Người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông làm giàu từ trồng cây dược liệu

Nhờ đánh thức được tiềm năng phát triển của chính đồng đất, núi rừng quê hương, người Xơ Đăng đang tự tin với việc vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu từ trồng cây dược liệu.

Làm giàu từ trồng cây dược liệu là mô hình mới hiệu quả ở huyện Tu Mơ Rông - huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum với 95% dân số là người Xơ Đăng. Những năm gần đây thực hiện định hướng phát triển cây dược liệu, người Xơ Đăng ngày càng tự tin trong lao động sản xuất từng bước thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng từ chính đồng đất, núi rừng quê hương.

Cây được ngủ Đông nhưng người trồng phải thức

Ngay trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, anh A Linh, nhà ở làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông vẫn thường xuyên có mặt trên vườn sâm Ngọc Linh của gia đình dưới tán rừng tự nhiên. Mùa này cây sâm Ngọc Linh đang thời kỳ ngủ Đông, chỉ còn củ nằm im trong lớp lá mục. Thế nhưng theo anh A Linh, cây được ngủ Đông nhưng người trồng thì phải thức vì còn canh chừng sóc, chuột cùng nhiều loài động vật hoang dã vốn rất thích ăn sâm Ngọc Linh.

Anh A Linh kiểm tra một cây sâm Ngọc Linh của gia đình

Anh A Linh kiểm tra một cây sâm Ngọc Linh của gia đình

Với vườn sâm nhiều năm tuổi khác nhau, số lượng khoảng 5.000 cây hiện có, A Linh là 1 trong nhiều tỷ phú sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông. Kể về hành trình hộ nghèo trồng sâm Ngọc Linh của mình, anh A Linh cho biết, từ nguồn vốn vay ban đầu 100 triệu đồng, anh mua giống sâm trồng. Sâm phát triển cho hiệu quả đã giúp đỡ cuộc sống của gia đình nhiều hơn.

Với người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông, mặc dù sinh sống quanh vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh, song không dễ để trồng được loại dược liệu có giá trị kinh tế rất cao này. Trở ngại lớn nhất với người dân là giá bán giống sâm Ngọc Linh rất cao, khoảng 100.000 đồng/hạt và 300.000 đồng/cây sâm 1 năm tuổi. Trước thực tế này, để giúp người dân trồng được sâm Ngọc Linh, chính quyền và đoàn thể huyện Tu Mơ Rông đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy “sợ vay”, “sợ nợ” của người Xơ Đăng. Nhờ vậy mà nhiều hộ thuộc diện nghèo đã tự tin vay vốn và trồng được sâm Ngọc Linh.

Anh A Sơn, 1 trong những hộ nghèo mạnh dạn đi đầu trong việc vay vốn ngân hàng 100 triệu đồng để mua giống trồng sâm Ngọc Linh, hiện sở hữu vườn sâm khoảng 3.000 cây chia sẻ, do giống sâm đắt nên lúc đầu anh cũng băn khoăn, ngại sợ vay mua cây sâm nếu rủi ro cây chết cũng ngại, song hai vợ chồng vẫn quyết định vay. “Bắt đầu từ năm thứ 4, thứ 5 sâm đậu hạt, trung mỗi cây bình đậu 20 - 30 hạt khỏe mạnh nên mình đã thu được hạt và giống cây con”, anh A Sơn kể.

Lấy ngắn nuôi dài, tích tiểu thành đại

Nhờ thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, người Xơ Đăng đặc biệt là những hộ nghèo ở huyện Tu Mơ Rông đã tự tin trong việc vay vốn phát triển cây dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng từ đó phát triển kinh tế gia đình. Với giá bán trên thị trường trung bình khoảng 100 triệu đồng/kg sâm Ngọc Linh tươi gồm cả củ, lá như hiện nay, nhiều hộ dân Xơ Đăng đã thoát nghèo bền vững và đang tiếp tục vươn lên làm giàu.

Không chỉ trồng được cây sâm Ngọc Linh, nhiều hộ dân Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông hiện nay cũng đã biết thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” “tích tiểu thành đại”. Bà con bảo nhau không vội bán cây sâm mà để giữ nguồn thu nhập hàng năm từ việc thu, bán hạt giống. Đồng thời, bà con trồng thêm sâm dây, sơn tra, ngũ vị tử và một số loại dược liệu khác để có thu nhập, thêm tiền đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, đã có thêm 562 hộ, chủ yếu là người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông thoát nghèo bền vững, vui Xuân, đón Tết ấm no, đầy đủ hơn.

Ngày càng có thêm nhiều hộ dân Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông trồng được cây dược liệu quý sâm Ngọc Linh

Ngày càng có thêm nhiều hộ dân Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông trồng được cây dược liệu quý sâm Ngọc Linh

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, nhờ đánh thức được tiềm năng phát triển cây dược liệu, người Xơ Đăng giờ đã tự tin với việc vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng từ chính đồng đất, núi rừng quê hương.

“Người dân không trông chờ, ỷ lại từ hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình là việc người dân đã vay vốn từ các nguồn vay khác nhau, từ các nguồn thu nhập của gia đình để đầu tư phát triển trồng sâm Ngọc Linh. Đây là sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm rất lớn trong người đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Mạnh cho biết.

Vững tin vào hướng đi đã chọn, đến hết năm 2023 huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã phát triển được trên 2.300ha sâm Ngọc Linh cùng hơn 1.300ha cây dược liệu khác. Với nhiều hình thức, như tự vay vốn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, tham gia vào các Tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp… ngày càng có thêm nhiều người Xơ Đăng trồng được loại dược liệu quý này. Đây cũng là việc làm cụ thể của chính quyền, người dân huyện Tu Mơ Rông trong việc góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 Kon Tum là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-xo-dang-o-tu-mo-rong-lam-giau-tu-trong-cay-duoc-lieu-post1074528.vov