tất cả, song Tư lệnh vẫn trấn an: Tôi sẽ ra làm việc với các anh ở đấy!".

Thực hiện mệnh lệnh, Sở chỉ huy Binh trạm 19 cách trọng điểm máy bay thường xuyên đánh khoảng 400m. Khi địch thả xong một tọa độ bom, ca nô phải lao ngay vào bốc hàng. Xong xuôi, ca nô khởi hành cũng là lúc địch chuẩn bị thả bom lần tiếp theo. Chỉ chậm một chút, lệch thời gian địch thả tọa độ bom là không lấy được hàng hoặc thương vong. Nhiệm vụ đầy khó khăn và nguy hiểm, nhưng chính những lời chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và sẵn sàng xuống tận nơi đồng hành với Binh trạm của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã truyền lửa để chiến sĩ vững tin, đương đầu với mọi gian khó.

"Với tất thảy những gì để lại, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên khắc ghi trong chúng tôi biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, dấu ấn sâu đậm trong xây dựng ý chí quyết chiến, chiến thắng cho bộ đội nói chung và đơn vị tôi, cá nhân tôi trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/nguoi-xay-dung-y-chi-quyet-thang-cho-bo-doi-truong-son-i317457/